Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

Bảng Lên Tiếng

Kỷ nguyên 21 là kỷ nguyên của khoa học hiện đại và toàn cầu hóa thông tin. Trong thời đại thông tin hiện nay, có rất nhiều mạng lưới để chuyển tải thông tin và nhiều diễn đàn để bày tỏ quan điểm.
Trong những ngày gần đây, một bài viết của Trí Tịch được đăng tải trên các trang nhà, vọng động quy kết trang nhà "Bảo Vệ Chánh Pháp" là của Chùa Điều Ngự và do chính tôi chủ trương một cách thiếu căn cứ. Bằng một văn phong khiếm nhã, thiếu văn hóa, Trí Tịch xuyên tạc, bôi nhọ tôi bằng cách gán ghép cho tôi là tác giả của một văn bản không rõ tác giả đăng tải trên trang nhà "Bảo Vệ Chánh Pháp". Do đó, với tư cách Tổng Thư Ký Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTNHN/HK và Viện chủ Chùa Điều Ngự, tôi xin khẳng định:
Trang nhà “Bảo Vệ Chánh Pháp” hoàn toàn không liên hệ gì đến Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTNHN/HK và Chùa Điều Ngự, cũng không liên quan gì đến cá nhân tôi. Tôi tôn trọng quyền tự do ngôn luận nhưng tôi không chấp nhận việc lạm dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc sự thật, gây chia rẻ, hoang mang nhằm tạo lợi thế cho Cọng sản. Tất cả những tin tức liên quan đến GHPGVNTN và Chùa Điều Ngự đăng tải, phổ biến trên những trang nhà điện tóan là quyền truyền thông của người tạo lập trang nhà điện toán đó.
Với phẩm cách chân chính của một tu sỹ Phật giáo, từ trước đến nay, tất cả bài vở, sách báo do tôi viết hay dịch đều đề tên tôi rất rõ ràng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì tôi dịch và viết. Tôi không vô minh và bạc nhược đến độ phải sử dụng nặc danh.
Là thành viên của Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTNHN/HK, chủ trương và việc làm của tôi rất rõ ràng, minh bạch, đó là phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Nhân đây, tôi cũng minh xác là tôi chưa bao giờ kích động, xúi giục ai biểu tình bất kỳ chùa nào.
Chụp mũ, xuyên tạc sự thật là hành động vô minh của Cọng sản. Trong cương vị của một tu sỹ Phật giáo, tôi sẵn sàng tha thứ những sai lầm vụng dại của kẻ xấu, nhưng vì tinh thần trách nhiệm, tôi lên tiếng khiển trách các bài viết bôi nhọ, xuyên tạc sự thật của Trí Tịch, cũng như của một nhóm người lạm dụng danh xưng "Tăng Ni Hải Ngoại" để bôi nhọ cá nhân tôi hoặc bất cứ ai đã và đang hết lòng phục vụ đạo pháp và dân tộc.
Tôi cầu nguyện cho những kẻ xấu sớm tỉnh thức, ăn năng sám hối và đừng vì bất cứ quyền lợi đen tối nào đó mà tạo ra những ác nghiệp để phải đọa lạc vào ba ác đạo.
Trân trọng,
Westminster ngày 25 tháng 02 năm 2009
Tổng Thư Ký Văn Phòng II Viện Hoá Đạo/ GHPGVNTNHN/HK

Tỳ kheo Thích Viên Lý,

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 24.2.2009
Đạo từ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ về sự Vẹn toàn lãnh thổ tại Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và siêu dộ hương linh các Chiến sĩ vị quốc vong thân tại chùa Điều Ngự ở Westminster, California – Lời Chúc Xuân của HT Thích Thiện Tâm, TT Thích Phước Nhơn và TT Thích Giác Đẳng





PARIS, ngày 24.2.2009 ( PTTPGQT ) - Vừa qua, dưới sự chứng minh của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác cùng chư Tăng giáo phẩm Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Lễ Cầu nguyện Quốc thái Dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu độ hương linh các Chiến sĩ vị quốc vong thân đã được tổ chức tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster , miền Nam California, hôm chiều Chủ nhật 15.2.2009. Đồng bào các giới và Phật tử cùng các cơ quan truyền thông, báo chí đã đến tham dự đông đảo gần một nghìn người làm cho cuộc lễ thêm phần trọng thể.



Sau cuộc lễ, là phần thuyết trình về đề tài “Hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GH PGVN TN) và Vai trò Cư sĩ Phật giáo trước thời cuộc” do Đạo hữu Võ Văn Ái trình bày, Pháp sư Thích Giác Đức nói về “Vài nét đóng góp nổi bật của Phật giáo Việt Nam cho dân tộc”, và chị Ỷ Lan phúc trình về “Sự hậu thuẫn GH PGVN TN của công luận thế giới và chính giới quốc tế”.



Nhân nói về “Vai trò người Cư sĩ Phật giáo trước thời cuộc” ông Ái nhắc lại hình ảnh người Cư sĩ mà cũng là Vua – Sư Trần Nhân Tông, vị tổ của Dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử đặc thù Việt Nam. Nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Ngài, nhưng quan trọng hơn là hành trạng của một Cư sĩ Phật giáo hai lần đại thắng chống Nguyên Mông, thu phục nhân tâm Chiêm Thành bằng con đường bất bạo Phật giáo đem về hai châu Ô Lý cho Việt Nam. Vô hình trung chuyện cũ 700 năm trước, nhưng lại là một hình ảnh rất thời sự cho người Cư sĩ Phật giáo tìm ra giải pháp đối ứng nguy cơ mất nước qua sự kiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mất những nghìn cây số đất, cây số biển sau hiệp ước trên đất liền và vùng biển Hà Nội ký kết với Bắc Kinh năm 1999 và 2000.



Phần trình bày của chị Ỷ Lan với những ví dụ cụ thể của các nhân vật quốc tế hay chính giới Âu Mỹ lên tiếng hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh đòi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GH PGVN TN dưới sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thuợng Thích Quảng Độ đã đem lại sự hứng khởi và tin tưởng cho người nghe. (xin xem các phát biểu quốc tế này trong Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 10.2.2009 hoặc vào xem trên Trang nhà Quê Mẹ www.queme.net



Tại hai nhà hàng Sea Food Kingdom và Sea Food World ở Quận Cam, Nam California, hôm tối thứ bảy 14.2 và tối chủ nhật 15.2, trước và sau Lễ Cầu nguyện, Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ cũng đã tổ chức hai buổi Cơm Chay nhằm gây qũy tổ chức Đại lễ Phật Đản 2553 vào ngày 10.5.2009 sắp tới. Đồng bào các giới và Phật tử đã nhiệt tình hậu thuẫn nhìn qua số lượng người tham dự. Thực khách đêm đầu 800 người, đêm sau 600 người. Theo Ban Tổ chức tuyên bố sơ bộ tổng số tiền ủng hộ trong hai đêm này lên đến sáu mươi nghìn Mỹ kim (60,000 $US). Nhân dịp này, Ban tổ chức đã cho bán đấu giá hai bộ “Phật Quang Đại Từ điển” của Hòa thượng Thích Quảng Độ phụ thêm vào việc gây qũy.



Dưới sự điều khiển sinh động và duyên dáng của bốn vị giới thiệu chương trình, Việt Dzũng, Minh Phượng, Ái Cầm, và Giáng Ngọc, gây hấp dẫn và nao nức người mua. Đêm đầu tiên, Bộ Phật Quang Đại Từ điển gồm sáu tập, 7605 trang, bán với giá 6000 Mỹ kim. Đêm hôm sau lên tới 20.000 Mỹ kim. Trong dịp này, Đạo hữu Võ Văn Ái đã giới thiệu công trình tác dịch bộ Đại từ điển này của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trong thời gian 10 năm lưu đày hay ở trong tù.



Ông Ái cho biết hiếm thấy một công trình nào thực hiện trong hoàn cảnh lưu đày ở xã Vũ Đoài, tỉnh Thái bình, yiếp đến tại nhà tù Thanh Liệt gần Hà Nội. Không như hoàn cảnh trước tác, dịch thuật tự do của các học giả tại các quốc gia văn minh, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ một thân một mình nơi tù ngục áp chế hoàn thành 10 năm trời dịch thuật gần 8000 trang, in thành 6 tập trang trọng, mỹ thuật tại Đài Loan. Vì trong nước nhà cầm quyền Cộng sản không cho phép ấn hành. Đặc biệt gần ba năm cuối cùng trong nhà tù Thanh Liệt kết thúc công trình to lớn. Nhưng đến ngày đặc xá năm 1998, quản giáo không cho mang về, bắt phải làm đơn xin. Hòa thượng Quảng Độ phản ứng tại sao phải xin lại tài sản của chính ngài, nên ngài khước từ không làm đơn xin. Về lại Saigon Hòa thượng phải bỏ ra 2 năm ròng để làm lại chuyện đã làm xong trước đó.



Qua công trình bộ “Phật Quang Đại từ điển” mới thấy hai chân lý, một là ý chí con người có sức dời non lấp biển, hai là chế độ độc tài toàn trị chỉ thủ tiêu văn hóa và người tài. 33 năm cộng sản thống trị, với một Giáo hội Phật giáo Nhà nước do đảng nâng đỡ, tiền rừng bạc biển, có đến bốn vạn Tăng Ni và gần 20 nghìn ngôi chùa. Thế nhưng về mặt học thuật Phật giáo chỉ làm xong hai bộ tự điển :



- Từ điển Phật học Việt Nam, 818 trang, của hai tác giả HT Thích Minh Châu và Minh Chi, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991;



- Từ điển Phật học Hán Việt, 2 tập, 3022 trang, Nhà xuất bản Phân viện Nghiên cứu Phật học, do một ban biên tập 15 Hòa thượng, Thượng tọa soạn thảo. Lẽ ra phải nói gồm 16 người, vì có tên Hòa thượng Thích Quảng Độ ở đầu trang sách. Nhưng đấy là họ để bừa cốt mượn uy danh ngài, chứ Hòa thượng Thích Quảng Độ không hề cộng tác hay biên tập. Có chăng chỉ là vài lần, với tư cách cá nhân, các vị trong ban dịch thuật có biên thư thỉnh ý Hòa thượng về một vài thuật ngữ phiên dịch. Bộ Từ điển Phật học Hán Việt này là bản dịch bộ “Phật học thực dụng tự điển” do Nhà xuất bản Phật giáo Đài Bắc ấn hành năm Dân quốc 72.



Trong khi ấy một người tù, cô thân độc ảnh, bị bức hiếp nơi chốn lưu đày tù tội bỏ suốt mười năm ròng hoàn thành bộ Phật Quang Đại Từ điển, 7605 trang, giá trị nhất trên thế giới về mặt học thuật và tư tưởng Phật giáo.



Dưới đây xin đăng nguyên văn Đạo từ được ghi âm và phát ra tại Lễ Cầu Nguyện ở Chùa Điều Ngự hôm chủ nhật 15.2 :





GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2552 Số 02/VHĐ/VT






ĐẠO TỪ
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

nhân Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An, Vẹn toàn Lãnh thổ và Siêu Độ những Hương linh Chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân tại Chùa Điều Ngự





Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật



Thay mặt Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi ngỏ lời tán thán Văn phòng II Viện Hóa Đạo và Chùa Điều Ngự nhân dịp Xuân Kỷ Sửu tổ chức Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu Độ những Hương linh Chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân.



Cầu nguyện là chí thành mong muốn cho những điều tốt lành được thể hiện trong cuộc đời đầy chướng ngại và bất hạnh. Kinh dạy rằng Phật và Bồ tát ngay lúc mới phát tâm đều nguyện “thành Vô thượng bồ đề và độ hết thảy chúng sinh”. Đây chính là Nguyện Ba La Mật, tức hạnh nguyện rộng lớn của người tu Bồ tát đạo, trên cầu Bồ đề, dưới hóa độ chúng sinh, là một trong mười Ba La Mật. Hạnh nguyện mà theo kinh Hoa Nghiêm sẽ đem lại những đức lớn như :



- Thành tựu cho hết tất cả chúng sinh

- Trang nghiêm hết tất cả thế giới

- Cúng dường hết tất cả chư Phật

- Thị hiện trong hết tất cả quốc độ



Đương nhiên nguyện còn phải đi đôi với hành. Nguyện và hành không thể tách rời thì mới thành tựu công đức. Vì ý chí mong hướng tới, nhưng cần thực hành mới đầy đủ.



Ngày nay, vì hoàn cảnh mà chư liệt vị phải sống xa quê hương. Ngày đầu năm tấm lòng cố quốc khôn nguôi, nên lòng chung lòng, vai bên vai cất lời cầu nguyện cho Quốc thái Dân an, Vẹn toàn Lãnh thổ và siêu độ cho những Hương linh Chiến sĩ vị quốc vong thân.



Chư vị Bồ tát phát bốn thệ nguyện rộng lớn, rồi nhờ thực hành sáu độ Ba La Mật mà thành Phật quả, thì nay nơi lễ đài chùa Điều Ngự, quý liệt vị phát lời hoằng nguyện và phát tâm hành động trong Năm Mới Kỷ Sửu, 2009. Nhờ vậy, đất nước sẽ không bị lãng quên, nhân dân sẽ không cô đơn trơ trọi trong đói nghèo, mất tự do và thiếu nhân quyền, hương linh những chiến sĩ vị quốc vong thân sẽ được siêu độ. Điều trọng thiết khác mà tôi hết lòng trông đợi là Lời Cầu Nguyện cho vẹn toàn lãnh thổ của liệt quý vị sẽ gây phấn chấn lòng người Việt hải ngoại để kết thành động thủ bảo vệ non sông, nòi giống trước hai nạn ngoại xâm và nội xâm.



Suốt các triều đại dân tộc từ Đinh, Lê, Lý. Trần, Lê, dòng họ tuy có khác, nhưng châm ngôn Hộ Quốc vẫn là một : “Gìn giữ giang sơn, không để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông”. Thế mà giờ đây hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, và bao nhiêu nghìn cây số đất, cây số biển đã xuất cảng sang Tàu trong hai Hiệp ước biên giới trên đất liền và trên biển do nhà cầm quyền Hà Nội ký với Trung quốc năm 1999 và năm 2000 ?



Quý liệt vị đang được may mắn sống trên một đất nước dân chủ, tự do, nên các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… được xem như bất khả xâm phạm. Xin quý liệt vị hãy sử dụng tài sản tự do ấy mà đầu tư cho việc thực hiện Quốc thái Dân an, Vẹn toàn lãnh thổ, và mang lại Linh quyền cho những hương linh chiến sĩ vị quốc vong thân.



Tôi cầu chúc cuộc lễ hôm nay thành tựu viên mãn và đem lại các đức lớn ghi trong kinh Hoa Nghiêm, mà đất nước và người dân Việt trông chờ : Thành tựu cho hết tất cả chúng sinh, tức mang lại an vui, hạnh phúc, tự do cho 85 triệu dân lành ; Trang nghiêm hết tất cả thế giới, tức nền văn minh Việt Nam và Phật giáo đóng góp công sức cho hòa bình và an lạc nhân loại ; Cúng dường hết tất cả chư Phật, tức đền đáp dòng pháp nhũ giác ngộ mà chư Tăng, Phật tử thừa hưởng từ gần ba nghìn năm qua ; và Thị hiện trong hết tất cả quốc độ, tức chư Tăng, Ni, Phật tử biết lắng nghe và có mặt khắp nơi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau để cứu độ quần sinh theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.



Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật



Saigon , Thanh Minh Thiền Viện ngày 15.2.2009

Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống

kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo

(ấn ký)

Sa môn Thích Quảng Độ





Các Lời Chúc Tết Kỷ Sửu 2009 tiếp theo Thông cáo báo chí ngày 10.2


Trong Thông cáo báo chí phát hành ngày 10.2. vừa qua chúng tôi đã chép lại các lời Chúc Xuân phát trên Đài Phật giáo Việt Nam của hàng giáo phẩm GH PGVN TN và các nhân vật Quốc tế : Đức cố đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang chúc Tết Mậu Tý năm ngoái, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GH PGVN TN, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Ủy viên Nội vụ và Hoằng pháp Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Viên Lý, Phó Tổng thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Vương quốc Anh, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Ed Royce, Ông Chủ tịch Sáng hội Rafto, Arne Lynngård, Bà Thérèse Jebsen, Chủ tịch Điều hành Sáng hội Rafto từ Vương quốc Na Uy, hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, Marco Cappato, và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý, Marco Perduca.



Hôm nay chúng tôi xin chép tiếp các lời Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Thượng tọa Thích Phước Nhơn và Thượng tọa Thích Giác Đẳng vừa phát trên Đài Phật giáo Việt Nam hôm thứ sáu 20.2 vừa qua :



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Hòa thượng Thích Thiện Tâm,
Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Canada, Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch GH PGVN TN Hải ngoại tại Canada


Kính chào cô Ỷ Lan, kính chào quý thính giả, Trước hết, tôi xin chúc mừng Năm Mới cô Ỷ Lan cùng quý vị trong Ban điều hành quý Đài năm mới Kỷ Sửu 2009 nhiều sức khỏe và bình an để tiếp tục đưa tiếng nói, nguyện vọng đòi hỏi của mọi người dân khi phải sống trong một đất nước còn thiếu thông tin lại còn quá nhiều độc tài, áp bức, khiến họ phải kêu cứu quốc tế. Và cũng nhân buổi tiếp xúc hôm nay tôi cũng xin mượn tiếng nói của quý Đài để gởi lời chúc Tết đến tất cả quý đồng bào đồng hương của chúng tôi một Năm Mới được an khang thịnh vượng.



Cầu mong Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thực hiện câu họ đã đề ra : Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và độc lập, tự do, hạnh phúc đúng theo nghĩa của nó để phục vụ đất nước và quyền lợi của nhân dân. Riêng cũng xin được kính chúc chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp của GH PGVN TN trong cũng như ngoài nước một Năm Mới thân tâm thường an lạc, vạn sự ngày một hanh thông cũng như nguyện cầu cho Giáo hội sớm được phục hoạt.



Ỷ Lan : Hòa thượng là Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Canada Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch GHPGVCNTN Hải ngoại tại Canada, kính xin Hòa thượng cho biết sơ lược thành quả hoạt động của Giáo hội trong năm qua ở Canada ?



HT. Thích Thiện Tâm : Kính thưa cô Ỷ Lan, thưa quý thính giả của Đài, báo cáo việc Phật sự của Giáo hội ở Canada trong một năm qua thì có rất nhiều việc đáng buồn hơn vui. Đó là sự phân hóa khá nặng nề do ảnh hưởng bởi âm mưu triệt tiêu Giáo hội Thống nhất của Nhà cầm quyền Việt Nam .



Duy có một vài sự kiện xẩy ra khá đặc biệt ở trong năm 2008 mà GH PGVN TN ở Canada đã làm. Đó là thứ nhứt, Giáo hội đã bảo trợ hàng trăm người Việt tị nạn bị kẹt tại Phi Luật Tân gần 20 năm qua, đã bảo bọc cho họ công ăn việc làm và hiện nay cuộc sống của các gia đình đó đã ổn định. Thứ hai, là Giáo hội cũng vừa khánh thành một cơ sở từ thiện xã hội, đó là Viện Dưỡng lão mang tên Tuổi Hạc. Một nơi giúp cho các cụ trong Cộng đồng Người Việt ờ Canada. Đây là nơi gởi thân yên ấm nhất cho các cụ Việt Nam khi vào sanh sống trong ngôi nhà này. Nơi đó có sự chăm sóc của y tá, bác sĩ là các người đồng hương Việt Nam, được ăn thức ăn Việt Nam, được hàn huyên tâm sự với các bạn già bằng tiếng Việt hằng ngày. Và việc làm thứ ba, đó là Đại hội Khoáng đại bầu lại Tân Hội đồng Điều hành cho nhiệm kỳ mới 2008 – 2012 theo đúng như Nội quy quy định. Đại hội đã quy tụ rất nhiều đoàn thề từ khắp nơi trên đất nước Canada về tham dự. Một đại hội thành công và chúng tôi có triển vọng sẽ xây dựng và củng cố GH PGVN TN tại Canada vững chãi hơn trong năm mới này.



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Phước Nhơn,
Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Úc châu & Tân Tây Lan, Văn phòng II Viện Hóa Đạo GH PGVN TN


A Di Đà Phật ! Kính chào chị Ỷ Lan, kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Trước nhất nhân dịp Xuân Kỷ Sữu chúng tôi thành tâm nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài nước pháp thể khinh an, Phật sự viên thành, và nhân dịp Xuân Kỷ Sửu chúng tôi gửi đến lời đầu Xuân cùng toàn thể qúy Đồng hương cũng như Phật tử trong và ngoài nước ngày Tết đến mọi người Việt Nam của chúng ta trong ngày đầu Xuân gặp nhau đều nói những lời, trao nhau những gì hoan hỉ và tốt đẹp nhất. Đó là văn hóa của người Việt Nam .



Nhưng đối với Phật giáo thì Đức Phật dạy cho chúng ta về hai chữ Bố thí. Nếu như chúng ta áp dụng hai chữ Bố thí này ở trong đời sống hằng ngày thì nó chính là cái sự vui tươi, phát triển và sự tốt đẹp mà mọi người chúng ta đều mong muốn. Trong sự Bố thí chúng ta có Bố thí Vô úy, Bố thí tài và Bố thí Pháp. Riêng về các bậc lãnh đạo, nhất lá các cấp chính quyền mà bỏ đi cái sự cai trị, guồng máy của công an trị, không mang lại sự lo âu sợ hãi cho nhân dân để cho toàn thể dân chúng được tự do, dân chủ, và nhân quyền, thì sẽ làm cho đất nước mỗi ngày một có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tất cả mọi sự tự do cá nhân và tập thể đều được phát triển mốt cách tốt đẹp cực độ. Như thế chính là áp dụng pháp Bố thí Vô úy của Nhà Phật. Làm như vậy thì lãnh thổ được bảo vệ trọn vẹn, người dân được sống trong sự ấm no, hạnh phúc, không còn sợ hãi, lo âu. Nói đến đây chúng tôi lại nhớ đến thi sĩ nổi danh của Việt Nam chúng ta, Trần Tú Xương có 4 bài thơ mà ông ta đã chúc trong sự châm biếm, tuy nhiên mang tải ý nghĩa của ba pháp Bố thí tài, Bố thí Pháp và Bố thí Vô úy của nhà Phật trọn vẹn nhất mà chúng tôi cảm thấy thích thú. Chúng tôi mượn bốn bài thơ này gởi đến trong ngày đầu Xuân cùng toàn thể quý thính giả của Đài Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, Đó là :



Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con

Sanh năm đẻ bảy được vuông tròn

Phố phường chật ních người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non



Hai bài thơ này mang ý nghĩa Bố thí Vô úy. Sau khi chúng ta bố thí vô úy, đó là nhân. Có nhân rồi thì chúng ta sẽ được cái quả. Đó lá sống lâu trăm tuổi, trường thọ, không bịnh, không hoạn và con cái hiếu thảo. Cũng chính là cái pháp mà mỗi người lãnh đạo cần lưu tâm và thực hành.



Tiếp đến bài thơ thứ ba :

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thì mua tước đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa bán vừa rao cũng đắc hàng



Đây là bố thí Pháp. Thăng quan tiến chức tức nói về trí tuệ. Có học vấn, có trí tuệ, có bằng cấp và sự hiểu biết thì mới có thể đảm trách những chức vụ quan trọng đưa đất nước đến chỗ hưng thịnh.



Bài thơ thứ tư :

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu

Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu



Đây là bố thí tài. Tiền nhiều quá đến độ phải rơi rớt khắp nơi không ai màn để lấy, giống như nước thái bình không cần đóng cửa. Nhưng bây giờ thì xã hội chúng ta đóng cửa, họ cũng cạy cửa vào để lấy. Do vậy cái nhân không tốt thành thử xã hội có cái quả không tốt. Thành thử chúng ta phải gây nhân tốt thì quả trong tươnglai mới có thể tốt đẹp hơn. Nếu như ngày đầu năm mà chúng ta chỉ gặp nhau, nói nhau những lời sáo ngữ, không thực hành, không hoán chuyển, không đem hết khả năng của mình ra để vận dụng mỗi giờ mỗi phút để cho cuộc sống chính mình được thay đổi bộ mặt xã hội được thay đổi, thì dầu cho chúng ta có chúc mỗi ngày đi nữa, sự ước muốn đó cũng không thể nào mang lại kết quả tốt đẹp. Do vậy nhân dịp đầu năm Kỷ Sửu chúng tôi xin thành tâm gởi lời Chúc Xuân đến chư tôn Giáo phẩm, quý tôn giáo bạn, quý Hội đoàn, Đoàn thể cùng đồng hương Phật tử trong và ngoài nước lời chúc tốt đẹp nhất, đó là mỗi ngày chúng ta hãy áp dụng pháp Bố thí để thay đổi được cái nhân của chính mình và cho xã hội của chúng ta.



Ỷ Lan : Bạch Thượng tọa là Tổng Ủy viên Đặc trách Úc châu & Tân Tây Lan Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Kính xin Thượng tọa cho biết sơ lược các dự án hoạt động của Giáo hội trong năm Kỷ Sửu sắp đến tại Úc châu ?



TT. Thích Phước Nhơn : Trong năm Kỷ Sửu đến, Giáo hội tại Úc châu đại diện của Viện Hóa Đạo cũng như Giáo hội Thống nhứt tại Úc châu, trước nhất chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi Ra Mắt tập Thơ Tù của Hòa thượng Viện trưởng kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của GH PGVN TN, ngài Thích Quảng Độ tại các thành phố trên toàn Liên bang Úc châu. Chúng tôi nghĩ rằng ngày Ra Mắt sách sẽ thành công tốt đẹp. Chúng tôi dự trù sẽ đi hết các Tiểu bang và hiện tại rất nhiều người đã ủng hộ tinh thần, nhiều vị sinh hoạt trong các tổ chức Cộng đồng cũng như giới đồng hương Phật tử các nơi đã gọi điện thoại thăm hỏi để biết rõ thêm những chi tiết về ngày Ra Mắt Sách này. Trong ngày lễ này chúng tôi cũng có mời chư tôn đức trong Văn phòng II Viện Hóa Đạo cũng như Giáo sư Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan từ Paris qua để thuyết trình trong dịp ra mắt Thơ Tù cũng như trình bày tình hình Phật giáo của GH PGVN TN. Đó là vài nét sơ lược sinh hoạt sắp tới.



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Giác Đẳng,
Tổng Ủy viên Truyền thông, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ


Kính chào chị Ỷ Lan và thân chào quý vị thính giả của Đài Phật giáo Việt Nam . Thưa quý vị, Năm Kỷ Sửu đến với tất cả chúng ta và trong tâm nguyện của một vị Tăng sĩ, đặc biệt là một thành viên của GH PGVN TN, trước nhất xin được gửi đến chư tôn Giáo phẩm, chư đồng hương, đồng bào Phậ tử xa gần, các Cơ quan truyền thông, lời kính chúc một Tân Niên An lạc, Cát tường và mong rằng tất cả những nguyện vọng cao cả của những người có tâm huyết cho quê hương dân tộc, với đạo pháp sẽ sống thành tựu viên mãn. Xin được nguyện cầu cho GH PGVN TN sớm được phục hoạt và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Xử lý Viện Tăng thống được pháp thể khang an, Phật sự viên mãn.



Ỷ Lan : Bạch Thượng tọa là Tổng Ủy viên Tổng vụ Truyền thông, Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Kính xin Thượng tọa cho biết sơ lược thành quả của giáo hội trong năm qua ở hải ngoại ?



TT. Thích Giác Đẳng : Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả đang nghe Đài. Năm 2008 đi qua để lại rất nhiều ghi nhận và biến động lớn. Có lẽ biến động lớn của GH PGVN TN là sự ra đi của Đức Đệ tứ Tăng thống, một điều mà chúng ta có thể cảm nhận, rằng ngay cả những tháng ngày trước khi Ngài ra đi, hình ảnh của Ngài, sự sáng suốt của Ngài đã cho chúng ta những ý nghĩa rất là cao đẹp về một vị mà trong suốt cuộc đời sống cho dân tộc cho đất nước và Ngài đã ra đi trong một thần thái rất an tĩnh. Bên cạnh đó thì sự tổ chức Tang lễ của Đức Tăng thống ở trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam là một điều chúng ta cần nhắc lại tại đây.



Giữa lúc mà có rất nhiều sự chi phối, chống phá từ bên ngoài vào. Đặc biệt là sự chống phá nhắm thẳng vào Đại lão Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, thì chư tôn giáo phẩm trong nước đã long trọng cử hành tang lễ của Đức Đệ tứ Tăng thống đúng theo cung cách của một vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội. Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài, có lẽ đó là một hình ảnh đáng nhớ nhất. Sau khi Đức Đệ tứ Tăng thống viên tịch rồi thì những lễ Chung thất, Tưởng niệm được tổ chức khắp năm châu. Dĩ nhiên là có một số mang hình thức khác, nhưng cho chúng ta thấy rằng tất cả đã có một tấm lòng dành cho Đức cố Đệ tứ Tăng thống một cách đặc biệt. Nhất là từ phía Cộng đồng Người Việt ở hải ngoại.



Bên cạnh sự ra đi của Đức Đệ tứ Tăng thống thì vào dịp lễ Chung thất chúng ta có lễ suy tôn Đức Phó Tăng thống và Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác được cung thỉnh để thành Phó Tăng thống của GH PGVN TN. Đó cũng là một sự chúng ta phải ghi nhớ trong năm vừa qua.



Riêng ở tại Hoa Kỳ thì cũng phải nói rằng năm vừa qua là một năm mà Viện Hóa Đạo đã tập chú để có rất nhiều chương trình từ đầu năm cho đến cuối năm trong những nỗ lực hội thảo, tiếp xúc với Cộng đồng. Chúng ta nhận được nhiều sự tán trợ từ các tổ chức, cơ quan truyền thông, Cộng đồng Người Việt ở khắp nơi, và bên cạnh những buổi hội thảo, những khóa tu học thì giáo hội cũng đã thành lập được một số cơ sở địa phương như là chùa Điều Ngự là cơ sở trung ương của giáo hội nằm ở tại thủ đô người Việt ở tại miền Nam California, hay sự ra đời của Ban Đại diện Miền Huyền Quang ở Bắc California, Ban Đại diện Miền Thiện Luật ở tiểu bang Miền Texas và một số các cơ sở hạ tầng.



Nói chung thì đó là một năm Giáo hội đã hoạt độing theo một đường hướng thực tế đối với những gì mà chúng ta có thể làm được. Dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua không nói một số chướng duyên đến ở bên trong cũng như bên ngoài. Sự chống phá Giáo hội vẫn tiếp tục như chúng ta biết từ lâu nay. Mục tiêu của Nhà cầm quyền Hà Nội là làm thế nào vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong tay của họ, đồng thời làm thế nào để bóp chết tiếng nói của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở trên các diễn đàn thế giới. Nói cách khác là Nhà cầm quyền Việt Nam không muốn GH PGVN TN còn tiếp tục tồn tại ở trong tất cả những nỗ lực vận động dân chủ, nhân quyền, tự do trong thế giới.



Nhưng cho đến hôm nay thì dưới sự lãnh đạo của chư tôn giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng Viện, GH PGVN TN vẫn tồn tại. Mặc dù mỗi một giai đoạn đều có những thách thức riêng của nó.



Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài, một trong những dấu hiệu rất đáng tin tưởng là hiện nay càng lúc đồng bào ở các nơi càng nhận thấy rằng sự tán trợ đối với giáo hội không đơn giản chỉ là một sự đồng tình hay là những lúc giáo hội kêu gọi, mà còn đem lại những nỗ lực góp phần rất nhiều. Lấy ví dụ như ngày hôm qua tại chùa Pháp Luân có tổ chức buổi tiệc Tất niên của Ban Đại diện GH PGVN TN Miền Thiện Luật, có hơn 400 quý đồng hương và Phật tử đến tham dự lễ Tất Niên này trong buổi sinh nhật của Đức Phó Tăng thống, thì chúng ta nhận thấy sự quan tâm, thao thức của Cộng đồng và đa số mọi người đều có câu hỏi đặt ra rằng : Có gì đó có thể đóng góp được cho Giáo hội không ? Điều đó là điều quan trọng, bởi vì từ lâu những khó khăn trong nội bộ của giáo hội và trong hiện tình chung của Phật giáo Việt Nam ít khi được sự quan tâm đặc biệt như trong giai đoạn này.



Chúng ta mong rằng Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam không phải chỉ là một câu chuyện nội bộ của Phật giáo và Pháp nạn đó sẽ được tất cả những người Việt yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền lấy đó làm một trong những tiến đề khi chúng ta nói về sự cải thiện nền tự do, dân chủ thật sự ở tại Việt Nam. Xin có vài lời như vậy để trình bày với chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài về vài điểm đáng nhớ trong Phật sự của Giáo hội trong năm qua.

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

TUỜNG THUẬT VỀ BUỔI LỄ CẦU NGUYỆN VÀ HỘI LUẬN

TẠI CHÙA ĐIỀU NGỰ

Westminster: Suốt thời gian qua, kể từ ngày Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang ban hành Giáo chỉ số 9 cũng cố nhân sự Văn Phòng II Viện Hoá Đạo để đối phó sách lược tiêu diệt Phật Giáo mới của chế độ Cọng sãn, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã bị Cán bộ Cọng sãn tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ vu khống và đánh phá dưới mọi hình thức.
Nhà cầm quyền Hà nội không ngừng xử dụng những kế sách tinh vi thâm hiểm đàn áp Giáo Hội,
biến Phật Giáo thành công cụ phục vụ chính trị; chủ trương tục hoá Phật Giáo nhằm tiêu diệt con đường đấu tranh tự do tôn giáo , dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam do Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo lãnh đạo. Trước hiện trạng nhiểu nhương , vàng thau lẩn lộn , người Phật Tử vô cùng hoang mang , dao động không phân biệt chơn ngụy chánh tà.
Để mọi giới quần chúng hiểu rõ đường hướng , lập trường kiên định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đại lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ trong giai đoạn Quốc nạn và Pháp nạn nghiệt ngã, Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Hải Ngoại tại Hoa Kỳ kết hợp tổ chức Lễ Cầu nguyện Quốc thái Dân an, vẹn toàn lãnh thổ đồng thời siêu độ Chư chiến sĩ vị Quốc vong thân và buổi Hội luận về hiện tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và vai trò người cư sĩ Phật Giáo trước thời đại vào lúc 1 giờ chiều Chủ nhật, ngày 15 tháng 2 năm 2009 tại Chùa Điều Ngự.
Mặc dầu dự báo thời tiết xấu nhưng hôm nay may mắn dưới bầu Trời nắng đẹp, khuôn viên Chùa Điều Ngự gần cả ngàn người đủ mọi giới đã về tham dự.
Chúng tôi nhận thấy có Giáo Sư Lưu Trung Khảo, Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Cựu Chuẩn Tướng Lê văn Tư, cựu Thẩm phán Phạm đinh Hưng ,Cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu, Lê Khắc Lý, Phạm văn Thuần , cựu Trung Tá Nguyễn văn Thư, Đặng Uynh, các Cựu Dân Biểu Nguyễn hữu Thời, Bùi văn Nhân, Đoàn Mại, Lý trường Trân, và nhiều vị khác chúng tôi xin cáo lỗi không ghi kịp.
Các Đoàn thể trong Cộng Đồng chúng tôi nhận thấy có Cụ Vũ Hoàn, Ông Đoàn Thế Cường, Ông Huỳnh Kim, Ông Trương quang Sĩ, Bà Nguyễn Hữu Chánh và phái Đòan, Ông Phan Kỳ Nhơn, Tập thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ,Bà Nguyễn minh Nguyệt, Ông bà Giáo sư Nguyễn văn Nu, Ông Nguyễn Hoàng Long, Ông Lê Xuân Trạch, Ông Trần trọng Đạt, Ông Bà Phạm ngọc Khôi, Dược sĩ Thức, Luật sư Trần sơn Hà, Ông Nguyễn tấn Lạc, Luật sư Nguyễn xuân Nghĩa, Ông Du Miên, Ông Tái Hiến , Ông Doãn Tiên, Ông Phan như Hữu, Ông Hồ Thăng, Bà Luật Sư Bùi kim Thành, Cộng Đồng Việt Nam San Diego, Liên Khuôn Phật Học Orange, Đòan Cựu huynh trưởng miền Vạn Hạnh, Đoàn Cư sĩ An Lạc Phụng Sự, Đoàn Thanh niên cờ Vàng và Ban hướng dẫn Gia đình Phật Tử Chùa Điều Ngự và còn nhiều vị trong các tổ chức hội đoàn, Đoàn thể chúng tôi xin cáo lỗi vì không ghi nhận kịp.
Truyền thông báo chí chúng tôi nhận thấy có Ký giả Nguyên Huy, Thanh Huy, Anh Thành, Nguyễn vĩnh Phúc,Lưu Phát, Đoàn Trọng, Lỳ kiến Trúc. Phóng viên các Đài Truyền hinh TV SBTN, VNS, 18, ibie TV, VN.Free TV, TNC và … xin cáo lỗi chúng tôi không ghi nhận kịp.
Đúng 1 giờ trưa thì buổi lể Cầu nguyện bắt đầu. Ba hồi chuông trống Bát Nhã đều đặn ngân vang cung thỉnh Chư Tôn Giáo phẩm từ Chánh Điện tiến ra vị trí hành lễ lộ thiên do Đức Phó Tăng Thống Đại lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác dẩn đầu, tiếp theo là Hoà Thượng Thích Chánh Lạc Phó Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, Hoà Thượng Thích Trí Lãng Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ xã Hội, Hoà Thượng Thích Viên Thành Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ, Hoà Thượng Thích Thiện Hữu Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng Sự, Hoà Thượng Thích Chơn Trí Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ, Pháp Sư Thích Giác Đức Phó Chủ tịch GHPGVNTN-HN tại Hoa Kỳ, Tổng Ủy Viên Kế Hoạch Văn Phòng II/VHĐ, Thượng Tọa Thích Viên Lý Tổng Thư Ký Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, Thượng Tọa Thích thông Đạt Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Kiến thiết, Thượng Toạ Thích nguyên Thảo Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Xã hội GHPGVNTN Canada. Thượng Tọa Thích Viên Huy Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tài Chánh, Trụ trì Chùa Điều Ngự, Sư Bà Thích nữ nguyên Thanh Tổng Thủ Quỉ và Đại Đức Thích trí Tịnh Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Truyền Thông GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.
Sau phần chào Quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cọng Hoà và Phật Giáo kỳ là phút nhập từ bi quán . Tiếp theo Hoà Thượng Phó Tăng Thống GHPGVNTN đã ban Đạo từ khai mạc buổi lễ. Qua Đạo từ Hoà Thượng đã đề cập đến ý chí cứu nguy của người Phật Tử và Giáo Hội,Hoà Thượng nói : “Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An , cho sự toàn vẹn lãnh thổ là bưóc đầu của sự cứ nguy,” Hoà Thượng nói chưa bao giờ đất nước cần đến Cộng đồng người Việt Hải Ngoại như bây giờ. Chúng ta được sống trên đất nước tự do , chúng ta có tự do đầy đủ để thẳng thắn nói lên tình trạng an nguy của đất nước. Chúng ta đã mất đất,, mất hải đảo vì nhà cầm quyền hiện tại đã dâng hiến cho Trung Cộng và tương lai sẽ còn có thể mất hơn nữa vì bị nhiều lệ thuộc. Vì vậy mà chúng ta cần tổ chức buổi cầu nguyện hôm nay.
Nhân dịp này Ban tổ chức đã cho phát thanh Đạo từ của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ từ trong nước gởi ra. Ngài thay mặt Hội đồng lưỡng Viện nhắc nhở Cộng Đồng Phật Tử và đồng bào khắp nơi là chúng ta không mong muốn những điều bất hạnh xảy ra cho đất nước và dân tộc nên việc cầu nguyện của chúng ta cần đi đôi với việc làm mới đủ. Hoà Thượng cũng nhắc lại lịch sử gìn giữ đất nước của tiền nhân để kêu gọi con dân Việt Nam mà đặc biệt là ở Hải Ngoại đang sống trong tự do hãy sử dụng quyền tự do của mình để bảo vệ lãnh thổ trước nạn ngoại xâm lẫn nội xâm.
Tiếp theo Hoà Thượng Thích Chánh Lạc, cũng phát biểu : Trên 30 năm mất nước nhưng mọi người Việt ở Hải ngoại còn quan tâm đến vận mệnh của đất nước nên đã có một niềm tin rằng kẻ ác rồi sẽ không thể tồn tại trên quê hương, chúng ta sẽ trở về , hãy làm sao cho con đường trở về được rút ngắn . Đó là mong muốn chung của toàn dân Việt trong cũng như ngoài nước.
Sau đó Chư Tôn Giáo Phẩm đã cử hành lễ cầu nguyện cho Quốc Thái dân an, cho giang son Việt nam được toàn vẹn lãnh thổ theo hai nghi lễ Nam Tông và Bắc Tông.
Buổi lễ đã diễn ra trong khung cảnh trang nghiêm với mọi người nghiêm chỉnh chấp tay cầu nguyện.
Tiếp theo Thượng Toạ Thích Viên Lý Tổng Thư Ký Văn Phòng II Viện Hoá Đạo
Đã giới thiệu ba Thuyết trình viên là Pháp Sư Thích Giác Đức, Giáo sư Võ văn Ái và Cô Ỷ Lan. Buổi Hội luận được sự chứng minh của hai Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác và Thích Chánh Lạc.
Pháp Sư Thích Giác Đức đã đề cập đến vấn đề xuất thế và nhập thế của người Phật Tử. Nhập thế để cứu nguy dân tộc đất nước, không phải để thế tục hoá nên không thể có tinh trạng thế quyền và giáo quyền. Khi nhập thế cứu nguy vì lòng tư bi, thương yêu chúng sinh thì người Phật Tử không tranh dành quyền lợi. Lịch sử Việt nam đã chứng minh điều ấy. Lịch sử trãi qua bao ngàn năm Đạo Phật đã có ảnh hưởng rất lớn với đời sống cuả Dân tộc Việt Nam , nhưng qua bao ngàn năm đó đạo Phật lúc nào cũng vẫn đạm bạc nâu sòng. Đạo Phật còn được dân tộc hoá khi chỉ hàng xuất gia tu hành như Sư Tổ, Sư Cụ, Sư Ông, Sư Bác . Chú Tiểu, Sư Cô, Sư Bà. Từ đo cho thấy Phật Giáo không vì mưu cầu quyền lợi riêng mà nhập thế . Vì vậy nói rằng Phật Giáo với Dân Tộc là một vì khi dân tộc điêu linh thì Phật giáo không yên. Do vậy trước hiện tình nước mất nhà tan, Phật giáo đã nhập thế cứu nguy ngay từ những ngày đầu Cọng sãn chiếm miền Nam. Tháng 11 năm 1975 Phật Giáo đã vùng dậy với những cuộc tự thiêu để đòi hỏi những điều căn bản trước nhất là tự do, dân chủ và rồi những điều khác như cơ sở của Phật Giáo bi chiếm đoạt và sự hoàng Pháp độ sanh. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã kiên trì tranh đấu và phải chịu nhiều sự đàn áp vô cùng dã man của nhà cầm quyền Cọng Sãn.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã tranh đấu qua nhiều hình thức qua các hoạt đông văn hoá, xã hội . Đến nay đã có 23 Ban Đại Diện của Giáo Hội, dù bị đàn áp và sách nhiểu liên tục nhưng Giáo hội cũng đã giúp các nhà tranh đấu trong nước 1 tỷ 250 ngàn đồng, 92 triệu cho dân nghè0, 150 triệu cho các bệnh viện, 114 triệu cho đồng bào Cao nguyên (tất cả đều tính theo tiền Cọng sãn Việt Nam trong nước). Số tiền trên được qui đổi ra từ đồng tiền của đồng hương Hải ngoại gỏi về cho Văn Phòng II /VHĐ trong thời gian qua, Việc hoằng pháp tu học cũng được Giáo hội duy trì phát triển, nhiều lớp tu học được tổ chức tại Chùa Từ Hiếu để đào tạo hàng ngũ tăng lữ trung thành với Đạo Pháp và Dân Tộc, nhưng rất tiếc từ năm 2005 Sư Ông Nhất Hạnh về Việt Nam đã lấy lại để tổ chức tu theo phái Làng Mai, vì vậy nhiều Tăng sinh đã phải dời đi nỏi khác tiếp tục tu tập.
Nhìn chung về mặt pháp lý thì Giáo Hội không hoạt động được nhưng trên thực tế thì nhà cầm quyền Cọng Sãn không thể tiêu diệt được Giáo Hội.
Tiếp theo Giáo Sư Võ văn Ái Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đề cập đến vai trò của người Cư sĩ trước thời đại.Theo Giáo sư thì có hai lãnh vực giáo lý và lịch sử. Về Giáo lý người Cư sĩ muốn nhập thế cứu đời phải biết Bồ Tát Đạo chấp nhận một số giới pháp. Về lịch sử thì hãy noi gương Vua Trần Nhân Tông qua những giai đoạn Cư sĩ, Tu sĩ và chủ trương phái Trúc Lâm Yên Tử để kiên quyết tranh đấu chống ngoại xâm và nội xâm nguy hại cho Đất Nước.
Và tiếp theo là Cô Ỷ Lan trong vai trò Quốc Tế Vận của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế cho biết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã và đang được sự hổ trợ mạnh mẽ của dư luận thế giới qua các tổ chức nhân quyền và các tổ chức dân chủ tự do. Những sự hổ trợ của các tổ chức Quốc Tế
là những áp lực đối với nhà cầm quyền Cong sãn. Hiện nay các Nghi sĩ Dân biểu ý và Liên Âu cũng như Hoa Kỳ đang đề nghị Giải Nobel về Nhân Quyền cho Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ.
Sau phần thuyết trình, Thượng Toạ Thích Viên Lý Tổng Thư Ký Văn Phòng II Viện Hoá Đạo mời cử tọa tham dự lên phát biểu ý kiến để cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan.
Buổi Lễ Cầu nguyện và Hội luận được chấm dứt vào cuối chiều khá lạnh, ra về trong lòng mọi người tùy vai trò của mình về mặt Tôn Giáo, Đảng Phái, Cộng Đồng,Tổ chức đấu tranh cũng như đồng hương tỵ nạn Cọng sãn, chắc đều mang nặng một niềm thao thức cho trách nhiệm cá nhân, Đoàn thể của mình trước hiện tình đt nước. Công cuộc đấu tranh cam go và lâu dài đòi hỏi chúng ta cần quyết tâm và bền bỉ, cần tôn trọng sự khác biệt về phương thức đấu tranh để cùng nhau đoàn kết xây dựng Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại vững mạnh hầu yểm trợ cho Quốc nội hướng về một mục đích chung là giải thể Chế độ Cọng sãn để mang lại Tự do no ấm, toàn dân có Dân Chủ nhân quyền và Giang Sơn Tổ quốc vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải./-

ThanhTrúc

TƯỜNG THUẬT VỀ HAI BUỔI TIỆC CHAY GÂY QUĨ ĐẶC BIỆT




Westminster: Nhằm thực hiện Quyết nghị của Đại Hội thường niên năm 2008 của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tai Hoa Kỳ, Đại Lễ Phật Đản Phật lịch 2553 sẽ được long trọng tổ chức tại Chùa Điều Ngự vào ngày Chủ Nhật 10 tháng 5 năm 2009 nhằm ngày 16 tháng 4 năm Kỷ Sửu.

Để trợ duyên cho việc tổ chức Đại Lễ, hai buổi tiệc chay tạo công đức cúng dường ngày Đản Sanh đã được tổ chức liên tục trong hai ngày thứ bảy 14 tháng 02 tại nhà hàng Sea Food KingDom và Chủ nhật 15 tháng 02 năm 2009 tại nhà Sea Food World với số người tham dự lên tới trên 1.300 người (bao gồm vé và giấy mời).

Tưởng cũng nên biết trong một thời gian ngắn kể từ buổi họp tại Chùa Điều Ngự để thành lập Ban Tổ Chức Đại lễ cho đến ngày mời tiệc chỉ trong một thời gian ngắn mà lại tổ chức hai buổi tiệc chay cận kề vào một cuối tuần trong hai nhà hàng lớn là điều hiếm thấy lâu nay. Sở dĩ như vậy là vì 550 vé và 50 giấy mời buổi tiệc vào ngày Chủ nhật 15 tháng 02 đã được đồng hương Phật Tử các giới ủng hộ lấy hết vé chỉ sau một ngày phát hành. Do đó còn rất rất nhiều tổ chức, hội đoàn và đồng hương chưa kịp biết tới, khi nghe nói đã điện thoại hoặc gặp Ban tổ chức muốn lấy vé để thỏa lòng dự phần ủng hộ Văn Phòng II-GH PGVN TN trong việc tổ chức ngày Đại Lễ Phật Đản . Do nhu cầu ủng hộ nhiệt tình của mọi giới như vậy nên Ban Tổ chức đã kịp thời phát hành thêm 600 vé và 100 giấy mời tại một nhà hàng lớn khác vào tối thứ bảy hôm trước (14 tháng 2 trước) . Thoả mãn mong cầu ủng hộ nhiệt tình của hồng hương Phật Tử các giới mà đặc biệt là các tổ chức Cộng Đồng, Đoàn thể đã sốt sắng lấy nguyên từng 5 bàn, 3 bàn , 2 bàn, 1 bàn cho tổ chức, đoàn thể mình cùng tham dự, nhờ cùng chung một tấm lòng đó mà 600 vé và 100 giấy mời đã hết sạch, không đáp ứng được rất nhiếu cú điện thoại muốn giữ vé, không có vé bán tại cửa chỉ giải quyết được một số rất ít cho bà con chưa có vé vào tham dự nhờ có ít người giờ chót gọi điện báo vì lý do riêng không đến được và dành cho Ban tổ chức xử dụng các chỗ ngồi đó.

Một điểm đặc biệt nữa cũng cần nêu ra đây để cùng suy nghĩ. Thông thường tất cả các buổi tiệc khách mời thường đến trể cả một vài tiếng theo giờ mời, vì vậy đã có câu ví von “không ăn đậu không phải là người Mễ, không đi trể không phải là người Việt Nam” quả thật câu này chỉ nói để vui cười chớ thực tế thì không đúng như vậy; bởi vì chứng minh qua hai buổi tiệc chay chúng tôi nhận thấy chẳng những đồng hương chúng ta không không đi trễ mà có rất nhiều vị đã đến sớm hơn so với giờ mời trên vé.
Nhờ vậy hai buổi tiệc đã sớm khai mạc trang trọng theo nghi thức thường lệ do Ca Nhạc Sĩ Việt Dũng (Sea food KingDom) và Nhà Báo Thái Tú Hạp (Sea food World) điều khiển :

-Chào cờ và hát quốc ca Hoa Kỳ do Cháu Đan Vi và Ca sĩ Nhã Đoàn phụ trách
-Chào cờ và hát quốc ca VNCH do toàn thể Đồng hương cùng hát
-Chào cờ và hát Phật Giáo Ca
-Một phút nhập Từ Bi quán.

Hai buổi tiệc đều được sự quang Lâm Chứng minh cuả Đức Phó Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác, Hoà Thượng Thích Chánh Lạc Phó viện Trưởng Viện Hoá Đạo cùng Chư Tôn Hoà Thượng Thượng Tọa thuộc Văn Phòng II/ Viện Hoá Đạo -Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ.

Chương trình văn nghệ đặc sắc do nhiều Nghệ sĩ đến gíúp vui và vũ khúc do các Cháu trong Gia đình Phật Tử Chùa Điều Ngự trình diễn. Ngoài Nhạc sĩ Việt Dũng và Nhà Thơ Thái Tú Hạp còn có các MC Minh Phượng, Giáng Ngọc, Ái Cầm, Phương hồng Quế ... đã điều hợp cho hai buổi tiệc rất vui nhộn và linh hoạt từ phần văn nghệ mà đặc biệt là hai buổi đấu giá và ủng hộ đi đến thành công viên mãn..

Trong dịp này ngoài các tặng phẩm cúng dường có giá trị để đấu giá là Bộ Phật Quang đại Tự Điển gồm 6 tập do Đại Lão Hòa Thượng Xử Lý Viện Tăng Thống-Viện Trưởng Viện Hoá Đạo đã vượt qua nhiều chướng ngại khó khăn của Chính quyền Cọng sãn trong 10 năm mới hoàn thành, được giới thiệu, Phật tử hiện diện đã nhiệt liệt ủng hộ với hết tấm lòng trong đó Đạo Hữu MINH TÂM đã ủng hộ lên tới $20.940,00 , tuy nhiên Đạo hữu đã lên máy vi âm biểu tỏ niềm vui mừng và phát biểu “Đây là một vật báu có giá trị chung cho tất cả Phật Tử nên Đạo hữu phát tâm cúng lại cho Văn Phòng II/VHĐ đặt tại Chùa Điều Ngự để mọi người cùng có cơ hội nghiên cứu công trình dịch thuật có giá trị này” Tiếng vỗ tán tán thán công đức vang rền và nỗi vui mừng chung vô lượng. Trước đó đồng hương Phật Tử mọi giới cũng đã vui mừng vỗ tay tán dương Đạo hữu JIMMY D TRAN đã cúng
Chùa Điều Ngự số tiền lên tới 16.500$00.

Chương trình văn nghệ tiếp diễn xen lẫn với tiếng vận động, tiếng xướng tên từng phong thư ủng hộ bên nầy, bên kia đã làm cho không khi hai buổi tiệc chay vui nhộn và đúng nghĩa với mục đích là gây quĩ cho công tác Phật Sự Đại lễ Phật Đản 2553 thành công viên mãn.

Nhân đây e cũng nên ghi ra thành quả để mọi người cùng biết và cùng vui chung với Ban Tổ Chức, với Phật Tử và với mọi Tổ Chức Đoàn thể cùng chung một tấm lòng ủng hộ Văn Phòng II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong công cuộc phục hoạt Đạo Pháp-Cứu nguy Dân tộc qua cơn Pháp nạn và Quốc nạn-Dành lại Tự do-Dân Chủ-Nhân Quyền cho toàn Dân và toàn vẹn lãnh hải lãnh thổ cho giang sơn Tổ Quốc Việt Nam thân yêu; thành quả hai buổi tiệc gây quĩ thu tại chỗ cũng như thu bổ sung trao tay sau đó. Sau khi trừ mọi chi phi còn lại là : SÁU MƯƠI HAI NGÀN MỘT TRĂM CHÍN MƯƠI CHÍN ĐỒNG ($62,199.00) do những tấm lòng và bàn tay làm ra từ mồ hôi và nước mắt, từ gian nan vất vã, trong khi mọi người đang phải suy tính về nhà cửa, về từng việc chi tiêu và cơm áo trong thời buổi kinh tế suy thoái, mua bán ế ẩm và thất nghiệp tràn lan chưa từng thấy như hiện nay .
Thật là một thành quả vui mừng mà cảm động,vượt ngoài sự mong ước. Một thành quả không chỉ nói lên con số về tiền bạc mà tự nó đã biểu tỏ tấm lòng của đồng hương Phật Tử và mọi giới luôn luôn dành niềm ưu ái hổ trợ hướng về VP II/VHĐ/GH PGVN TN.

Chắc chắn thành quả nầy sẽ tăng thêm phần nghị lực cho Chư Tôn Đức Giáo Phẩm trên bước đường dấn thân cho Đại nghĩa của Đạo Pháp và Dân Tộc. Và chắc chắn chúng ta sẽ hưởng phước báu của những lời tán thán và cầu nguyện của Quí Ngài.

Riêng người viết, chúng tôi với hiểu biết hạn chế và cảm nghĩ chân tình xin ghi lại để kịp thời tường trình tin vui cùng Quí vị. Xin hoan hỷ bỏ qua cho mọi thiếu sót ngoài ý muốn và xin đón nhận mọi sự bổ sung hoàn chỉnh để sẽ điều chỉnh vào Bản Tin AN LẠC số 3.

Thanh Trúc/Chơn Diệu
Đoàn An Lạc Phụng Sự

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Thư mời hội luận


VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ


THE VIETNAMESE AMERICAN UNIFIED BUDDHIST CONGRESS IN THE UNITED STATES OF AMERICA



CHÙA ĐIỀU NGỰ



14472 Chestnut St, Westminster, CA 92683. Tel: (714) 890-9513.
Email:chuadieungu@gmail.com


THƯ MỜI


THAM DỰ LỄ CẦU NGUYỆN QUỐC THÁI DÂN AN VÀ
HỘI LUẬN VỀ HIỆN TÌNH PHẬT GIÁO


Kính thưa Quí Vị


Thay mặt Ban Tổ Chức, chúng tôi trân trọng kính mời quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý đoàn thể, tổ chức, chính đảng, cộng đồng, quý cơ quan truyền thông và quý đồng bào, Phật tử hoan hỷ quang lâm tham dự Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, vẹn toàn lảnh thổ đồng thời siêu độ chư Chiến sỹ vị quốc vong thân và buổi Hội Luận về hiện tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Vai trò người Cư sỹ Phật giáo trước thời đại

Lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 15 tháng 02 năm 2009 tại Chùa Điều Ngự,
14472 Chestnut St., Westminster, CA. 92683
(ngay góc đường Hazard và Chestnut)


Lễ cầu nguyện và Hội luận đặt dưới sự chủ trì của đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác và chư Tôn đức lãnh đạo Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, đặc biệt có
Giáo sư Võ Văn Ái và Nữ sỹ Ỷ Lan từ Paris sang.


Mọi chi tiết, xin hoan hỷ liên lạc: Chùa Điều Ngự: (714) 890 - 9513

Trân trọng kính mời,


Thượng tọa
Thích Viên Lý




Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Ngày Xuân đọc thơ Thiền

Thư chủ bút Gió O giới thiệu :

"Những gì ngắt đi từ sự sống, sự sống sẽ mất" (TV)

gio-o chào tháng Giêng với một sáng tác đặc biệt từ nhà thơ, nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ

Thi Vũ, một tên tuổi mà khi đọc bài của ông tôi thường thích dừng lại nhẩn nha giữa những giòng chữ. Những tác phẩm của ông mang theo sự sáng láng của trí tuệ, của tư tưởng. Ông chơi chữ trí thức, sành điệu, cao đẳng văn chương.

Nhưng có lẽ điều tôi ngưỡng mộ Thi Vũ chính là sự đóng góp của ông vào công cuộc tranh đấu Nhân Quyền Cho Việt Nam trong hơn ba mươi năm qua ở hải ngoại. Không ai xứng đáng mang danh hiệu lãnh tụ tranh đấu Nhân Quyền đại diện cho người Việt Hải Ngoại hơn nhà Nhân Quyền Thi Vũ. Dù hơi bị hạn chế tôn giáo tí xíu, nhưng tư cách trí thức và uy tín quốc tế của ông có một không hai. Với sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho nhà thơ Thi Vũ, tôi đang xúc tiến để làm một cuộc phỏng vấn ông. Và tôi rất vui khi được ông nhận lời cho cuộc phỏng vấn của gio-o

Lê Thị Huệ




Thi Vũ

Ngày Xuân đọc thơ Thiền



Thực ra không có một dòng thơ riêng biệt gọi là thơ Thiền. Nhưng có thể khẳng định bài thơ nào kêu gọi tới chữ thiền, sử dụng từ thiền sư đều không phải thơ thiền, ngoài sự cố công buột kết, tấn phong.

Xưa nay người ta thường liệt các bài thơ do các vị sư trước tác là thơ thiền. Sư được hiểu như các nhà tu Phật giáo, cạo đầu, mặc áo già, xa lánh trần tục bon chen. Theo hướng đó, thơ thiền nhan nhản các hình ảnh đơn điệu của trúc, suối, bóng sáng tinh khôi, chim hạc bay tà tà nơi cõi xuất thế gian. Tạo hàm oan cho thơ thiền.

Từ 1963 lại đây, có lớp người quay sang làm thơ thiền. Họ để tóc, mặc áo veste, quần jean. Thiền không xuất thế nữa. Thiền nhập thế. Nhập vào quán rượu, la cà từ hộp đêm này tới quán cóc kia. Nhậu la de, lăn lộn trên thân thể đàn bà. Quằn quại bằng tư duy trong cuộc sống khá an nhàn, sung mãn. Nếu còn mang hình thái sư, thì sư biết đánh đàn piano, cắm hoa hồng, vung tay viết chữ thảo hay tương tư em. Từ đó họ rót xuống những bài thơ khi khinh bạc, khi cao cả, oai phong, khi lãng mạn anh em - nhưng rất thiền. Người làm thơ ốp bóng vào hình ảnh thời thượng thiền sư. Khác chi những năm 1940, người làm thơ là tráng sĩ. Những năm xã hội chủ nghĩa, người làm thơ là liệt sĩ, viên chức bộ công an, nếu không là công nhân nấu thép (Nay ở trong thơ nên có thép – “Bác”). Thêm một hàm oan khác. Cho thơ thiền.

Thực ra không có dòng thơ riêng biệt nào gọi là thơ Thiền. Chỉ có những tấm lòng thiền đọc thơ. Cho nên phải có một tấm lòng thiền, thơ thiền mới xuất hiện.

Thiền là sự phá vỡ u tâm tù ngục, chung hòa vào thực tại đời sống vốn siêu việt hết thảy ý niệm và danh từ[1]. Đặc tính của thiền là thích hợp, đặc sắc của thiền là linh hoạt. Chấm dứt thác loạn trong ý nghĩ, trong tâm tưởng và ngôn ngữ, thơ thiền tuôn như khe suối mát giữa lá rừng và chiều nắng, như lời nói ôn tồn giữa chợ búa tranh đua. Phá mở mọi xiềng xích : tự do vô hạn chính là thiền. Cái « tôi » vỡ ra, căng lên thành thế giới diệu hữu, thành khoảng không lồng lộng vũ trụ. Cái « tôi » dài thành trăm tay sờ mó những tương quan nó với cái khác, kẻ khác. Liên hệ tương duyên lập thành hợp thể vui hòa, an lạc. Ở đó, nó tự do.

Thiếu hiểu biết căn bản về lý sống đạo Phật và thiền, cái nhìn bị méo lệch, phân đôi thành xuất thế và nhập thế khi đánh giá các bài thơ tự gọi là thơ thiền. Thực tại vốn không phân hai. Bị phân hai vì ý niệm đánh giá. Nên cái-ta-nghĩ với cái-ta-được-cảm-nhận khác nhau dị kỳ, ly lìa thực tại tối hậu. Một hôm Tô Đông Pha, thi hào đời Tống, đọc hai câu thơ của Vương An Thạch :

Minh nguyệt đương không khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
nghĩa là :
Minh Nguyệt kêu giữa trời
Hoàng khuyển nằm trong hoa

Tô Đông Pha thấy hay vì hình ảnh và âm điệu, nhưng cho là chối nghĩa bèn sửa lại :

Minh Nguyệt đương không chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
nghĩa là :
Trăng sáng soi giữa trời
Chó vàng dưới bóng hoa

Thơ vẫn hay nhưng thường, không độc đáo. Vương An Thạch bực nhưng không nói. Vương phái Tô Đông Pha, là quan đại phu, đi sứ Hoàng Châu. Tới nơi, Tô mới biết ở đây có loài chim chỉ hót khi trăng lên, và một loài sâu ưa nằm giữa lòng hoa. Người địa phương gọi là chim minh nguyệt và sâu hoàng khuyển.

Sau bài học rút từ thực tại không hai ấy, Tô Đông Pha bẻ gãy sợi xích xiềng cố tín và ngu muội. Ông phơi phới sống cõi thơ tuyệt diễm. Cõi thơ ấy cũng là cuộc đời ông sống. Phơi phới và phiêu nhiên. Phải chăng cuộc sống mới đã lộ rõ vào bài thơ Lô sơn của ông ? Thơ man mác như nhiên, thâm trầm ý vị của kẻ đã chứng và đã ngộ :

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Trúc Thiên dịch :
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang

Bài thơ bốn câu, mà hai câu đã lập lại nơi câu mở đầu và câu kết : Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều. Tuy lập ngữ nhưng không lập ý. Bởi chưng con người ở câu một khác với con người ở câu bốn qua quá trình thực chứng. Con người hạ sinh nơi câu một hóa sinh sang câu bốn thành niềm thong dong, phiếu diễu, chủ ngự cõi phù sinh. Núi không còn danh thốt lên khi mắt va chạm tảng đất sững dựng che trời. Núi lột kéo tấm màn che mắt. Mắt thấy điều trước kia mình chỉ biết nhìn. Hơn thế, núi cũng biết nhìn bằng hiện hữu mình trên bình nguyên trải hút cõi nhân sinh ra tới những tinh hà.

Giảng bài thơ Tô Đông Pha tưởng không gì bằng lời tự thuật của sư Thanh Nguyên Duy Tín viết trong Truyền đăng lục, quyển 22 : “Sãi tôi ba mươi năm trước khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo học bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, nên thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”. Cùng một sự vật, nhưng qua ba tâm cảnh đi từ mê muội, giác hóa đến giác ngộ nên cái bóng của sự vật được hiển lộ thành hình sự vật.

Tưởng như lẩm cẩm, nhưng là diễn trình chặng đường tri thức hay đạo tâm phải trải qua hầu gạt bỏ cuộc đời người ngợm. Mọi vĩ nhân trên mặt đất đều tôi luyện, thăng hoa cuộc đời như thế. Khổng Tử từng tâm sự : “Ta mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ vững, bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời, sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc”.

Quá trình chứng ngộ cần 70 năm để đạt cái tâm thiền. Nhưng 70 là con số. Không phải khuôn phép cố định. Có người sống trăm năm vẫn như con đỉa trong dĩa máu. Có người vài mươi tuổi đã có thể “tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc” vũ trụ. Bay như diều trên gió. Lội như hạt nước giữa lòng sông.

Đời làm chi có hai chuyện xuất thế, nhập thế ? Xuất về đâu ? Nhập vào đâu ? Sự sống âm ỉ, cường tráng, dữ dội, cuốn chìm hay nâng đỡ những tế bào nhân sinh. Cuốn chìm những tuổi mười lăm (dù đã bảy mươi) kênh kiệu, thác loạn, mê muội. Hoặc nâng đỡ những tuổi bảy-mươi-phi-thời an nhiên trên chốn gập ghềnh.

Xuất thế có chăng chỉ là thoát ly khỏi thế giới thác loạn, tranh chấp, vị kỷ, mê muội, vong thân. Xuất như thế là đã hào hùng, trang nghiêm nhập thế. Nên kẻ mang tâm thiền không xuất, không nhập, chẳng bận tâm sinh tử. Nhà sư tráng sĩ có tâm thiền đời Trần là Tuệ Trung Thượng sĩ trả lời bằng thơ khi có người hỏi lẽ sống chết :

Trường không túng sử song phi cố
Cự hải hà phong nhứt điểm âu
Thích Mật Thể dịch :
Ngại gì bọt nước sôi ngoài bể
Phỏng có vành xe liệng giữa trời

Hình ảnh, tứ thơ bạo và mới, vừa siêu thực vừa hiện thực. Vừa tỉ giảo, vừa nhận thức bằng thi tính. Sống chết không quan ngại, thì thịnh suy trong đời tỉ như kẻ làm vườn hái trái chín, trái ung. Chẳng áy náy nên thảnh thơi giữa chốn ba đào :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Vạn Hạnh (thời Lý)
nghĩa là :
Thân như bóng chớp, có rồi không
Tới xuân cây trổ, sang thu rụng hồng
Nhác trông suy thịnh, lòng không sợ
Đầu cành, suy thịnh giọt như sương

Nhìn và đã thấy. Chất thơ ngào trộn tư duy. Cảnh thơ thành lý sống. Bài thơ thành món quà truyền tâm. Miêu tả thân xác như ánh, như chớp, mong manh thoáng hiện nhưng mãnh liệt trường tồn. Giữ lại gì nơi đôi mắt ngó vào không gian thăm thẳm mịt mù ? Nếu không là nét sấm chớp rạng ngời nơi nhúm nhíu khắc giây khiến thẫn thờ trời đất ? Mong manh mà trường cửu. Có đó rồi không đó. Không chẳng mang nghĩa hết, dứt. Không cái vừa có cho cái có được trọn vẹn trong cái không-tiêu-tán. Như cỏ cây mướt lục vào xuân, dù đã, hay sẽ, héo khô nơi chặng đường thu chớm. Những cái có, không, thịnh, suy, khác chi ngọn cỏ chòm cây nơi trò trốn bắt giữa hai mốc thu xuân ? Lòng không sợ hãi trước mọi bạo tàn, phụ bạc. Khi biết vòng tròn hương rực lửa quay trong đêm chỉ từ một đóm hương lúc tay quay ngừng lại. Sương cứ rơi đều đầu ngọn cỏ mỗi sáng, dù thất tình ta buồn hay vui. Ngở sương mất đi trong lòng đất, ai ngờ đã cất tự trời cao chờ rơi khi đêm tới.

Thơ dùng nhạc để chuyển lời. Dùng vần làm dây xuyên. Dùng hình ảnh bắt mắt. Dùng tình cảm níu tình. Thơ vẽ hình bắt bóng. Tác dựng suy tư làm xương sống cho hình hài. Thơ vạch đường chỉ nẻo. Thơ nắn nụ cười phơi phới trên môi ngôn ngữ.

Người có tâm thiền làm thơ là sống cái tự do trước những điều bức tử. Không rúng động trước thịnh suy, sinh tử. Bởi vậy bệnh hoạn khuấy phiền thân xác kia chẳng khiến lòng trăn trở, âu lo. Nhà thơ thiền Mãn Giác đời Lý có bài thơ nhắn gửi mọi người nhân lâm bệnh - Cáo tật thị chúng. Bài này nhiều người thuộc và thường được nhắc nhở, duy ít người chú ý mối vận hành ý tứ :

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Ngô Tất Tố dịch :
Xuân trỗi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

Người đọc thường khen tính tích cực và lạc quan bài thơ của người nhuốm bệnh. Thế nhưng thơ đâu là bản báo cáo, trình bày quan điểm, lập trường ? Thơ không là sự nói lại. Thơ là sức sống bung từ người. Nhân việc mình đau mà báo với mọi người - Cáo tật thị chứng - nhưng thơ không rơi vào thể thuật hoài biểu diễn cái ta rất chi trọng thể. Tuy vẫn là cái ta khi ý thức còn trong trạng thái vong thức. Tả xuân và hoa, nhưng không là thơ sơn thủy nhắm riêng việc tả cảnh. Xuân và hoa ở đây là bước đi của thời gian trong không gian. Việc đời và người tả ở đây là xê dịch viễn hành của vô thường - cái không cố định. Bài thơ chấm dứt bằng nhận định làm con người thảng thốt trước mỗi đoạn trường : cái mình nhìn không là cái thấy. Dù cái thấy vẫn ở đó, như đóa mai kia nở sớm hay nở muộn nơi chốn chẳng hề chờ.

Suốt bài thơ sáu câu, nhịp hóa thân tăng trưởng vốn trí tuệ, từ thung lũng thường tục lên ngọn đỉnh rạng ngời. Thơ đưa nhạc và tình về với trí tuệ. Thơ thoát ly cảnh sống dung tục, hiển mình vào thực tại tối hậu, ở đó người bật mình sống dậy. Hết thụy miên. Hết mớ gọi. Thôi biệt ly.

Xuân khứ bách hoa lạc là nếp đi của một thực tại thấy mò qua bóng ảnh dung tục. Lòng ta có buồn thương chăng ? Xuân đáo bách hoa khai là cái đến của mùa màng nơi thực tại trầm luân. Lòng ta có vui rộn lên chăng ? Buồn hay vui chúng ta đều bị giới hạn trong không gian như một thực tại vô thường. Ý nghĩa của Sự trục nhãn tiền quá. Việc đời thoáng qua với bao điều bất như ý, ở đó thời gian chẳng để ta yên. Thời gian liên lỉ chất vấn như vị giám khảo, rồi đánh lên trán ta từng luống nhăn, bôi vào tóc từng nét phấn. Già, chết chợt hiện ra : Lão tòng đầu thượng lai.
Ta bi quan, hốt hoảng, ta cay đắng ngậm ngùi ? Bao là dấu hỏi đẩy ta vào đời như tống xuống địa ngục, xui ta hạ thủ theo cách thế giận đời. Nhưng người thơ có tâm thiền, như Mãn Giác, thì không. Ông đã có lời đáp tựa khúc hoan ca :
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai !

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận là nếp đi của một thực tại. Thực tại ở đây là thực tại tối hậu. Và Đình tiền tạc dạ nhất chi mai là cái đến thực tại, thực tại ở vị trí uyên nguyên. Hết là thực tại phiến diện nơi cõi trầm luân.

Đến hay đi đều là động tác. Khác ở hành trình. Đến hay đi trên hành trình vô minh, mê muội. Hay đến, đi trên quá trình an nhiên, giải thoát ? Nô lệ, tự do từ đó hiển ra. Kẻ tự do sống không mô típ. Mọi mô típ đều ràng buộc. Kẻ tự do sống bằng sáng tạo. Người nô lệ sống mòn theo khuôn. Hai câu thơ của nhà thơ có tâm thiền Quảng Nghiêm ở thế kỷ XII đời Lý gợi lên ý đó :

Nam nhi tự hữu xung thiên khí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành Ngô Tất Tố dịch :
Tài trai có chí xông trời thẳm
Dẫm vết Như Lai uổng nhọc mình

Không nên hiểu theo nghĩa đen thường tục để gán cho nhà thơ mang tư tưởng hoài nghi hay phủ nhận đạo Phật hoặc chống báng đức Phật - Như Lai. Hào khí dũng mãnh kẻ trượng phu kiệt hiệt, người phá chấp siêu quần mới hiểu ý thơ Quảng Nghiêm. Còn yêu đương thần tượng, khuôn phò đảng kỷ, lý luận theo chỉ thị… khó nắm bắt sức sống vỡ bờ nơi dòng thiền vô biên phật giáo : khai phóng, sáng tạo và như thật.

Bao lâu còn cột dính, bấy lâu còn nô lệ. Chân sau theo vết trước dành cho việc đi săn hay loài cừu. Con đường đâu phải dấu mòn ? Con đường là chân bước và đích đến. Mỗi người làm chuyện mình theo cách mình để giải thoát mình. Chính là giải thoát, chứ không là cách thế. Bởi vậy đâu cần theo vết Như Lai như trong thơ Quảng Nghiêm. Ý thơ này chống cố tín, cuồng tín, giáo điều, chống tinh thần nô lệ. Vũ khí phá chấp của nguyên lý sống Phật giáo.

Thiền vượt mọi giả danh để sống thực. Mắt quay vào đâu sự vật được soi sáng, tình cảm được trân ái. Thơ thiền không chỉ là kệ truyền pháp hay dòng thơ đạo lý. Thơ thiền bát ngát lung linh qua mọi sinh hoạt theo tấm lòng thiền rung cảm.

Lê Qúy Đôn đọc thơ Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc lâm Yên tử, phái thiền thứ ba của Việt Nam , chê rằng “hình như không phải khẩu khí của thiền sư” (Thiền dật, Kiến văn tiểu lục). Nhà phê bình Lý Tử Tấn, đời Lê, đọc các bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang, Tảo mai, Xuân cảnh, Nhị nguyệt thập nhất dạ của vua Trần Nhân Tông, vị tổ khai sáng dòng thiền Việt Nam, Trúc Lâm Yên tử, cũng phê bình tương tự : Thi tuy giai phi tăng gia ngữ (thơ tuy hay nhưng không còn khẩu khí nhà sư).

Sao vậy ? Có lẽ người chưa sống thiền thích phân biệt. Đọc thơ, hay làm thơ, họ nhắm vào đích, vào lý tưởng, đạo đức, luân lý cố hữu làm chuẩn. Họ không nhìn sự vật như sự vật trong hiện tiền trước mắt. Đôi mắt và tâm tư họ bị nghĩa lý cố định thui chột sức sáng tạo. Cái thấy bị mù lúc trông nhìn. Không thấy, họ đem tâm so sánh nên phân hai thực tại, xa rời và cách ly khỏi thực tại. Ai có thể chỉ bộ phận nào đẹp trên một Người Đẹp ? Cắt bộ phận ấy ra còn chăng cái đẹp ? Hóa ra đẹp là cái toàn thể tương liên. Người làm thơ thiền diễn thơ cái hiện tại, cái cảm nhận, cái thấy. Họ không dại đem sự kiện nhất thời đang chuyển biến ấy đánh giá hay so sánh với giáo lý hầu đưa tới kết luận mô phạm. Đây là chỗ khác giữa thơ của người có tâm thiền với thơ một ông giáo học. Cái thoáng chớp, cái đang đi, cái tại thế ấy đã là cái vĩnh hằng trong thơ, không bắt gặp lại lần hai. Đòi hỏi hay ước mơ cố tín chỉ là ảo giác. Đa số các nhà Nho xưa và nhà Mác-xít nay đều bị tha hóa khi làm thơ.

Ta thử đọc bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang mà hai nhà phê bình Lê Quý Đôn và Lý Tử Tấn phê phán trên kia :

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả lân vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì
nghĩa là :
Giai nhân mười sáu ngồi thêu gấm
Hoa tử kinh bừng rộn tiếng oanh
Đáng yêu vô hạn thương xuân ý
Khi lặng thinh ngừng đưa mũi kim

Hai nhà phê bình chê thiếu “khẩu khí thiền sư” vì tả chuyện giai nhân ? Tả hoa, tả bướm, núi, suối, mùa màng, tiên, bụt… thì được. Động tới đàn bà là… Là gì ? Sao đàn ông hồ thỉ, phóng khoáng, bay bướm, trượng phu, anh hùng, liệt sĩ… bao nhiêu, lại khe khắt bấy nhiêu khi nói chuyện đàn bà ? Một hành xử lạ lùng đối với phụ nữ - mẹ của thế gian. Khổng giáo chăng ? Mặc cảm tội lỗi nơi vườn địa đàng chăng ? Dù gì thì gì, tính bình đẳng đã mất khi nhìn sự vật. Huống chi giai nhân trong bài thơ chỉ là hình ảnh mà thất tình chưa va chạm !

Đâu là chỗ “khẩu khí thiền sư” mất đi ở bài thơ trên ? Chiếc máy ảnh có khẩu khí chăng ? Máy rà quay và thu ghi. Người thi sĩ, ngoài cái nhìn và sự thu ghi còn thở phà chất sống vào sự vật khiến lung linh hơn cảnh thật. Điểm quan yếu của bài thơ không chỉ là giai nhân, mà cái người thơ thấy được nụ cười giữa sấm chớp, sự lặng thinh giữa trống chiêng. Hoa tử kinh rộ nở, hương sắc bồn chồn khiến hoàng oanh rộn rã líu lo. Lúc đó xuân đến. Người đẹp dừng kim, tác động trọng đại giữa hai thời biến dịch, lúc giao mùa, khi mê chuyển sang ngộ. Đón xuân ý bao la, vô hạn trên bến không-thời. Một bong bóng nước vừa nổ, òa vào hư không xanh. Tan biến nhưng cũng là giải thoát. Lột tả cảnh ngộ này chỉ biết cậy nhờ vô ngôn. Dù vô ngôn tập đại thành muôn nghìn xướng ngôn trước đó - trái chín sau những mùa hoa kết tụ.

Ý móng dậy từ cảnh xuân. Ý đem người về đâu ? Về mộng tưởng, vọng tưởng, ảo tưởng hay biến hóa vào chốn không lời : Vô ngôn, để sự vật tự nhiên biểu hiện ? Giai nhân, hoa tử kinh, tiếng oanh hót là những bóng hình xuân, tức ý xuân dậy ở câu ba. Nhưng rồi mọi khái niệm xả bỏ nơi vô ngôn ở câu bốn. Vô ngôn là tiếng nói của tư tưởng, thể hiện trong thơ bằng mũi kim ngừng, bằng làn môi không nói. Cùng một sự xuân, mà hoa khoe sắc, chim líu lo, nhưng giai nhân lại im môi. Đây là chỗ diệu kỳ của thơ.

Tuy nhiên điều cần đính chính là bài thơ trên không phải của sư Huyền Quang, đệ tam tổ dòng thiền Trúc Lâm của Việt Nam . Dù được nhà bác học Lê Quý Đôn và nhà phê bình Lý Tử Tấn đời Lê, hay bộ Việt Âm thi tập của Phan Phu Tiên nhắc tới như thơ của sư Huyền Quang. Thực tế bài trên là của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân trước tác, người Trung quốc ở đời Tống. Bài thơ này được học trò của thiền sư là thiền sư Lôi Am Chính Thọ ghi lại trong bộ Gia Thái Phổ Đăng lục. Nhân một hôm thượng đường nói về con chó có Phật tính hay không mà Ảo Đường Trung Nhân phát ra bài thơ ghi dưới tên “Vô Đề”, chứ không phải là “Xuân Nhật tức sự”.

Phải chăng sư Huyền Quang nhắc tới bài thơ Vô Đề, trước tác bên Tàu một trăm năm trước, qua những lần thuyết pháp, giảng thiền, nên sau này đệ tử sao chép tưởng là thơ của thầy mình. Rồi văn học sử Việt Nam cứ lầm lẫn chép theo.

Nhưng đây chỉ là vấn đề xuất xứ văn bản. Chứ đi vào ý thơ, thì Huyền Quang hay Ảo Đường Trung Nhân, thơ vẫn là thơ của người có tâm thiền.

Nhờ có tâm thiền nên không phân biệt, trân trọng và bình đẳng với mọi sự mọi vật. Đa số thơ Việt Nam thời trung đại thường vắng bóng người phụ nữ. Bài trên đã tưởng là của sư Huyền Quang để khẳng định sự bình đẳng giới tính. Song không vì vậy mà thơ Lý Trần thiếu đi. Người thơ có tâm thiền như vua Trần Nhân Tông, cũng là nhà sư và Tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm, không quên thân phận người phụ nữ trong bài “Khuê oán” :

Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng
Hoàng ly bất ngữ oán đông phong
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại
Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông
nghĩa là :
Thức mình cuốn cửa ngắm cành hồng
Biếng hót oanh buồn oán gió đông
Lầu tây chiều xuống buông hờ hững
Bóng hoa cành ngọn lả phương hồng

Nỗi oán hận buồn thương của người ở phòng khuê thật man mác. Những phi tần không được vua sủng ái. Họ sống bằng nỗi trông chờ như bóng hoa đầu cành hướng phía mặt trời. Thơ bật lên nỗi oán, mà cũng là mối bi thương liên đới của người làm thơ. Nếu chưa tri kỷ, cũng đã tương liên với nỗi khổ con người và là người phụ nữ.

Bao lâu còn những tấm lòng thiền, thơ thiền còn chan chứa. Thơ thiền không giới hạn, trùng trùng như hoa xuân, như rừng lá, như sóng dội. Ta hãy đọc thơ trong cái toàn thể, qua niềm gợi hứng, giữa các mối tương liên. Đừng lo lý giải, tách bạch nghĩa ý. Ta hiểu gì cái đẹp một màu lá, đóa hoa. Ta hiểu gì nét mặt một con người.

Đọc thơ thiền như kẻ vào rừng phong lan. Lúc về quần áo đẫm hương, người lâng lâng, lòng thênh thái. Cần chi tách bạch một làn hương, hái hoa thành bó. Khiến người có tâm thiền như sư Huyền Quang cười ta từ bảy thế kỷ trước :

Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp qui lai
nghĩa là :
Cười ai không rõ hoa mầu nhiệm
Hái giắt đầy đầu trở lại nhà.

Những gì ngắt đi từ sự sống, sự sống sẽ mất.

Thi Vũ
Paris, 1.1.1988,
bổ chính Mồng Một Tết Kỷ Sửu 2009

[1] Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt.

Thi Vũ là bút hiệu của nhà tranh đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái. Ông chủ trương tạp chí Quê Mẹ ở Paris từ năm 1977 đến nay

http://www.gio-o.com/ThiVu.html

© gio-o.com 2009

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Thư Mời dự Hội thảo Hiện Tình GHPGVNTN

Xin click vào thư mời để làm thư lớn cho dể đọc

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

ĐẦU XUÂN, ĐƯỢC QUÀ LÌ XÌ CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ

ĐẦU XUÂN, ĐƯỢC QUÀ LÌ XÌ CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ
Nhà văn Hoàng Tiến
Năm nay các cụ viết đại tự chữ Hán (thường gọi viết thư pháp) cho bà con chơi Tết được quy tụ tại Văn Miếu. Nhóm Cảo thơm thư hiên của chúng tôi cũng được mời tới đó, chiếm một gian có mái lợp vải nilon, khung bằng ống nước kẽm, dựa lưng vào bức tường gạch cổ Quốc Tử Giám, nhìn ra đường phố đông đúc người qua lại.
Đang trao đổi với các cụ thì nhận được điện thoại của cháu Hà con gái trưởng cụ Hoàng Minh Chính nhắn đến nhà bà Hoàng Minh Chính ngay có việc gấp. Tôi xin phép các cụ, hòa vào dòng người nườm nượp trên đường phố đi sắm Tết.
Thật bất ngờ! Tôi được gặp vị sứ giả của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Hòa thượng Thích Không Tánh từ Sài Gòn ra, sáng nay cùng gia đình tới nghĩa trang Thanh Tước bên kia sông Hồng, làm lễ đón cụ Hoàng Minh Chính về nhà ăn Tết, và chiều nay trước khi vào Sài Gòn muốn gặp gỡ một số anh chị em dân chủ và dân oan, gửi lời chúc Tết cùng biếu quà lì xì đầu xuân của Đại lão Hòa thượng.
Tíu tít hỏi thăm sức khỏe của Đại lão Hòa thượng, được biết ngài vẫn khỏe, lòng tôi rất mừng và cảm thấy một niềm an lạc tràn ngập khắp người.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, tấm gương vô úy của vị cao tăng trước sự đàn áp khốc liệt của công an theo lệnh Đảng và Nhà nước, đã cổ vũ nâng đỡ chúng tôi rất nhiều trong công việc đấu tranh dân chủ gian khổ ở nước nhà. Ngài là biểu tượng hiện hữu của đại lực, đại hùng, đại trí theo kinh Phật dạy.
Tôi vẫn còn nhớ như in những lời ngài viết trong "Thư Chúc Xuân 2005": "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi ách nạn, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ." (Thư chúc xuân, trang 2)Đại lão Hòa thượng nhận định:
"70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới." (Thư chúc xuân, trang 1)
Về con đường thoát khỏi khó khăn chồng chất của Việt Nam, ngài viết:
"Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đầy, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước."
(Thư chúc xuân, trang 2)
Những lời nói phải như vậy, tiếc rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chịu nghe. Dân gian có câu thành ngữ: "Nói phải củ cải cũng nghe". Thật là đáng tiếc!Tình hình đất nước năm vừa rồi gặp nhiều khó khăn. Hết hạn hán lại lụt ngập. Tiền tệ lạm phát tới hai con số. Chống tham nhũng thất bại với sự kết thúc vụ án PMU 18, miễn tố thứ trưởng Giao thông Vận tải, khởi tố ngược lại một tướng một tá công an cùng hai nhà báo. Vụ Lê Đức Anh ầm ĩ trước Đại hội Đảng 10 là thế, nay cũng bị cho chìm xuồng, kết thúc ở việc chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho ông ta. Vụ Thái Hà và tòa Khâm sứ giải quyết cách cửa quyền một phía, không thấu tình đạt lý. Giáo dân Thái Hà chưa tâm phục khẩu phục, vẫn chống án. Những vụ án mở ra thật to lớn như đầu con voi châu Phi, mà kết thúc thì teo lại, bé tý như đuôi con chuột nhắt xó bếp. Dư luận chịu một quả lừa to lớn không thể nào ngờ, giống như một cuộc đá banh, quả bóng bất ngờ từ gôn bên này bay thẳng vào gôn bên kia.Nhưng cái nguy hiểm nhất lại là sức ép từ phương Bắc. Trung Quốc bành trướng lấn chiếm đất đai, biển cả, hải đảo của Việt Nam. Phía ta cứ nhân nhượng chịu lùi, hết ký Hiệp định biên giới 1999, đến ký Hiệp định lãnh hải 2000, rồi Trung Quốc xây dựng và khai thác dầu mỏ ở Hoàng Sa, rồi Trung quốc lấn chiếm Trường Sa và cuối năm vừa rồi tuyên bố hai quần đảo này thuộc huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Tàu chiến Trung Quốc tuần tiễu trên biển Đông mang theo tên lửa. Trung Quốc bỏ ra 29 tỷ USD thăm dò khai thác biển Đông. Ngang nhiên như vậy, mà bên ta chỉ dám phản đối yếu ớt ở cấp độ người phát ngôn Bộ Ngoại giao thôi.Nhưng cái đau lòng nhất lại là chuyện thanh niên sinh viên muốn bộc lộ lòng yêu nước bằng cách tụ tập phản đối trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà nội, lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, đều bị công an Việt Nam giải tán, ngăn cản, đe dọa.Thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong toàn dân là một việc cực kỳ cần thiết triều đại nào cũng phải làm. Đất nước chúng ta tồn tại được 4.000 năm cũng chỉ nhờ lòng yêu nước mà thôi. Hãy thử tưởng tượng, nếu mọi người Việt Nam bây giờ đều lãnh đạm, thờ ơ với chuyện đất đai, sông ngòi, biển cả, ai muốn lấn chiếm cũng được, ma-kê-nô, thì chẳng khác gì cảnh nhà cháy mà con cháu cứ ngồi nhâm nhi cà phê, hát karaokê, ngắm các cuộc thi hoa hậu và nhảy múa sập sình.Năm mới, tôi buộc lòng phải nói với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đang nắm quyền lực trong tay, các vị không sợ ai, ai nói gì trái ý, các vị có thể bắt bớ bỏ tù, để tỏ cái uy quyền của mình. Nhưng các vị cũng nên biết sợ lịch sử, biết sợ hậu thế. Lịch sử và hậu thế sẽ rất nghiêm khắc và công bằng.Sử sách có ghi chuyện vua Lê Thánh tông được tin người nhà Minh (Trung Quốc) đem quân đi khảo sát địa giới, Thánh tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bàn với triều thần rằng: "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông, là có tội với tổ tiên, có tội với vua Thái tổ." Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm ngó, cũng không dám làm gì. (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 250)Lòng yêu nước được nhen nhúm từ lịch sử. Ai là người Việt Nam hẳn đều biết chuyện Hai Bà Trưng. Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát ghi:Bà Trưng quê ở Châu Phong Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quênChị em nặng một lời nguyềnPhất cờ nương tử thay quyền tướng quânHồ Tây nổi áng phong trần Ầm ầm binh mã tới gần Long BiênHồng quần nhẹ bước chinh yênĐuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thànhĐô kỳ đóng cõi Mê LinhNước Nam riêng một triều đình nước ta…Cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành độc lập tự do cho đất nước chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (từ năm 111 trước CN đến năm 39 sau CN) lại rơi vào tay hai người đàn bà. Chuyện thật thần kỳ, xảy ra vào thế kỷ thứ nhất những năm 40 – 43 sau Thiên Chúa giáng sinh.Anh hùng giải phóng nước Pháp là Jeanne d' Arc hiện hữu sau Hai Bà Trưng ta 15 thế kỷ (1429 – 1431), cũng là một người đàn bà, đúng ra là một cô gái 19 tuổi. Được nhân dân Pháp và thế giới ca ngợi là thần kỳ. Rồi được phong thánh năm 1920.Ngọn lửa yêu nước của Hai Bà Trưng truyền mãi cho đến ngày nay. Qua mỗi thời kỳ nó mang thêm dấu ấn của các thời đại, nhưng chất men yêu nước vẫn y nguyên, vẫn bốc cháy rừng rực không thuyên giảm. Thế hệ chút chít ở thế kỷ 20, vẫn say đắm hình tượng Hai Bà Trưng, để trào ra ngọn bút những vần thơ hào sảng:Ải Bắc quân thù kinh vó ngựaGiáp vàng khăn trở lạnh đầu voiChàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quáTrăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.Ngân Giang nữ sĩCuộc khởi nghĩa trúc chẻ ngói tan của Hai Bà đoạt liền một mạch 65 thành trì, khiến quân Tàu chạy về Ải Bắc rồi mà đôi chân vẫn còn run rẩy, nghe tiếng vó ngựa lại bạt vía kinh hồn. Chiến thắng oai hùng làm sao! Ba câu dưới mang đậm dấu ấn của nữ giới thời tự lực văn đoàn thế kỷ 20, và Ngân Giang nữ sĩ là người có công đầu tiên phát hiện ra nỗi đau mất mát của các bậc anh hùng. Vĩ nhân không phải chỉ được hoan hô rầm trời, đứng hiên ngang vẫy tay trước công chúng, mà họ có những nỗi đau tâm khảm ít ai nhìn thấy.Nghe nói, giảng đoạn thơ này của Ngân Giang nữ sĩ cho sinh viên văn khoa Sài Gòn, thầy giáo Đông Hồ rất xúc động. Sinh viên đề nghị thầy ngâm. Thầy ngâm to, rất truyền cảm, rồi ngất luôn. Đưa được vào bệnh viện thì thầy mất. Để lại một tình cảm xót thương trong sinh viên, và trở thành một giai thoại đẹp trong công việc giảng dạy truyền tiếp ngọn lửa yêu nước cho giới trẻ.Nuôi lòng yêu nước cho mọi người là công việc rất hệ trọng của mọi thời đại. Bây giờ, có thể nói, ai làm nhụt nhuệ khí yêu nước của người Việt Nam, là có tội với dân tộc Việt Nam.Mùa xuân năm con trâu Kỷ Sửu đã đến dự báo nỗi vất vả cực nhọc của thân phận trâu cầy. Kinh tế thế giới khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Chiến tranh cục bộ đã xảy ra và có thể còn xảy ra. Trái đất nóng dần lên. Hiện tượng băng tan ở hai cực. Những nước giáp biển như nước ta, giả dụ nước biển dâng lên hai mét thì bao nhiêu đồng ruộng nhà cửa chìm trong nước? Rồi nạn khủng bố quốc tế. Rồi nạn tham nhũng Việt Nam. Lạm phát đe dọa. Dân oan khiếu kiện. Báo chí bịt miệng. Bất đồng chính kiến bị đàn áp. Tự do tôn giáo bị vi phạm. Nhất là sức ép của Trung Quốc. Sự bành trướng của họ về biên giới, về lãnh hải và các hải đảo của ta.Thấy tình hình như vậy mà lo nhiều hơn vui.Theo Kinh Dịch thì cùng tắc biến, biến tắc thông. Sự việc bế tắc đến đâu, rồi cũng có cách giải quyết. Các bậc minh quân sẽ nảy sinh trong đám rối rắm bế tắc này. Tôi hy vọng như thế.Quà lộc tài (tiếng Quảng Đông lì xì) đầu xuân của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ màu giấy đỏ, nhưng lại làm tôi liên tưởng đến nhành mai trắng trong thơ của Mãn Giác thiền sư đời Lý. Xin chép cả bài quý vị đọc Tết cho vui:Xuân khứ bách hoa lạcXuân đáo bách hoa khaiSự trục nhãn tiền quáLão tòng đầu thượng laiMạc vị xuân tàn hoa lạc tậnĐình tiền tạc dạ nhất chi mai.Chuyển dịch:Xuân đi trăm hoa rụngXuân đến trăm hoa cườiViệc đời qua trước mắtCái già trên đầu rồi!Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hếtĐêm qua, sân trước, một nhành mai.Tôi ôm nhành mai đó vào trong giấc ngủ.
Đất thiêng Thăng Long
Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu – 2009
Nhà văn Hoàng Tiến
Địa chỉ : Nhà A11 Phòng 420Thanh Xuân Bắc – Hà Nội
THƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Đồng bào trong và ngoài nước của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
Dịp Tết Ất Dậu, 2005, Đại lão Hòa thượng viết Thư Chúc Xuân gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Đồng bào trong và ngoài nước gọi kêu sự kết liên cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Bức thư gây chấn động lòng người Nam Bắc, trong và ngoài nước thời gian ấy. Có thể nói Thư Chúc Xuân của Hòa thượng khai mở lần đầu sự thống hợp tình cảm dân tộc giữa hai miền Nam Bắc, mà chiến tranh, Hiệp định Genève, rồi chế độ Công sản phi nhân đào sâu hố chia rẽ tưởng không bao giờ hàn gắn.Thư Chúc Xuân đạo đạt mối ưu tư thâm thiết đến cộng đồng Sĩ phu đất Việt, mà hai lý do được Hòa thượng nêu rõ : “Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Đồng bào trong và ngoài nước” (...)“Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc”.Thư Chúc Xuân là lời tha thiết mời gọi cộng đồng Sĩ phu dân tộc hãy ngồi lại quanh một ý chí, quanh một giải pháp thay thế để “chặn ngăn các nẻo dữ, mở ra Đường lành trong năm Ất Dậu 2005”. Đường lành ấy là thế hiện nền dân chủ đa nguyên theo công sức của mỗi người. Ngồi lại quanh nhau, đoàn kết, liên minh không là điều mới mẻ. Bởi tiếng gào kêu “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” đã cất lên sáu mươi năm trước từ Xuân Ất Dậu 1945. Nhưng đoàn kết càng kêu gào, phân hóa càng cao, phân rẽ càng lắm, tranh chấp càng nhiều. Ấy chỉ vì, cho đến nay, các lời kêu gọi đoàn kết và liên minh thể hiện theo chiều dọc. Nghĩa là đoàn kết, liên minh sau lưng một cá nhân, một đoàn thể, một đảng phái. Chưa là đoàn kết, liên minh chung quanh một giải pháp thay thế, một kế sách thù ứng, một thần dược tối ưu giữa hàng chục, hàng trăm thần dược chưa thích nghi với tạng phủ Việt Nam. Nghĩa là đoàn kết, liên minh dân tộc trên chiến tuyến hàng ngang, chứ không là hàng dọc. Hàng ngang mới đồng đẳng và bình đẳng để cùng nhau bước vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, như tổ tiên đất Việt sử dụng trong công trình hai nghìn năm dựng nước và giữ nước.Kế sách của Hòa thượng Thích Quảng Độ nằm trong tiêu ngữ Dân chủ đa nguyên : “Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ. Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi”. Hòa thượng giải thích : “Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý”. Biết Nhà cầm quyền cộng sản rất húy kị ý niệm dân chủ đa nguyên, nên Hòa thượng ngỏ lời đề xuất : “Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Đừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người”.Với lời đề nghị thực tiễn qua Thư Chúc Xuân như thế, phải chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mở đầu cuộc tham gia chính trị ? Câu đáp đã được Hòa thượng minh định : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không”. Hòa thượng nhấn mạnh thêm : “Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982”. Trái lại, giới “nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v... với tinh thần lợi tha bình đẳng”.Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng lại nguyên văn Thư Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Quảng Độ sau đây :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤTVIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P.
Saigon
Phật lịch 2551 Số 02/VHÐ/VTTHƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Đồng bào trong và ngoài nước Thưa quí Liệt vị,
Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vừa gửi Thông điệp Xuân Ất Dậu, dương lịch 2005, chúc mừng Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni, và toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước.Phần tôi nhân dịp Xuân về, thay mặt Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin kính lời Chúc Xuân và Mừng Tuổi quí Liệt vị. Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Đồng bào trong và ngoài nước.Cầu chúc quí Liệt vị cùng bảo quyến một năm mới an lành, thành công như ý nguyện. Kèm theo lời Chúc Xuân, chúng tôi mong được nói lên đôi lời ưu tư tâm huyết về tiền đồ quê hương Việt. Người ta thường nói : đất có tuần, dân có vận. Vận nước tuần hoàn đi rồi lại lại. Sự tuần hoàn như thế xác định mọi sự trên thế giới đều chuyển biến, thay đổi không ngừng, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn. Đạo Phật chúng tôi gọi lẽ ấy là vô thường. Nhờ vô thường, mà con người có thể tham dự, như tác nhân, để chuyển hóa nghịch cảnh : hạnh phúc có thể tái tạo, tự do có thể thiết lập, nô lệ có thể chấm dứt. Cho nên kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc.Sau cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, các thế quyền đã thử nghiệm những phương thức xã hội khác nhau. Nhưng quảng đại nhân dân chưa no ấm, hạnh phúc. So với các nước láng giềng trong khu vực, thì nước Việt ngày càng tụt hậu. Làm sao đây ? Chúng tôi nghĩ rằng, xưa cũng như nay, đất nước phải cậy nhờ giới sĩ phu đảm đương trách nhiệm. Bảy mươi năm thử nghiệm ý thức hệ Mác-Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm. Nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới.Nay ta nên làm gì ?Xu thế địa cầu ngày nay, khắp năm châu nổi lên ý lực hợp tác, chia sẻ, đối thoại, qua phong trào Toàn cầu hóa Kinh tế và Toàn cầu hóa Dân chủ.Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.Nhận thức trên đây muốn thành hiện thực, đòi hỏi sự lên tiếng và tham gia của quí vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng đồng bào cho tiến trình dân chủ hóa đất nước trong năm Ất Dậu này. Đầu năm 2001, chúng tôi đã có dịp đề xuất « Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam » qua một chương trình 8 điểm. Vì Lời kêu gọi này chúng tôi bị quản chế hành chính hai năm. Hy vọng rằng, tình hình khách quan năm nay, quí vị sẽ có nhiều thuận duyên, may mắn hơn, khi cất tiếng kêu gọi và hoạt động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nên không còn chần chờ được nữa.Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không. Trong kinh sách Phật giáo, Đức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh.Ở nước ta, các quốc sư Phật giáo dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đã hành hoạt theo gương đức Phật. Gặp lúc biến, các thiền sư cũng tham gia chống ngoại xâm. Đuổi xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.Gần ba nghìn năm trước, Giáo hội Phật giáo được đức Phật thiết lập trên tứ chúng, bao gồm hai chúng nam nữ xuất gia gọi là tỳ kheo và tỳ kheo ni, và hai chúng tại gia nam nữ Cư sĩ Phật tử. Hai chúng nam nữ Tăng sĩ không tham gia chính trị. Nhưng hai chúng nam nữ Cư sĩ sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v...Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài nước ngoài gần đây, tôi có ngỏ lời đề nghị Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Đừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Hãy xem gương các Đảng cộng sản ở các nước Đông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng. Thế mà ở Ba Lan, Tiệp Khắc, v.v... dân chúng vẫn có người bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, thì có mất gì đâu. Miễn là mọi đảng phái khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn, các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Đừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người. Nhưng trái lại, phải có nhiều xã hội công dân tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, ắt việc nước sẽ hanh thông, quốc gia sẽ thịnh trị. Điều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự để mỗi người và mọi thành phần xã hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho.Đời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ.Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi.Thử trầm tỉnh nghĩ xem, có phải là đảo chính bằng lá phiếu dân chủ vẫn hơn là những cuộc đảo chính bằng bạo loạn ?Sống trong cảnh huống ngày nay, người có lòng dạ và ưu tư đều bị đẩy vào tâm trạng chờ tức nước vỡ bờ. Thế thì sao không chọn con đường nhân nghĩa của truyền thống cha ông để nước chở thuyền thay vì nước lật thuyền ?Chẳng nên nghĩ rằng hễ có công an cho đông, nhà tù cho nhiều, và quân đội hùng mạnh là sẽ giữ được quyền bính mãi mãi. Chỗ dựa vững chắc nhất của một chế độ chính trị là lòng dân.Không là chính trị gia, chúng tôi chỉ có vài ý kiến thô thiển kêu gọi quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào là những người nhạy cảm với cuộc sống. Làm sao cho một cái gật đầu hay lắc đầu của lực lượng trí tuệ mang yếu tố quyết định thay đổi thời cơ.Xin quí vị hãy ra tay chặn ngăn các nẻo dữ, dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh lên hồi trống đại hùng khai mở Đường Lành trong năm Ất Dậu, 2005, này. Đường Lành ấy là con đường dân chủ đa nguyên đưa tới sự ổn định, phát triển và an lạc. An lạc cho quần chúng chỉ có ý nghĩa đích thực khi bảo đảm được quyền tự chủ quốc gia và những quyền tự do, dân chủ căn bản của toàn dân trong sinh hoạt cộng đồng thế giới.Làm sao cho xuân qua rồi mà hoa vẫn hàm tiếu, người đến bên cây rừng mà chim không kinh sợ bay xa : Xuân khứ hoa hoàn hạm, Nhân lai điểu bất kinh.Thư đã dài mà ý chưa hết. Chưa gửi đi nhưng lòng đà trông đợi. Xin chư Liệt vị nhận nơi đây lời Chúc Xuân chân thành và niềm hy vọng của tôi.
Phật lịch 2548 -
Thanh Minh Thiền viện
Saigon ngày giáp Tết Ất Dậu, 3.2.2005
Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ