Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Từ TĂNG ĐOÀN thời đức Phật đến TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN


Từ TĂNG ĐOÀN thời đức Phật đến TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN đều mang hai nét đặc trưng căn bản là hòa hợp và thanh tịnh

Tăng đoàn Phật giáo ngay từ đầu đã vượt lên trên sự phân biệt đẳng cấp và chủng tộc, do đó có thể phát triển thành một tôn giáo thế giới.
Tăng đoàn Phật giáo mang hai đặc trưng căn bản là hòa hợp  thanh tịnh. Vì vậy, nó có khả năng dung chứa và thuần hóa mọi giai tầng trong xã hội khi gia nhập Tăng đoàn, tuyệt đối không có một sự kỳ thị nào.
Sau khi xuất gia, nguồn gốc giai cấp, gia tộc của vị Tỳ kheo không còn quan trọng nữa. Quả thực, như các sông lớn Gangà, Yamunà, Aciràvati, Saràbhù và Mahì đều mất danh tánh khi chúng đổ vào biển cả. Cũng vậy, mọi người trong bốn giai cấp đều mất danh tánh trong Tăng đoàn của đức Phật và từ đó về sau được gọi là sa môn Thích tử. Tỳ kheo là một thành viên của một hội chúng Sa môn không giai cấp.
Trong Tăng đoàn Phật giáo, tất cả bốn giai cấp đều có mặt bởi quan niệm bình đẳng về khả năng tu tập giải thoát khổ đau, cũng như từ bốn ngọn lửa có các loại nhiên liệu củi gỗ khác nhau vẫn bùng lên bốc ngọn lửa giống nhau. Đức Phật dạy rằng: Tất cả mọi người đều phải đọa địa ngục vì ác nghiệp của mình. Cũng vậy, tất cả đều có khả năng phát triển phước nghiệp và từ tâm.
Tuy nhiên, đức Phật không hề có chủ trương chống lại hệ thống giai cấp của xã hội đương thời. Ngài khéo léo đưa ra cái nhìn như thật đầy trí tuệ về sự cấu thành các giai cấp. Theo Ngài, các giai cấp được hình thành do quy luật tự nhiên về tái sanh và hạnh nghiệp. Giai cấp là một phần kết quả nghiệp quá khứ, mỗi người đều tạo được vị trí xã hội riêng do nghiệp hay hành động của mình. Đức Phật dạy:
“Các loài hữu tình vừa là chủ nhân của nghiệp (kamma), vừa là kế thừa nghiệp, nghiệp là thai tạng từ đó họ sinh ra, họ là quyến thuộc của nghiệp, vừa là cư trú trong nghiệp của mình. Nghiệp phân chia các loài hữu tình thành các hạng hạ liệt và ưu thắng”.

Tăng đoàn Phật giáo không hề đặt ra bất cứ điều lệ nào về nguồn gốc xã hội đối với những thành viên đã gia nhập nếp sống phạm hạnh. Do vậy, người ta thường cho rằng sự kiện đức Phật mở rộng cánh cửa Tăng đoàn chính là một cuộc cách mạng tư tưởng xã hội có ý nghĩa nhất. Một cuộc cách mạng bắt đầu bằng việc cải thiện con người, mà không phải chú trọng đến việc cải tạo các thể chế xã hội. Điều này cũng có nghĩa là, nếu không có cuộc cách mạng con người thì không có cuộc cách mạng xã hội.
Tăng đoàn Phật giáo vốn dĩ là một tập thể sống hòa hợp, bình đẳng và thanh tịnh để cùng nhau tu tập giải thoát. Trong ý nghĩa này, Tăng đoàn Phật giáo tất nhiên không mang màu sắc kỳ thị giới tính.
Thật vậy, trong Tăng đoàn Phật giáo, vai trò của Tỳ kheo ni cũng nổi bật như vai trò của các Tỳ kheo. Nếu chúng Tỳ kheo có các đại đệ tử như Sàriputta, Moggalàna…, chúng Tỳ kheo ni cũng có các đại đệ tử sáng chói như Dhammadinna, Khemà…. Điều này cho thấy, mọi thành viên của Tăng đoàn khi nỗ lực thực hành Giới-Định-Tuệ đều có khả năng chứng đắc Thánh quả như nhau. Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình trước hội chúng.
Chúng ta có thể tìm thấy không khí sinh hoạt đầy ấn tượng của Tăng đoàn ở buổi sơ khai qua Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà) và Trưởng lão Ni kệ (Therigàthà). Sự nhiệt tình tu tập mà đức Phật khơi dậy trong lòng các đệ tử, niềm lạc quan về Tăng già nguyên thủy trên con đường cứu khổ, niềm hân hoan về thực chứng tâm linh và niềm duyệt hỷ về giải thoát, tất cả mọi tâm trạng ấy đều ghi lại một cách sinh động ở đó.
Một điều cần lưu ý rằng, trong suốt hành trình độ sinh, đức Phật giáo hóa rất nhiều vị Thánh đệ tử, nhưng ngài không trao cho các vị ấy một quyền uy hay cấp bậc nào. Vì rằng, Ngài đã từ chối thiết lập hệ thống giai cấp có chức quyền trong giáo hội nên ngài đã không giao Tăng đoàn cho bất cứ một vị nào lãnh đạo. Ngài tin rằng không ai có thể làm nơi nương tựa cho người khác, chỉ có pháp và luật làm chỗ nương tựa cho Tăng chúng, mỗi kỳ Bố tát chúng tăng nhóm họp lại và y cứ giới luật Phật chế để biết ai sống đúng pháp hay không mà xử sự và sách tấn lẫn nhau.
Tuyệt đối, Tăng chúng không ai có thể đủ uy quyền để quyết định mọi việc và giáo pháp này không dành riêng cho cá nhân nào. Do vậy trong giáo hội, các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni được giao phó những trách nhiệm để mỗi người tự hoàn thành, chứ không phải giao cho họ một quyền lực để quyết định người khác. Điều này nói lên rằng, Tăng già không phải được cai quản bởi phán định của các phần tử trong Tăng mà bởi pháp và luật do Phật chế ra cho tăng noi theo, Tỳ kheo không xử sự Tỳ kheo, pháp luật xử sự Tỳ kheo.
Sau khi Phật niết bàn, các Tỳ kheo nương tựa mình và nương tựa pháp để tu tập, tiếp tục sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp .

Nhìn chung, trong 45 năm Tăng đoàn đã được hình thành, lớn mạnh không ngừng và luôn mang một số nét cơ bản:
Tăng đoàn là một đoàn thể sống đời sống không gia đình, do đức Phật sáng lập gồm đủ mọi giai tầng trong xã hội sống bình đẳng thanh tịnh trong giáo pháp của ngài. Nếp sống Giới-Định-Tuệ của từng thành viên đã giúp tập thể Tăng đoàn vững mạnh.
Tăng đoàn có tổ chức, giới luật chặt chẽ dựa trên tinh thần tự giác, thanh tịnh, hòa hợp. Ngoài nỗ lực tự thân để giải thoát, Tăng đoàn luôn liên hệ chặt chẽ với xã hội để truyền bá Chánh pháp thông qua đoàn thể cư sĩ. (Đoàn thể cư sĩ tại gia là cầu nối để Tăng già nói lên tiếng nói của Phật giáo. Phật giáo sẽ vững mạnh hơn khi đội ngũ cư sĩ sống đúng Chánh pháp và kính trọng Tăng già). Cho nên có thể nói rằng Tăng đoàn mang trọn vẹn ý nghĩa của ngôi Tam Bảo.
Tất cả những đặc điểm trên đã, đang và sẽ hiện hữu mãi ở Tăng đoàn Phật giáo là nhờ tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Ngoài ra, những yếu tố hoàn thiện con người – bảy yếu tố làm hưng thịnh Tăng đoàn đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự hưng suy của Tăng đoàn.
Cho nên để xây dựng một hội chúng hưng thịnh, trước tiên, mỗi người phải soi rọi lại chính mình, tự hoàn thiện mình theo tinh thần Giới – Định – Tuệ để loại trừ dần các vọng tưởng, tham muốn, hiềm thù… làm khổ đau chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng sửa đổi tự thân của mỗi ngƣời là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một tập thể tốt đẹp. Nếu trong một hội chúng, chư Tỳ kheo và Tỳ kheo ni và hàng Phật tử tại gia khi ngồi lại với nhau mà không thể hiện tinh thần hòa hợp và thanh tịnh thì mỗi thành viên trong đó đều xét lại chính mình xem đã sống đúng theo bảy pháp mà đức Phật đã dạy hay chưa. Hơn bao giờ hết, những vị đệ tử xuất gia – người có nhiệm vụ duy trì Chánh pháp cần phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết hòa hợp như nước với sữa, loại bỏ những tư kiến, thiên kiến, ngã chấp… cùng nhau tu tập xây dựng một hội chúng xuất gia vững mạnh.
Kinh Trường Bộ, quyển 2, Phẩm kinh Ðại Niết Bàn, chép rằng: Hôm đó đức Phật bảo Ngài A Nan mời tất cả đại chúng Tỳ kheo tụ họp lại và Ngài đã dạy với các Tỳ kheo như sau:

“Này các Tỳ kheo! Hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng về Bảy Pháp Bất Thối làm cho chúng Tỳ kheo được hưng thạnh:
1. Các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
2. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
3. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
4. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ kheo Thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
6. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo thích sống chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tự thân an trú chánh niệm, các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Với ý nghĩa thâm sâu và sự lợi ích thiết thực như vậy, cộng với giai đoạn pháp nhược ma cường như hiện nay, chư Tăng và Phật tử trung kiên, ưu tư về tiền đồ của Phật pháp đã quyết tâm một lòng thành lập “TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN” trong và ngoài nước. Đây là một tinh thần hoà hợp thanh tịnh đúng như luật, như pháp của đức Phật mà chư Tăng là người truyền thừa. Phật tử chúng con trong và ngoài nước xin một lòng ủng hộ hết mình và cầu nguyện cho Phật sự giải trừ pháp nạn được thành tựu viên mãn.
Nguyên Dũng-Lý Thái Việt