Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

KHÔNG TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN SẼ MẤT LUÔN CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

Một chế độ độc đảng, độc tài, độc ác toàn trị cộng sản mà phải trình diện trước diễn đàn quốc tế để biện giải về những thành tích “tôn trọng nhân quyền” của mình thì đúng là “bắt khỉ diễn trò” cho thiên hạ diễu chơi. Việtnam hiện nay đang sống dưới chế độ độc đảng toàn trị, cả lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôn giáo, truyền thông và các đoàn thể xã hội đều bị đặt dưới sự lãnh đạo độc đoán và chế độ “xin cho” của một đảng Cộngsản độc quyền tài phán. Toàn dân bị kiểm soát nghiêm ngặt bằng biện pháp “hộ khẩu” và hệ thống “công an trị” do đảng điều khiển khít khao. Mọi quyết sách nội trị, ngoại giao của nhà nước đều do 15 ủy viên Bộ Chính Trị đơn phương định đoạt. Mà chính họ lại không được dân lựa chọn bầu lên. Kể cả cái Điều 4 của bản Hiến Pháp 1992 dành cho cộng đảng toàn quyền lãnh đạo quốc gia, thì công dân cũng không được có ý kiến. Ngay việc bầu người đại diện của mình vào Quốc Hội cũng phải do đảng tuyển lựa trước mới để cho dân bầu sau. Như vậy ở Việtnam không có Dân Quyền.
Một chế độ được thành lập mà Quyền Lực Quốc Gia không dựa trên Ý Chí của Toàn Dân thì đó chỉ là chế độ Quân Chủ Phong Kiến lạc hậu. Hầu hết các nước Dân Chủ Tự Do trên Thế Giới đều đã phải kinh qua giai đoạn ấy. Bởi thế không thể cho rằng bản chất nhân quyền ở mỗi nước mỗi khác, vì vấn đề văn hóa, hay nếp sống khác nhau, mà phải nói chỉ vì bị sống trong chế độ còn lạc hậu, nên ở đó chính quyền mới không biết tôn trọng nhân quyền mà thôi. Còn bất cứ chế độ nào đã tiến lên mức Tự Do Dân Chủ đều phải tuyệt đối tôn trọng Nhân Quyền. Vì không có Con Người thì không có Quốc Gia Dân Tộc, không có Xã Hội của Con Người. Một chế độ không tôn trọng Nhân Quyền là chế độ không có Dân Quyền, xã hội không thể có tự do, con người bị biến thành công cụ của nhà nước do một người, hay một đảng độc quyền cai trị. Bởi vậy các nước Dân Chủ trong Hội Đồng Nhân Quyền mới đồng thanh kết án chế độ Cộngsản Việtnam là vi phạm nhân quyền. Riêng các nước Độc Tài, Phong Kiến lạc hậu mới ủng hộ bản báo cáo của chính phủ Hànội.

Khiến cho thứ trưởng ngoại giao Việtcộng, Phạm Bình Minh, trưởng đoàn Việtnam, tại phiên họp 08/05/09 của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ phải ú ớ, đành tự thú nhận: “Việtnam hiện nay vẫn còn những bất cập, khó khăn tồn tại cần giải quyết, trong hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, có chỗ chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong quá trình đảm bảo quyền con người của một số người điều hành tại địa phương, hoặc chưa quen thuộc với các điều luật trong các công ước quốc tế mà Việtnam đã ký kết, cũng như thiếu hiểu biết về chính sách luật pháp của nhà nước đưa tới việc làm sai trái”. Tuy đã nhận khuyết điểm, rồi đổ thừa cho địa phương làm lỗi, nhưng trưởng đoàn Việtcộng cũng cố gân cổ lên để bác bỏ những lời tố cáo cho rằng, Việtnam đàn áp những người bất đồng chính kiến, ngược đãi các sắc tộc dân thiểu số, không tôn trọng tự do tôn giáo, và bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ tư tưởng, và tự do nghiệp đoàn…

Thông cáo báo chí của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ngày 08/05/09 đã đưa ra các khuyến nghị, Việtnam nên giảm bớt sử dụng luật lệ về an ninh quốc gia để hạn chế quyền thảo luận của công chúng về Dân Chủ Đa Đảng và chỉ trích chính phủ. “…khuyến khích Việtnam tiếp tục nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo, thừa nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và để cho giáo hội này được hoạt động độc lập với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh), để cho dân chúng được bày tỏ ý kiến về hệ thống chính trị, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm như linh mục Nguyễn Văn Lý, và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân…”. Thực ra về mặt tuyên truyền và uy tín quốc tế, thì nhà cầm quyền Hànội dịp này đã bị mất mặt thê thảm. Nhưng rồi đây chứng nào tật ấy, Việtcộng vẫn cứ cố duy trì chế độ Độc Tài Tham Nhũng, không dựa vào dân, mà dựa vào các thế lực quốc tế để tồn tại, như từ trước tới nay.

Chính vì chế độ độc tài cộng sản không dựa vào dân, mà chỉ dựa vào ngoại bang, nên trước đây đã ngoan ngoãn nằm trong hệ thống cộng sản của đàn anh Liênxô, Trungcộng, nay thì bị Đế Quốc Đại Hán khống chế triệt để. Khởi đi từ năm 1991 do nhóm lãnh đạo Hànội: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, thân hành sang Tầu thần phục nhóm bành trướng Bắckinh: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân. Lý Bằng. Tiếp theo là Lê Khả Phiêu phải theo lệnh Bắckinh từ chối ký Hiệp Ước Thương Mai với Mỹ năm 1999. Cùng năm đó, Phiêu phải hứa cắt đất, và năm 2000 dâng biển cho Tầu. Từ đấy Tầu ngang nhiên nhận 2 quần đảo Hoàngsa, Trườngsa là của chúng. Đến tháng 12/2007, nơi đó Tầu đặt là thành phố Tamsa thuộc tỉnh Hảinam. Tháng 05/2008, Bắckinh kêu Nông Đức Mạnh sang, bắt ký cam kết hợp tác toàn diện giữa 2 đảng, 2 nước. Tháng 10/2008, Nguyễn Tấn Dũng được gọi sang Tầu để ký kết cho Trungcộng vào khai thác tài nguyên của Việtnam. Chính vì vậy mà Trungcộng được độc quyền đem dân, quân sang khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên Việtnam. Tổng giám đốc nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắcnông thừa nhận: “Chính phủ đã cho không nhà thầu Trungquốc dự án khai thác bauxite Tây Nguyên chứ không có đấu thầu”. Cho nên, dù phong trào chống việc khai thác bauxite của toàn quốc lên rất cao, mà nhóm cầm đầu Hànội cũng không dám trái ý quan thầy của chúng, để chấm dứt. Vì đây là kế hoạch “tàm thực” Việtnam của chính sách Đế Quốc Đại Hán, mà bước chính là chiếm lấy vùng chiến lược cao nguyên của Việtnam. Vì chỉ có chiếm được nơi đây, Trung cộng mới làm chủ được Đôngdương và toàn vùng Đông Nam Á, để hy vọng ngang tầm siêu cường với Hoakỳ.

Để tránh bị lịch sử gọi là những con “Chó Bắc Kinh” CBK, nhóm cầm đầu Hànội đã phải liên kết với Malaysia, để ngày 06/05/09 trình hồ sơ thềm lục điạ chung của 2 nước với LHQ. Rồi ngày 07/05/09 một mình Việtnam nộp hồ sơ để xác định thềm lục điạ Việtnam, bao gồm 2 quần đảo Hoàngsa, Trườngsa thuộc chủ quyền Việtnam. Lẽ đương nhiên đều bị Trungcộng quyết liệt phản đối. Theo quy định về thủ tục của CLCS, trong trường hợp có tranh chấp về lãnh hải, thì ủy ban sẽ không xét và phê chuẩn hồ sơ của bất cứ bên liên quan nào trong vụ tranh chấp. Nghĩa là vấn đề Biển Đông vẫn giữ nguyên trạng, vừa là hải phận quốc tế, vừa là phần mỗi nước tự nhận. Kẻ nào có thực lực hải quân thì có thế mạnh trong vùng. Cho nên Trungcộng tăng cường hải quân, các nước trong vùng phải chạy theo. Hoakỳ là “chúa đại dương” cũng phải tăng cường hiện diện, khiến nơi đây luôn luôn là vùng nguy biến rình rập. Riêng với Việtnam thì chừng nào chế độ chưa phải là của dân. Chính quyền chưa do dân bầu chọn, chưa lấy dân làm gốc, chưa nhận dân làm chủ, chưa tôn trọng nhân quyền, chưa dân chủ hóa chế độ thì chủ quyền quốc gia vẫn còn nằm trong tay ngoại bang chi phối.

Little Saigonngày 12/05/2009.
LÝ ĐẠI NGUYÊN