Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 24.2.2009
Đạo từ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ về sự Vẹn toàn lãnh thổ tại Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và siêu dộ hương linh các Chiến sĩ vị quốc vong thân tại chùa Điều Ngự ở Westminster, California – Lời Chúc Xuân của HT Thích Thiện Tâm, TT Thích Phước Nhơn và TT Thích Giác Đẳng





PARIS, ngày 24.2.2009 ( PTTPGQT ) - Vừa qua, dưới sự chứng minh của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác cùng chư Tăng giáo phẩm Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Lễ Cầu nguyện Quốc thái Dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu độ hương linh các Chiến sĩ vị quốc vong thân đã được tổ chức tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster , miền Nam California, hôm chiều Chủ nhật 15.2.2009. Đồng bào các giới và Phật tử cùng các cơ quan truyền thông, báo chí đã đến tham dự đông đảo gần một nghìn người làm cho cuộc lễ thêm phần trọng thể.



Sau cuộc lễ, là phần thuyết trình về đề tài “Hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GH PGVN TN) và Vai trò Cư sĩ Phật giáo trước thời cuộc” do Đạo hữu Võ Văn Ái trình bày, Pháp sư Thích Giác Đức nói về “Vài nét đóng góp nổi bật của Phật giáo Việt Nam cho dân tộc”, và chị Ỷ Lan phúc trình về “Sự hậu thuẫn GH PGVN TN của công luận thế giới và chính giới quốc tế”.



Nhân nói về “Vai trò người Cư sĩ Phật giáo trước thời cuộc” ông Ái nhắc lại hình ảnh người Cư sĩ mà cũng là Vua – Sư Trần Nhân Tông, vị tổ của Dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử đặc thù Việt Nam. Nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Ngài, nhưng quan trọng hơn là hành trạng của một Cư sĩ Phật giáo hai lần đại thắng chống Nguyên Mông, thu phục nhân tâm Chiêm Thành bằng con đường bất bạo Phật giáo đem về hai châu Ô Lý cho Việt Nam. Vô hình trung chuyện cũ 700 năm trước, nhưng lại là một hình ảnh rất thời sự cho người Cư sĩ Phật giáo tìm ra giải pháp đối ứng nguy cơ mất nước qua sự kiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mất những nghìn cây số đất, cây số biển sau hiệp ước trên đất liền và vùng biển Hà Nội ký kết với Bắc Kinh năm 1999 và 2000.



Phần trình bày của chị Ỷ Lan với những ví dụ cụ thể của các nhân vật quốc tế hay chính giới Âu Mỹ lên tiếng hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh đòi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GH PGVN TN dưới sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thuợng Thích Quảng Độ đã đem lại sự hứng khởi và tin tưởng cho người nghe. (xin xem các phát biểu quốc tế này trong Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 10.2.2009 hoặc vào xem trên Trang nhà Quê Mẹ www.queme.net



Tại hai nhà hàng Sea Food Kingdom và Sea Food World ở Quận Cam, Nam California, hôm tối thứ bảy 14.2 và tối chủ nhật 15.2, trước và sau Lễ Cầu nguyện, Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ cũng đã tổ chức hai buổi Cơm Chay nhằm gây qũy tổ chức Đại lễ Phật Đản 2553 vào ngày 10.5.2009 sắp tới. Đồng bào các giới và Phật tử đã nhiệt tình hậu thuẫn nhìn qua số lượng người tham dự. Thực khách đêm đầu 800 người, đêm sau 600 người. Theo Ban Tổ chức tuyên bố sơ bộ tổng số tiền ủng hộ trong hai đêm này lên đến sáu mươi nghìn Mỹ kim (60,000 $US). Nhân dịp này, Ban tổ chức đã cho bán đấu giá hai bộ “Phật Quang Đại Từ điển” của Hòa thượng Thích Quảng Độ phụ thêm vào việc gây qũy.



Dưới sự điều khiển sinh động và duyên dáng của bốn vị giới thiệu chương trình, Việt Dzũng, Minh Phượng, Ái Cầm, và Giáng Ngọc, gây hấp dẫn và nao nức người mua. Đêm đầu tiên, Bộ Phật Quang Đại Từ điển gồm sáu tập, 7605 trang, bán với giá 6000 Mỹ kim. Đêm hôm sau lên tới 20.000 Mỹ kim. Trong dịp này, Đạo hữu Võ Văn Ái đã giới thiệu công trình tác dịch bộ Đại từ điển này của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trong thời gian 10 năm lưu đày hay ở trong tù.



Ông Ái cho biết hiếm thấy một công trình nào thực hiện trong hoàn cảnh lưu đày ở xã Vũ Đoài, tỉnh Thái bình, yiếp đến tại nhà tù Thanh Liệt gần Hà Nội. Không như hoàn cảnh trước tác, dịch thuật tự do của các học giả tại các quốc gia văn minh, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ một thân một mình nơi tù ngục áp chế hoàn thành 10 năm trời dịch thuật gần 8000 trang, in thành 6 tập trang trọng, mỹ thuật tại Đài Loan. Vì trong nước nhà cầm quyền Cộng sản không cho phép ấn hành. Đặc biệt gần ba năm cuối cùng trong nhà tù Thanh Liệt kết thúc công trình to lớn. Nhưng đến ngày đặc xá năm 1998, quản giáo không cho mang về, bắt phải làm đơn xin. Hòa thượng Quảng Độ phản ứng tại sao phải xin lại tài sản của chính ngài, nên ngài khước từ không làm đơn xin. Về lại Saigon Hòa thượng phải bỏ ra 2 năm ròng để làm lại chuyện đã làm xong trước đó.



Qua công trình bộ “Phật Quang Đại từ điển” mới thấy hai chân lý, một là ý chí con người có sức dời non lấp biển, hai là chế độ độc tài toàn trị chỉ thủ tiêu văn hóa và người tài. 33 năm cộng sản thống trị, với một Giáo hội Phật giáo Nhà nước do đảng nâng đỡ, tiền rừng bạc biển, có đến bốn vạn Tăng Ni và gần 20 nghìn ngôi chùa. Thế nhưng về mặt học thuật Phật giáo chỉ làm xong hai bộ tự điển :



- Từ điển Phật học Việt Nam, 818 trang, của hai tác giả HT Thích Minh Châu và Minh Chi, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991;



- Từ điển Phật học Hán Việt, 2 tập, 3022 trang, Nhà xuất bản Phân viện Nghiên cứu Phật học, do một ban biên tập 15 Hòa thượng, Thượng tọa soạn thảo. Lẽ ra phải nói gồm 16 người, vì có tên Hòa thượng Thích Quảng Độ ở đầu trang sách. Nhưng đấy là họ để bừa cốt mượn uy danh ngài, chứ Hòa thượng Thích Quảng Độ không hề cộng tác hay biên tập. Có chăng chỉ là vài lần, với tư cách cá nhân, các vị trong ban dịch thuật có biên thư thỉnh ý Hòa thượng về một vài thuật ngữ phiên dịch. Bộ Từ điển Phật học Hán Việt này là bản dịch bộ “Phật học thực dụng tự điển” do Nhà xuất bản Phật giáo Đài Bắc ấn hành năm Dân quốc 72.



Trong khi ấy một người tù, cô thân độc ảnh, bị bức hiếp nơi chốn lưu đày tù tội bỏ suốt mười năm ròng hoàn thành bộ Phật Quang Đại Từ điển, 7605 trang, giá trị nhất trên thế giới về mặt học thuật và tư tưởng Phật giáo.



Dưới đây xin đăng nguyên văn Đạo từ được ghi âm và phát ra tại Lễ Cầu Nguyện ở Chùa Điều Ngự hôm chủ nhật 15.2 :





GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2552 Số 02/VHĐ/VT






ĐẠO TỪ
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

nhân Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An, Vẹn toàn Lãnh thổ và Siêu Độ những Hương linh Chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân tại Chùa Điều Ngự





Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật



Thay mặt Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi ngỏ lời tán thán Văn phòng II Viện Hóa Đạo và Chùa Điều Ngự nhân dịp Xuân Kỷ Sửu tổ chức Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu Độ những Hương linh Chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân.



Cầu nguyện là chí thành mong muốn cho những điều tốt lành được thể hiện trong cuộc đời đầy chướng ngại và bất hạnh. Kinh dạy rằng Phật và Bồ tát ngay lúc mới phát tâm đều nguyện “thành Vô thượng bồ đề và độ hết thảy chúng sinh”. Đây chính là Nguyện Ba La Mật, tức hạnh nguyện rộng lớn của người tu Bồ tát đạo, trên cầu Bồ đề, dưới hóa độ chúng sinh, là một trong mười Ba La Mật. Hạnh nguyện mà theo kinh Hoa Nghiêm sẽ đem lại những đức lớn như :



- Thành tựu cho hết tất cả chúng sinh

- Trang nghiêm hết tất cả thế giới

- Cúng dường hết tất cả chư Phật

- Thị hiện trong hết tất cả quốc độ



Đương nhiên nguyện còn phải đi đôi với hành. Nguyện và hành không thể tách rời thì mới thành tựu công đức. Vì ý chí mong hướng tới, nhưng cần thực hành mới đầy đủ.



Ngày nay, vì hoàn cảnh mà chư liệt vị phải sống xa quê hương. Ngày đầu năm tấm lòng cố quốc khôn nguôi, nên lòng chung lòng, vai bên vai cất lời cầu nguyện cho Quốc thái Dân an, Vẹn toàn Lãnh thổ và siêu độ cho những Hương linh Chiến sĩ vị quốc vong thân.



Chư vị Bồ tát phát bốn thệ nguyện rộng lớn, rồi nhờ thực hành sáu độ Ba La Mật mà thành Phật quả, thì nay nơi lễ đài chùa Điều Ngự, quý liệt vị phát lời hoằng nguyện và phát tâm hành động trong Năm Mới Kỷ Sửu, 2009. Nhờ vậy, đất nước sẽ không bị lãng quên, nhân dân sẽ không cô đơn trơ trọi trong đói nghèo, mất tự do và thiếu nhân quyền, hương linh những chiến sĩ vị quốc vong thân sẽ được siêu độ. Điều trọng thiết khác mà tôi hết lòng trông đợi là Lời Cầu Nguyện cho vẹn toàn lãnh thổ của liệt quý vị sẽ gây phấn chấn lòng người Việt hải ngoại để kết thành động thủ bảo vệ non sông, nòi giống trước hai nạn ngoại xâm và nội xâm.



Suốt các triều đại dân tộc từ Đinh, Lê, Lý. Trần, Lê, dòng họ tuy có khác, nhưng châm ngôn Hộ Quốc vẫn là một : “Gìn giữ giang sơn, không để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông”. Thế mà giờ đây hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, và bao nhiêu nghìn cây số đất, cây số biển đã xuất cảng sang Tàu trong hai Hiệp ước biên giới trên đất liền và trên biển do nhà cầm quyền Hà Nội ký với Trung quốc năm 1999 và năm 2000 ?



Quý liệt vị đang được may mắn sống trên một đất nước dân chủ, tự do, nên các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… được xem như bất khả xâm phạm. Xin quý liệt vị hãy sử dụng tài sản tự do ấy mà đầu tư cho việc thực hiện Quốc thái Dân an, Vẹn toàn lãnh thổ, và mang lại Linh quyền cho những hương linh chiến sĩ vị quốc vong thân.



Tôi cầu chúc cuộc lễ hôm nay thành tựu viên mãn và đem lại các đức lớn ghi trong kinh Hoa Nghiêm, mà đất nước và người dân Việt trông chờ : Thành tựu cho hết tất cả chúng sinh, tức mang lại an vui, hạnh phúc, tự do cho 85 triệu dân lành ; Trang nghiêm hết tất cả thế giới, tức nền văn minh Việt Nam và Phật giáo đóng góp công sức cho hòa bình và an lạc nhân loại ; Cúng dường hết tất cả chư Phật, tức đền đáp dòng pháp nhũ giác ngộ mà chư Tăng, Phật tử thừa hưởng từ gần ba nghìn năm qua ; và Thị hiện trong hết tất cả quốc độ, tức chư Tăng, Ni, Phật tử biết lắng nghe và có mặt khắp nơi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau để cứu độ quần sinh theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.



Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật



Saigon , Thanh Minh Thiền Viện ngày 15.2.2009

Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống

kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo

(ấn ký)

Sa môn Thích Quảng Độ





Các Lời Chúc Tết Kỷ Sửu 2009 tiếp theo Thông cáo báo chí ngày 10.2


Trong Thông cáo báo chí phát hành ngày 10.2. vừa qua chúng tôi đã chép lại các lời Chúc Xuân phát trên Đài Phật giáo Việt Nam của hàng giáo phẩm GH PGVN TN và các nhân vật Quốc tế : Đức cố đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang chúc Tết Mậu Tý năm ngoái, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GH PGVN TN, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Ủy viên Nội vụ và Hoằng pháp Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Viên Lý, Phó Tổng thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng thư ký Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Vương quốc Anh, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Ed Royce, Ông Chủ tịch Sáng hội Rafto, Arne Lynngård, Bà Thérèse Jebsen, Chủ tịch Điều hành Sáng hội Rafto từ Vương quốc Na Uy, hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, Marco Cappato, và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý, Marco Perduca.



Hôm nay chúng tôi xin chép tiếp các lời Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Thượng tọa Thích Phước Nhơn và Thượng tọa Thích Giác Đẳng vừa phát trên Đài Phật giáo Việt Nam hôm thứ sáu 20.2 vừa qua :



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Hòa thượng Thích Thiện Tâm,
Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Canada, Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch GH PGVN TN Hải ngoại tại Canada


Kính chào cô Ỷ Lan, kính chào quý thính giả, Trước hết, tôi xin chúc mừng Năm Mới cô Ỷ Lan cùng quý vị trong Ban điều hành quý Đài năm mới Kỷ Sửu 2009 nhiều sức khỏe và bình an để tiếp tục đưa tiếng nói, nguyện vọng đòi hỏi của mọi người dân khi phải sống trong một đất nước còn thiếu thông tin lại còn quá nhiều độc tài, áp bức, khiến họ phải kêu cứu quốc tế. Và cũng nhân buổi tiếp xúc hôm nay tôi cũng xin mượn tiếng nói của quý Đài để gởi lời chúc Tết đến tất cả quý đồng bào đồng hương của chúng tôi một Năm Mới được an khang thịnh vượng.



Cầu mong Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thực hiện câu họ đã đề ra : Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và độc lập, tự do, hạnh phúc đúng theo nghĩa của nó để phục vụ đất nước và quyền lợi của nhân dân. Riêng cũng xin được kính chúc chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp của GH PGVN TN trong cũng như ngoài nước một Năm Mới thân tâm thường an lạc, vạn sự ngày một hanh thông cũng như nguyện cầu cho Giáo hội sớm được phục hoạt.



Ỷ Lan : Hòa thượng là Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Canada Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch GHPGVCNTN Hải ngoại tại Canada, kính xin Hòa thượng cho biết sơ lược thành quả hoạt động của Giáo hội trong năm qua ở Canada ?



HT. Thích Thiện Tâm : Kính thưa cô Ỷ Lan, thưa quý thính giả của Đài, báo cáo việc Phật sự của Giáo hội ở Canada trong một năm qua thì có rất nhiều việc đáng buồn hơn vui. Đó là sự phân hóa khá nặng nề do ảnh hưởng bởi âm mưu triệt tiêu Giáo hội Thống nhất của Nhà cầm quyền Việt Nam .



Duy có một vài sự kiện xẩy ra khá đặc biệt ở trong năm 2008 mà GH PGVN TN ở Canada đã làm. Đó là thứ nhứt, Giáo hội đã bảo trợ hàng trăm người Việt tị nạn bị kẹt tại Phi Luật Tân gần 20 năm qua, đã bảo bọc cho họ công ăn việc làm và hiện nay cuộc sống của các gia đình đó đã ổn định. Thứ hai, là Giáo hội cũng vừa khánh thành một cơ sở từ thiện xã hội, đó là Viện Dưỡng lão mang tên Tuổi Hạc. Một nơi giúp cho các cụ trong Cộng đồng Người Việt ờ Canada. Đây là nơi gởi thân yên ấm nhất cho các cụ Việt Nam khi vào sanh sống trong ngôi nhà này. Nơi đó có sự chăm sóc của y tá, bác sĩ là các người đồng hương Việt Nam, được ăn thức ăn Việt Nam, được hàn huyên tâm sự với các bạn già bằng tiếng Việt hằng ngày. Và việc làm thứ ba, đó là Đại hội Khoáng đại bầu lại Tân Hội đồng Điều hành cho nhiệm kỳ mới 2008 – 2012 theo đúng như Nội quy quy định. Đại hội đã quy tụ rất nhiều đoàn thề từ khắp nơi trên đất nước Canada về tham dự. Một đại hội thành công và chúng tôi có triển vọng sẽ xây dựng và củng cố GH PGVN TN tại Canada vững chãi hơn trong năm mới này.



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Phước Nhơn,
Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc Úc châu & Tân Tây Lan, Văn phòng II Viện Hóa Đạo GH PGVN TN


A Di Đà Phật ! Kính chào chị Ỷ Lan, kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Trước nhất nhân dịp Xuân Kỷ Sữu chúng tôi thành tâm nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài nước pháp thể khinh an, Phật sự viên thành, và nhân dịp Xuân Kỷ Sửu chúng tôi gửi đến lời đầu Xuân cùng toàn thể qúy Đồng hương cũng như Phật tử trong và ngoài nước ngày Tết đến mọi người Việt Nam của chúng ta trong ngày đầu Xuân gặp nhau đều nói những lời, trao nhau những gì hoan hỉ và tốt đẹp nhất. Đó là văn hóa của người Việt Nam .



Nhưng đối với Phật giáo thì Đức Phật dạy cho chúng ta về hai chữ Bố thí. Nếu như chúng ta áp dụng hai chữ Bố thí này ở trong đời sống hằng ngày thì nó chính là cái sự vui tươi, phát triển và sự tốt đẹp mà mọi người chúng ta đều mong muốn. Trong sự Bố thí chúng ta có Bố thí Vô úy, Bố thí tài và Bố thí Pháp. Riêng về các bậc lãnh đạo, nhất lá các cấp chính quyền mà bỏ đi cái sự cai trị, guồng máy của công an trị, không mang lại sự lo âu sợ hãi cho nhân dân để cho toàn thể dân chúng được tự do, dân chủ, và nhân quyền, thì sẽ làm cho đất nước mỗi ngày một có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tất cả mọi sự tự do cá nhân và tập thể đều được phát triển mốt cách tốt đẹp cực độ. Như thế chính là áp dụng pháp Bố thí Vô úy của Nhà Phật. Làm như vậy thì lãnh thổ được bảo vệ trọn vẹn, người dân được sống trong sự ấm no, hạnh phúc, không còn sợ hãi, lo âu. Nói đến đây chúng tôi lại nhớ đến thi sĩ nổi danh của Việt Nam chúng ta, Trần Tú Xương có 4 bài thơ mà ông ta đã chúc trong sự châm biếm, tuy nhiên mang tải ý nghĩa của ba pháp Bố thí tài, Bố thí Pháp và Bố thí Vô úy của nhà Phật trọn vẹn nhất mà chúng tôi cảm thấy thích thú. Chúng tôi mượn bốn bài thơ này gởi đến trong ngày đầu Xuân cùng toàn thể quý thính giả của Đài Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, Đó là :



Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con

Sanh năm đẻ bảy được vuông tròn

Phố phường chật ních người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non



Hai bài thơ này mang ý nghĩa Bố thí Vô úy. Sau khi chúng ta bố thí vô úy, đó là nhân. Có nhân rồi thì chúng ta sẽ được cái quả. Đó lá sống lâu trăm tuổi, trường thọ, không bịnh, không hoạn và con cái hiếu thảo. Cũng chính là cái pháp mà mỗi người lãnh đạo cần lưu tâm và thực hành.



Tiếp đến bài thơ thứ ba :

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thì mua tước đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa bán vừa rao cũng đắc hàng



Đây là bố thí Pháp. Thăng quan tiến chức tức nói về trí tuệ. Có học vấn, có trí tuệ, có bằng cấp và sự hiểu biết thì mới có thể đảm trách những chức vụ quan trọng đưa đất nước đến chỗ hưng thịnh.



Bài thơ thứ tư :

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu

Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu



Đây là bố thí tài. Tiền nhiều quá đến độ phải rơi rớt khắp nơi không ai màn để lấy, giống như nước thái bình không cần đóng cửa. Nhưng bây giờ thì xã hội chúng ta đóng cửa, họ cũng cạy cửa vào để lấy. Do vậy cái nhân không tốt thành thử xã hội có cái quả không tốt. Thành thử chúng ta phải gây nhân tốt thì quả trong tươnglai mới có thể tốt đẹp hơn. Nếu như ngày đầu năm mà chúng ta chỉ gặp nhau, nói nhau những lời sáo ngữ, không thực hành, không hoán chuyển, không đem hết khả năng của mình ra để vận dụng mỗi giờ mỗi phút để cho cuộc sống chính mình được thay đổi bộ mặt xã hội được thay đổi, thì dầu cho chúng ta có chúc mỗi ngày đi nữa, sự ước muốn đó cũng không thể nào mang lại kết quả tốt đẹp. Do vậy nhân dịp đầu năm Kỷ Sửu chúng tôi xin thành tâm gởi lời Chúc Xuân đến chư tôn Giáo phẩm, quý tôn giáo bạn, quý Hội đoàn, Đoàn thể cùng đồng hương Phật tử trong và ngoài nước lời chúc tốt đẹp nhất, đó là mỗi ngày chúng ta hãy áp dụng pháp Bố thí để thay đổi được cái nhân của chính mình và cho xã hội của chúng ta.



Ỷ Lan : Bạch Thượng tọa là Tổng Ủy viên Đặc trách Úc châu & Tân Tây Lan Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Kính xin Thượng tọa cho biết sơ lược các dự án hoạt động của Giáo hội trong năm Kỷ Sửu sắp đến tại Úc châu ?



TT. Thích Phước Nhơn : Trong năm Kỷ Sửu đến, Giáo hội tại Úc châu đại diện của Viện Hóa Đạo cũng như Giáo hội Thống nhứt tại Úc châu, trước nhất chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi Ra Mắt tập Thơ Tù của Hòa thượng Viện trưởng kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của GH PGVN TN, ngài Thích Quảng Độ tại các thành phố trên toàn Liên bang Úc châu. Chúng tôi nghĩ rằng ngày Ra Mắt sách sẽ thành công tốt đẹp. Chúng tôi dự trù sẽ đi hết các Tiểu bang và hiện tại rất nhiều người đã ủng hộ tinh thần, nhiều vị sinh hoạt trong các tổ chức Cộng đồng cũng như giới đồng hương Phật tử các nơi đã gọi điện thoại thăm hỏi để biết rõ thêm những chi tiết về ngày Ra Mắt Sách này. Trong ngày lễ này chúng tôi cũng có mời chư tôn đức trong Văn phòng II Viện Hóa Đạo cũng như Giáo sư Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan từ Paris qua để thuyết trình trong dịp ra mắt Thơ Tù cũng như trình bày tình hình Phật giáo của GH PGVN TN. Đó là vài nét sơ lược sinh hoạt sắp tới.



Lời Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009 của Thượng tọa Thích Giác Đẳng,
Tổng Ủy viên Truyền thông, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ


Kính chào chị Ỷ Lan và thân chào quý vị thính giả của Đài Phật giáo Việt Nam . Thưa quý vị, Năm Kỷ Sửu đến với tất cả chúng ta và trong tâm nguyện của một vị Tăng sĩ, đặc biệt là một thành viên của GH PGVN TN, trước nhất xin được gửi đến chư tôn Giáo phẩm, chư đồng hương, đồng bào Phậ tử xa gần, các Cơ quan truyền thông, lời kính chúc một Tân Niên An lạc, Cát tường và mong rằng tất cả những nguyện vọng cao cả của những người có tâm huyết cho quê hương dân tộc, với đạo pháp sẽ sống thành tựu viên mãn. Xin được nguyện cầu cho GH PGVN TN sớm được phục hoạt và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Xử lý Viện Tăng thống được pháp thể khang an, Phật sự viên mãn.



Ỷ Lan : Bạch Thượng tọa là Tổng Ủy viên Tổng vụ Truyền thông, Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa GH PGVN TN Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Kính xin Thượng tọa cho biết sơ lược thành quả của giáo hội trong năm qua ở hải ngoại ?



TT. Thích Giác Đẳng : Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả đang nghe Đài. Năm 2008 đi qua để lại rất nhiều ghi nhận và biến động lớn. Có lẽ biến động lớn của GH PGVN TN là sự ra đi của Đức Đệ tứ Tăng thống, một điều mà chúng ta có thể cảm nhận, rằng ngay cả những tháng ngày trước khi Ngài ra đi, hình ảnh của Ngài, sự sáng suốt của Ngài đã cho chúng ta những ý nghĩa rất là cao đẹp về một vị mà trong suốt cuộc đời sống cho dân tộc cho đất nước và Ngài đã ra đi trong một thần thái rất an tĩnh. Bên cạnh đó thì sự tổ chức Tang lễ của Đức Tăng thống ở trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam là một điều chúng ta cần nhắc lại tại đây.



Giữa lúc mà có rất nhiều sự chi phối, chống phá từ bên ngoài vào. Đặc biệt là sự chống phá nhắm thẳng vào Đại lão Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, thì chư tôn giáo phẩm trong nước đã long trọng cử hành tang lễ của Đức Đệ tứ Tăng thống đúng theo cung cách của một vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội. Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài, có lẽ đó là một hình ảnh đáng nhớ nhất. Sau khi Đức Đệ tứ Tăng thống viên tịch rồi thì những lễ Chung thất, Tưởng niệm được tổ chức khắp năm châu. Dĩ nhiên là có một số mang hình thức khác, nhưng cho chúng ta thấy rằng tất cả đã có một tấm lòng dành cho Đức cố Đệ tứ Tăng thống một cách đặc biệt. Nhất là từ phía Cộng đồng Người Việt ở hải ngoại.



Bên cạnh sự ra đi của Đức Đệ tứ Tăng thống thì vào dịp lễ Chung thất chúng ta có lễ suy tôn Đức Phó Tăng thống và Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác được cung thỉnh để thành Phó Tăng thống của GH PGVN TN. Đó cũng là một sự chúng ta phải ghi nhớ trong năm vừa qua.



Riêng ở tại Hoa Kỳ thì cũng phải nói rằng năm vừa qua là một năm mà Viện Hóa Đạo đã tập chú để có rất nhiều chương trình từ đầu năm cho đến cuối năm trong những nỗ lực hội thảo, tiếp xúc với Cộng đồng. Chúng ta nhận được nhiều sự tán trợ từ các tổ chức, cơ quan truyền thông, Cộng đồng Người Việt ở khắp nơi, và bên cạnh những buổi hội thảo, những khóa tu học thì giáo hội cũng đã thành lập được một số cơ sở địa phương như là chùa Điều Ngự là cơ sở trung ương của giáo hội nằm ở tại thủ đô người Việt ở tại miền Nam California, hay sự ra đời của Ban Đại diện Miền Huyền Quang ở Bắc California, Ban Đại diện Miền Thiện Luật ở tiểu bang Miền Texas và một số các cơ sở hạ tầng.



Nói chung thì đó là một năm Giáo hội đã hoạt độing theo một đường hướng thực tế đối với những gì mà chúng ta có thể làm được. Dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua không nói một số chướng duyên đến ở bên trong cũng như bên ngoài. Sự chống phá Giáo hội vẫn tiếp tục như chúng ta biết từ lâu nay. Mục tiêu của Nhà cầm quyền Hà Nội là làm thế nào vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong tay của họ, đồng thời làm thế nào để bóp chết tiếng nói của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở trên các diễn đàn thế giới. Nói cách khác là Nhà cầm quyền Việt Nam không muốn GH PGVN TN còn tiếp tục tồn tại ở trong tất cả những nỗ lực vận động dân chủ, nhân quyền, tự do trong thế giới.



Nhưng cho đến hôm nay thì dưới sự lãnh đạo của chư tôn giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng Viện, GH PGVN TN vẫn tồn tại. Mặc dù mỗi một giai đoạn đều có những thách thức riêng của nó.



Thưa chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài, một trong những dấu hiệu rất đáng tin tưởng là hiện nay càng lúc đồng bào ở các nơi càng nhận thấy rằng sự tán trợ đối với giáo hội không đơn giản chỉ là một sự đồng tình hay là những lúc giáo hội kêu gọi, mà còn đem lại những nỗ lực góp phần rất nhiều. Lấy ví dụ như ngày hôm qua tại chùa Pháp Luân có tổ chức buổi tiệc Tất niên của Ban Đại diện GH PGVN TN Miền Thiện Luật, có hơn 400 quý đồng hương và Phật tử đến tham dự lễ Tất Niên này trong buổi sinh nhật của Đức Phó Tăng thống, thì chúng ta nhận thấy sự quan tâm, thao thức của Cộng đồng và đa số mọi người đều có câu hỏi đặt ra rằng : Có gì đó có thể đóng góp được cho Giáo hội không ? Điều đó là điều quan trọng, bởi vì từ lâu những khó khăn trong nội bộ của giáo hội và trong hiện tình chung của Phật giáo Việt Nam ít khi được sự quan tâm đặc biệt như trong giai đoạn này.



Chúng ta mong rằng Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam không phải chỉ là một câu chuyện nội bộ của Phật giáo và Pháp nạn đó sẽ được tất cả những người Việt yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền lấy đó làm một trong những tiến đề khi chúng ta nói về sự cải thiện nền tự do, dân chủ thật sự ở tại Việt Nam. Xin có vài lời như vậy để trình bày với chị Ỷ Lan và quý thính giả của Đài về vài điểm đáng nhớ trong Phật sự của Giáo hội trong năm qua.