Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

Saigon Times ở Úc Phỏng Vấn Ông Võ Văn Ái

Phỏng vấn GS Võ Văn Ái, phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN - Saigon Times -
LTS: Trước kế sách gây chia rẽ để khống chế, dần dần tiêu diệt mọi tôn giáo của bạo quyền CSVN, số phận của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) suốt hơn 33 năm qua vẫn nằm trong kế sách “cần phải tiêu diệt” nầy, vì Giáo Hội luôn luôn là cái gai đối nghịch của tập đoàn cai trị CSVN. Gần đây, một trong những sự kiện quan trọng của Giáo Hội là ban hành giáo chỉ số 9 vào ngày 8 tháng 9 năm 2007 của Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang nhằm thành lập Văn Phòng 2 Việt Hóa Ðạo tại hải ngoại để đề phòng, một khi CSVN toàn triệt mọi sinh hoạt của Giáo Hội trong nước, thì Văn Phòng 2 ở hải ngoại là hậu cứ an toàn, nhằm tiếp tục con đường đấu tranh chánh pháp, cứu nguy đạo pháp và dân tộc. Trong khi hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo và Phật tử hải ngoại khâm tuân Gíao Chỉ Số 9 thì một số vị đã có những phản ứng chống đối, tạo nên hoang mang ít nhiều trong giới Phật tử và quần chúng, làm khó khăn thêm trước công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở quê nhà.
Ðược biết, một buổi hội thảo về hiện tình GHPGVNTN sẽ được tổ chức tại trường Ðại Học Arlington (UTA) vào chiều thứ Bảy, 17-5-2008. Thuyết trình đoàn gồm: Thượng tọa Thích Giác Ðẳng, Giáo sư Võ Văn Ái và ký giả Ỷ Lan, thuộc Văn Phòng 2 GHPGVNTN. Nhân dịp này, TGM đã tiếp xúc với GS Võ Văn Ai qua Email để làm cuộc phỏng vấn, nhưng ông cho biết tuần báo Saigon Times ở Uc (Australia) cũng vừa phỏng vấn với những câu hỏi tương tự; do đó chúng tôi xin phổ biến 12 câu hỏi đáp dưới đây của GS Võ Văn Ái - minh xác lập trường của GHPGVNTN - để độc giả hiểu rõ thêm về những khó khăn của Giáo hội PGVNTN.
TC Thế Giới Mới


Hỏi: Thưa Ông, trong thời gian gần đây, một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là Giáo Chỉ Số 9 do Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ấn ký. Vậy xin Ông cho biết, nguyên nhân nào và hoàn cảnh nào khiến Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ban hành Giáo Chỉ số 9?


Ông Võ Văn Ái (Ô. VVA): Nguyên nhân và hoàn cảnh Giáo chỉ số 9 do Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 xuất phát từ 7 nhận định về vị thế và tình hình Phật giáo trong dòng lịch sử Việt Nam hai nghìn năm qua. Trong 7 nhận định ấy, 4 nhận định sau đây khế hợp với tình hình Gíao hội bị nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp, đồng thời với sự xuất hiện của một thành phần cơ hội gây rối trong nội bộ Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Nói theo lời Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, là hoàn cảnh “trong đánh ra ngoài đánh vào”, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo là “ nội ma ngoại chướng ”.
Nói tóm, Gíao chỉ số 9 là “ biện pháp tự vệ cùng tiên liệu đối phó với tình hình,” mà ai cũng có thể nhận ra mối hiểm nguy ngày nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được trình bày qua 4 nhận định ghi trong Giáo chỉ số 9 như sau:
- Nhận định rằng kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục sống trong hoàn cảnh bị bức hiếp, không có tự do, không được quyền hoằng dương Chánh pháp theo truyền thống Phật giáo;
- Nhận định rằng vì nhiều lý do nội tại hay khách quan, vô tình hay cố ý, một số chư Tăng, Phật tử rời bỏ con đường cao rộng của Chánh pháp, đem thân phục vụ thế quyền làm biến tướng Bát chánh đạo và làm nghiêng ngửa Giáo hội;
- Nhận định rằng sự phát triển bền vững của nhân loại ngày nay là cuộc phát triển tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục, môi sinh; đạo Phật chỉ có thể phục vụ hữu hiệu con người trong một xã hội tự do, tôn trọng nhân quyền và dân chủ. Nhận định này làm nền tảng cho yêu sách phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Việt Nam, và là lý do vận động kiên trì suốt 32 năm qua của Giáo hội và Phật giáo đồ trong nước cũng như công tác vận động quốc tế của Giáo hội và Phật giáo đồ ở hải ngoại;
- Nhận định rằng những cuộc đàn áp liên tục, ngày càng gia tăng của Nhà cầm quyền CHXHCNVN, đặc biệt gần đây đối với các Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Hơn nữa, ngày 16 âm lịch Ðinh Hợi tức 28.8.2007, hầu hết hàng giáo phẩm thuộc Ban Chỉ đạo Viện Hóa Ðạo, từ Viện trưởng, Phó Viện trưởng đến đa số các Tổng vụ trưởng bị các Ủy ban Nhân dân Phường mời đi làm việc, song song với chiến dịch báo chí, truyền thanh, truyền hình của Nhà nước trên toàn quốc tấn công, bôi nhọ, vu cáo GHPGVNTN và Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vì Giáo hội thể hiện đức từ bi của đạo Phật góp phần cứu trợ vật chất cho tập thể Dân oan đi khiếu kiện bị thiếu thốn lương thực. Các cuộc cứu trợ thuần túy từ thiện xã hội của Giáo hội đã được thực hiện công khai ngày 13.7 và 17.7 tại Saigon và ngày 23.8 tại Hà Nội. Thực tại Dân oan đi khiếu kiện là mối bức xúc xã hội trầm trọng, sở dĩ còn tồn tại đến ngày hôm nay, là vì nỗi oan ức của người nông dân bị cướp đất, cướp nhà, bị lăng nhục và xúc phạm nhân phẩm từ hơn 20 năm qua không được nhà cầm quyền giải quyết. Chiến dịch đàn áp, vu cáo và khủng bố tinh thần hiện nay đối với GHPGVNTN báo hiệu một cuộc bắt bớ, đàn áp nước lũ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, bó buộc Giáo hội phải có biện pháp tự vệ cùng tiên liệu đối phó với tình hình;
- Nhận định rằng đồng thời với cuộc đàn áp trong nước nhằm tiêu diệt GHPGVNTN, một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế.
Ðiều lạ là câu viết trong nhận định cuối cùng trên đây: “một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế ”, thực tế chỉ nói giới hạn “ MỘT SỐ phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại ”, thế nhưng bỗng nhiên có hàng loạt người nổi lên nhao nhao tự nhận mình thuộc “một số phần tử cơ hội” ấy, để tuôn lời trách móc Giáo chỉ số 9 “khai trừ ” họ, hoặc “giải tán” toàn thể các Giáo hội tại hải ngoại ?! Thế thì tự họ cáo buộc họ theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” chứ chẳng ai khác.
“Một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại” này đã được Hoà thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Ðại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên - Huế, nói rõ tên và danh xưng trong bản Phúc trình Phật sự viết ngày 8.9.2007 gửi Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Ðạo. Ðặc biệt qua điều 2 và 3 sau đây (xin xem toàn văn trong Thông cáo báo chí do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 2.11.2007):
“2- Một số Phật tử ở Úc và Hoa kỳ, có gọi điện về thăm và nhân tiện, bày tỏ sự bất bằng về một số Thượng tọa, Ðại đức và Cư sĩ tu xuất, đang là Thành viên Hội đồng Ðiều hành GHPGVNTN/HN tại Úc và Hoa kỳ, lại đi vận động tách khỏi GHPGVNTN là vì sao? Chúng tôi chỉ trả lời vắn tắt trên điện thoại rằng, chắc vì các vị có một vài mâu thuẫn cá nhân nào đó, trong phương pháp hành đạo. Có dịp sẽ trò chuyện sau. Bây giờ không tiện.
“Ðiều mà Phật tử thắc mắc, chúng tôi thấy, đã được cụ thể qua quan điểm của anh Trần Quang Thuận và Bùi Ngọc Ðường. Hai anh hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2007; anh Trần Quang Thuận chê trách Hòa Thượng Quảng Ðộ. Bùi Ngọc Ðường ngoài những lời lẽ như anh Thuận; Bùi Ngọc Ðường còn thêm chê bai Giáo hội. Sau hết Bùi Ngọc Ðường khuyên chúng tôi từ chức Chánh thư ký Viện Tăng thống để nghỉ ngơi, giống hệt như lời Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng đã khuyên Ðức Tăng Thống thôi việc, nghỉ ngơi. Giọng điệu hai anh có vẻ như muốn thỏa hiệp, để được sinh hoạt, ý tưởng nầy còn được thấy rõ qua nhóm Thân Hữu Già Lam.
“ 3- Chúng tôi được biết, ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam; cách đây một năm, đã hình thành một nhóm, có tên gọi ”Thân Hữu Già Lam”. Thành viên khoảng trên dưới 40 vị gồm các thành phần Tu sĩ, Cư sĩ, Cư sĩ tu xuất. Các vị có mặt trong nước, ngoài nước khắp các châu lục. Các vị sinh hoạt dưới dạng Tăng già, chưa dám đứng hẳn vào Gíao hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Các vị quyên góp tiền gây quĩ xây dựng Ðại Học, Thư Viện, Hội Trường, làm Văn Hóa Giáo Dục Phật Giáo. Ðứng đầu nhóm có GS TS Lê Mạnh Thát, và học giả Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Cả hai vị đều đã có một quá khứ hào quang sáng chói, được người dân miền nam Việt Nam vinh danh “người về từ cõi chết”. Có điều lạ là, hồi cuối tháng 7/2007, Hòa Thượng Thích Ðức Chơn, về Qui Lai dự lễ Húy nhật Thân mẫu. Hòa Thượng có ghé chùa Báo Quốc thăm, chúng tôi có hỏi Hòa thượng về nhóm “Thân Hữu Già Lam”. Hòa thượng có vẻ ngạc nhiên và bảo, tôi thực sự không hay biết gì về việc này, làm vậy sao được.
“Nhóm ”Thân Hữu Già Lam” phần đông, đang là thành viên chủ chốt của GHPGVNTN trong nước và hải ngoại. Nay vì một vài ý kiến bất đồng nào đó mà xây lưng lại với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội thì chẳng hay ho gì! Mà ai lại làm vậy bao giờ. Những mâu thuẫn nội bộ trong sinh hoạt là chuyện bình thường. Cái gì còn có đó, vai trò phục vụ đạo pháp dân tộc của các vị còn kia, đã mất mát gì đâu mà vội vàng, đôi khi bất đạt, còn gây tổn thương lớn cho tập thể, tổ chức Giáo hội.
“Chúng tôi có đọc nội dung biên bản cuộc họp của các vị ”Thân Hữu Già Lam” ngày 23/8/2006, qua hệ thống điện thoại có nhiều người tham dự, từ Việt Nam, Úc, Canada, Mỹ,... Họ tổ chức cuộc họp nầy đã hơn một năm nay, và hiện nay đang hoạt động tích cực. Phật đản PL: 2551 vừa qua, vùng nam California, những vị thuộc nhóm “Thân Hữu Già Lam” đã không tuyên đọc Thông điệp của Ðức Tăng Thống Ðệ Tứ GHPGVNTN khi cử hành lễ Phật Ðản”.
Hỏi Thưa Ông, vậy nội dung chính yếu của Giáo Chỉ số 9 là gì? Trong Giáo Chỉ Số 9 có điểm gì đặc biệt liên quan đến Phật Giáo VNTN tại Úc và Tân Tây Lan?
Ô. VVA : Như đã nói ở trên, Giáo chỉ số 9 là “ biện pháp tự vệ cùng tiên liệu đối phó với tình hình” thông qua 4 nhận định về hiện trạng cấp thiết và nguy biến trước cảnh “trong đánh ra ngoài đánh vào” hoặc “nội ma ngoại chướng” của Giáo hội. Biện pháp thi hành là thiết lập Văn Phòng 2 Viện Hoá Ðạo, mà nhiệm vụ được quy định tại Ðiều 2 của Giáo chỉ số 9 là : “Văn phòng II Viện Hóa Ðạo đại diện cho Viện Hóa Ðạo tại hải ngoại để truyền đạt chủ trương, đường lối và hoạt động của Giáo hội trong nước thông qua các cơ sở của Giáo hội ở hải ngoại, các cộng đồng Phật giáo và cộng đồng Người Việt hải ngoại nói riêng, và trong cộng đồng thế giới nói chung”.
Ở vào tình trạng Giáo hội trong nước bị nhà cầm quyền Cộng sản khủng bố toàn triệt không còn cách hoạt động dù là tối thiểu, thì nhiệm vụ của Văn phòng 2 được quy định theo Ðiều 4: “Văn phòng II Viện Hóa Ðạo nối tiếp nhiệm vụ và hoạt động của Giáo hội gặp lúc Viện Hóa Ðạo trong nước bị đàn áp không thể hoạt động. Mọi hoạt động của Văn phòng II Viện Hóa Ðạo dựa trên cơ sở lập trường và đường hướng quy định trong bản Hiến chương GHPGVNTN được Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973 tu chính, và tuân thủ lập trường biểu hiện qua các văn kiện, thông điệp, tuyên cáo, kêu gọi do Giáo hội trong nước công bố từ năm 1992 đến nay”.
Ðiều cần nói là Văn Phòng 2 Viện Hoá Ðạo vốn đã hiện hữu từ năm 1992 nhưng trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ chiếu theo Quyết Ðịnh số 27-VPLV/VHÐ do Hoà thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, ban hành ngày 10.12.1992. Nay theo Giáo chỉ số 9 do Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007, thì Văn phòng 2 Viện Hoá Ðạo chiếu theo Ðiều 3: “Văn phòng II Viện Hóa Ðạo trực thuộc sự chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện Hóa Ðạo trong nước. Thành viên Văn phòng II Viện Hóa Ðạo do Viện trưởng Viện Hóa Ðạo thỉnh tuyển và chỉ định; tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hay thay đổi”.
Như thế, Giáo chỉ số 9 ban hành việc thiết lập Văn Phòng 2 Viện Hoá Ðạo theo cơ cấu mới, nên không đề cập gì đến Giáo hội các châu cũng như Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tại Úc và Tân Tây Lan.
Hỏi: Quý vị lãnh đạo Phật Giáo, Phật tử, cũng như người Việt nói chung tại VN cũng như hải ngoại, đã có những phản ứng gì đối với Giáo Chỉ số 9?
Ô V V Ái: Tất cả chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trung kiên với đường lối, lập trường cố hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới sự lãnh đạo tối cao của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hoá Ðạo, đều có phản ứng duy nhất : Tán thán và khâm tuân Giáo chỉ số 9 do Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành. Tán thán vì nhận định rằng đối tượng của Giáo chỉ số 9 là Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Một nhà cầm quyền theo chủ nghĩa ngoại lai Mác - Lênin nên thi hành chủ trương tiêu diệt Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung. Ðồng thời tán thán Giáo chỉ số 9 đã cứu nguy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nếu không có Giáo chỉ số 9, thì ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị nhà cầm quyền Cộng sản nuốt chửng, như lời Giáo chỉ số 9 nhận định, thông qua “ một số chư Tăng, Phật tử rời bỏ con đường cao rộng của Chánh pháp, đem thân phục vụ thế quyền làm biến tướng Bát chánh đạo và làm nghiêng ngửa Giáo hội ” và “ một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đường hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế ”.
Phản ứng mạnh mẽ nhất có tính đồng thuận ủng hộ GHPGVNTN đến từ Cộng đồng Người Việt Hải ngoại. Sự lên tiếng đầu tiên là “Tuyên Cáo” ngày 21.11.2007 “ Xác định lập trường ủng hộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do nhị vị Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Ðộ lãnh đạo cùng các cơ cấu trực thuộc Giáo Hội ” và “ Kêu gọi đồng hương đề cao cảnh giác trước những âm mưu xâm nhập và khuynh đảo, gây mâu thuẫn tôn giáo trong Cộng đồng người Việt hải ngoại của CSVN ”. Tuyên cáo này do Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc châu công bố với các chữ ký của Chủ tịch Liên bang, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch Tiểu bang NSW, Võ Trí Dũng, Chủ tịch Tiểu bang VIC, Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch Tiểu bang QLD, Bùi Trọng Cường, Chủ tịch Tiểu bang Nam Úc, Ðoàn Công Chánh Phú Lộc, Chủ tịch Tiểu bang ACT, Lê Công, Chủ tịch Tiểu bang Bắc Úc, Lê Tấn Thiện, Chủ tịch Tiểu bang Wollongong, Trần Hương Thuỷ, và Chủ tịch Tiểu bang Tây Úc, Phạm Lê Hoàng Nam.
“Tuyên cáo của Ủy Ban Phối Hợp Ðấu Tranh Yểm Trợ Quốc Nội vùng Ðông Hoa Kỳ ngày 1.12.2007: Xác định lập trường ủng hộ GHPGVNTN do nhị vị Ðại Lão Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Ðộ lãnh đạo cùng các cơ cấu trực thuộc Giáo Hội, ủng hộ Giáo chỉ số 9 của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.20076 cũng như thành quả của Ðại hội Bất thường của GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức ở chùa Bửu Môn, thành phố Port Arthur ngày 10.11.2007 ”.
Tiếp đến là “Bản Lên Tiếng chung” của Cộng Ðồng Việt Nam tại Nam California, Hoa Kỳ, về sự tái cấu trúc (theo Giáo chỉ số 9 của Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang) và công cuộc đấu tranh cho Ðạo pháp và Dân tộc của GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Bản Lên tiếng chung này đã được 24 đoàn thể, đảng phái, tổ chức tại California, Hoa Kỳ, đồng ký tên và công bố hôm 27.12.2007.
Ngoài ra, sự kiện mới mẻ chưa hề xẩy ra trước đây, là sự lên tiếng tự phát của hàng loạt bài tố cáo những phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại ẩn nấp dưới nhiều danh xưng, như nhóm Về Nguồn, nhóm Thân hữu Già Lam, nhóm Tăng Ni Hải ngoại, v.v... Các loạt bài này rộng rãi tung lên mạng lưới Internet, các Trang Nhà hay thông qua các buổi hội luận Paltalk. Ðây chính là phản ứng lành mạnh và có ý thức của quần chúng đông đảo trong Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản.
Trong nội bộ Giáo hội, thì Ðại hội Bất thường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức tại Chùa Bửu Môn ở thành phố Port Arthur, bang Texas Hoa Kỳ, ngày 10.11.2007, với 89 đơn vị thuộc các Hội đồng, các Tổng vụ và các Miền của Giáo hội trên toàn quốc Hoa Kỳ bao gồm 108 Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, và Cư sĩ đại biểu đã thể hiện sâu xa tinh thần “Vọng hướng Giáo hội Mẹ” với Ý thức Giải nguy hiện trạng nội ma ngoại chướng đang phân hóa cộng đồng dân tộc và cộng đồng Phật giáo. Ðại hội đồng thanh quyết nghị triệt để khâm tuân Giáo chỉ số 9 của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang.
Ðiều trọng yếu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ là chiếc nôi đón nhận sự ra đời của Văn phòng 2 Viện Hoá Ðạo năm 1992 và nay tiếp tục bảo toàn Văn phòng 2 Viện Hoá Ðạo theo cơ chế mới trong công cuộc giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.
Hiển nhiên cũng có những phản ứng chống lại Giáo chỉ số 9 đến từ một số chư Tăng và Cư sĩ vốn có chân hoặc có chức vụ trước kia trong GHPGVNTN Hải ngoại. Tôi dùng chữ “ trước kia ”, là vì họ không còn ở trong GHPGVNTN nữa. Dù rằng họ tiếp tục tuyên bố họ thống thuộc GHPGVNTN, tôn kính hai ngài lãnh đạo tối cao là Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hoá Ðạo; nhưng lại xác nhận là “họ không khâm tuân Giáo chỉ số 9 ”. Tuyên bố như vậy thì khác gì một công dân Úc nào đó nói rằng tôi tôn kính Thủ tướng Úc nhưng tôi không chấp nhận luật pháp và Hiến pháp Úc Châu?! Những cá nhân nào, dù là Tăng, dù là Cư sĩ hoặc nhân danh Giáo hội một châu hay một quốc gia nào ở hải ngoại tuyên bố như trên, là tự họ đặt họ ra ngoài khuôn khổ của GHPGVNTN. Một Giáo hội dân lập và lịch sử như GHPGVNTN cũng không thể chấp nhận trong hàng ngũ mình những thành viên vô kỷ luật và đi sai đường hướng, lập trường của Giáo hội.
Hỏi: Thưa Ông, tại sao có những vị chống Giáo chỉ số 9, nhưng vẫn tự đặt họ vào trong khuôn khổ của GHPGVNTN, hơn nữa còn tôn kính Ðức Tăng thống và Ðại lão Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Ðạo?
Ô. VVA: Dễ hiểu thôi, uy tín của hai ngài lãnh đạo GHPGVNTN rất lớn, trong lòng quần chúng Phật tử trong và ngoài nước cũng như trong chính giới và công luận quốc tế. Mặt khác GHPGVNTN là giáo hội bất khuất không bái lạy chế độ Cộng sản, lại còn kiên cường đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ suốt 33 năm qua, nên được mọi tầng lớp nhân dân và các tôn giáo bạn vị nể. Những người nói trên đây đang sống giữa Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản và thụ hưởng sự cúng dường của đàn na tín thí. Do đó, họ phải dựa hơi vào GHPGVNTN để được an toàn và phát triển chùa viện của họ, mong tránh việc tẩy chay của đồng bào thuộc phe dân tộc, dù lập trường họ đã đổi thay và họ chủ trương thủ tiêu tranh đấu. Cho nên vấn đề chống Cộng của họ chỉ là việc màu mè. Ví du, bản thân tôi từng chứng kiến cho thấy sự màu mè này, 33 năm trước đây tôi đến gặp một nhà sư ở Paris mong cầu sư đứng lên đấu tranh giải nguy cho Giáo hội trong nước. Thời ấy ông đang phục vụ cho Sư Ông Nhất Hạnh. Sư trả lời với tôi rằng: “Tôi nay chỉ lo việc đạo thôi, không muốn dính gì đến việc thế sự ”. Thế rồi một vài năm sau, phong trào Người Vượt Biển dồn dập đến Pháp. Ða số là Phật tử không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị. Thời ấy Paris chỉ có 2 ngôi chùa, một ngôi chùa tuyên bố không làm chính trị, trong nghĩa không tham gia đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo, nên bị đa số quần chúng Phật tử lãnh đạm không đến sinh hoạt. Nhân đấy mà vị sư tôi vừa nói bỗng nhảy ra hoạt động hăng hái rồi trở thành vị sư “ đệ nhất chống Cộng ” ở Paris. Hiển nhiên là quần chúng Phật tử đã đông đảo đến sinh hoạt và ủng hộ xây dựng ngôi chùa của vị sư này. Chùa phát triển lớn vào bậc nhất, nhưng nay vị sư cũng dần dà “đấu tranh” theo lối xuân thu nhị kỳ, dần dà trở về vị trí của câu ông đáp lời mời gọi của tôi 33 năm trước.
Những người chống Giáo chỉ số 9 là ai? Họ gồm có: 8 vị Hoà thượng ở Hoa Kỳ vừa họp Ðại hội để ly khai GHPGVNTN và cho thành lập tổ chức mới mang tên “Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ”; tại Canada có tổ chức của Thượng toạ Thích Bổn Ðạt - Thích Tâm Hoà; tại Úc có một số chư Tăng do Thượng toạ Thích Quảng Ba bảo lãnh sang Úc, tập trung tại một ngôi chùa ở ngoại ô Sydney. Công tác của nhóm nhà sư này là ngày ngày tung qua nhiều địa chỉ Email lên mạng Internet phổ biến các tài liệu giả, các bài nặc danh đánh phá GHPGVNTN, bất kính với hàng lãnh đạo Giáo hội và tập trung chĩa mũi dùi mạ lỵ và vu khống Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hòng gây hoang mang và ly gián trong Cộng đồng đấu tranh của Người Việt nước ngoài.
Tại sao tuyên bố mình vẫn là thành viên GHPGVNTN, lại thành lập tổ chức có danh xưng khác? Câu hỏi có thể tìm thấy ở các thành viên được trọng vọng trong tổ chức “ Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ” thường đi đi về về Việt Nam và đã liên hệ với nhà cầm quyền Cộng sản, như 3 Hoà thượng Thích Giác Nhiên, Thích Minh Tuyên, Thích Phước Thuận và hai Cư sĩ Bùi Ngọc Ðường, Trần Quang Thuận. Là người dân chủ, tôi tôn trọng sự chọn lựa chính trị của 5 vị này, họ có toàn quyền theo hay không theo, liên hệ hay không liên hệ với chế độ Cộng sản. Tuy nhiên tôi đòi hỏi ở họ sự lương thiện trí thức. Hãy công khai nói lên chính kiến của mình, hãy mở cuộc tranh luận ý kiến, thay vì ẩn nấp vào các sự kiện thuần tuý Phật giáo để trí trá viết hay cho viết hàng chục bài nặc danh chửi bới hồ đồ, vu cáo trắng trợn thông qua cái gọi là nhóm Tăng Ni Hải Ngoại. Có tranh luận mới làm sáng tỏ vấn đề, và biết đâu họ không khai thị cho người khác bước theo con đường thoả hiệp Cộng sản của họ, nếu họ có lý và có chiến lược phát huy đạo Phật Việt Nam dưới mái nhà tù Cộng sản?
Sở dĩ chúng tôi không trả lời các sự đánh phá và bôi nhọ này, đặc biệt đến từ các E.mail của ngôi chùa ở Úc nói trên và nhóm Tăng Ni Hải ngoại, là vì hai lý do. Chúng tôi không trả lời cho những kẻ thiếu can đảm bảo vệ ý kiến họ khi không dám ký tên thật và địa chỉ thật dưới bài viết. Trả lời các bài viết nặc danh khác chi đối đáp với những cô hồn vất vưởng? Lý do thứ hai, là các bài viết ấy với lý luận hồ đồ, ngôn ngữ xỏ xiên, mà mục tiêu đánh phá y hệt các bài viết đăng trên các báo Công An, An Ninh Thế giới, Nhân Dân, Quân Ðội Nhân dân... của Ðảng Cộng sản đánh phá GHPGVNTN, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ và tôi, Võ Văn Ái, mà chúng tôi đọc được qua hàng trăm bài từ 1977 đến nay. Hãy so chiếu ngôn ngữ, lý luận, mục tiêu của hai loại bài viết nặc danh này tất thấy ngay chúng phục vụ ai và chúng muốn gì. Chắc chắn là không phục vụ cho dân tộc và không muốn cho đạo Phật phát huy.
Hỏi : Ðược biết, Thượng Tọa Thích Quảng Ba là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, và là Phó Hội Chủ Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Ðại Lợi-Tân Tây Lan. Ngoài ra, theo lời của chính Thượng Tọa TQB thì Thượng Tọa cũng còn giữ vai trò trong Phòng 2 Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN. Nhưng trong Thông Cáo Báo Chí làm tại Paris ngày 17 tháng 3 năm 2008, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế có đề cập đến một tài liệu giả mạo, trong đó xác nhận có nhiều tên tuổi [trích nguyên văn] “trong danh sách giả mạo gồm 52 Tăng Ni có nhiều vị không được Viện Hoá Ðạo trong nước công nhận, như trường hợp Thượng toạ Thích Quảng Ba là một”. Xin ông cho biết rõ lý do vì sao, Thượng Toạ Thích Quảng Ba lại không được Viện Hóa Ðạo trong nước công nhận?
Ô. VVA: Chiếu theo Quyết định số 38/VHÐ/QÐ/VT do Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hoá Ðạo, ký ngày 9.3.2008 phê chuẩn thành viên nhân sự Hội Ðồng Giáo Phẩm và Hội Ðồng Ðiều Hành GHPGVNTNHN tại Úc châu và Tân Tây Lan, thì Thượng toạ Thích Quảng Ba không còn giữ một chức vụ gì cả.
Thượng toạ Thích Quảng Ba chưa bao giờ có tên hay giữ một vai trò gì trong Văn phòng 2 Viện Hoá Ðạo chiếu theo danh sách nhân sự Văn phòng 2 Viện Hoá Ðạo được Viện Hoá Ðạo hay Hội đồng Lưỡng Viện trong nước phê chuẩn.
Muốn được Viện Hoá Ðạo trong nước phê chuẩn cho một vị Tăng hay Cư sĩ vào một chức vụ thuộc GHPGVNTN, thì vị này phải là thành viên trung kiên của GHPGVNTN, đồng thời khâm tuân đường lối, lập trường của GHPGVNTN chiếu theo Hiến chương của GHPGVNTN, bản tu chính ngày 12.12.1973, và các văn kiện của Giáo hội do hàng lãnh đạo tối cao công bố từ sau năm 1975 đến nay, như các văn kiện của Ðức Cố Ðệ Tam Tăng thống, Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hoá Ðạo.
Hỏi: Trong phiên họp ngày 15-12-1999, LHQ đã chính thức thừa nhận Lễ Tam Hợp là Ðại lễ Phật Ðản LHQ, ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới. Vậy thưa Ông, Lễ Tam Hợp có nguồn gốc từ đâu? Ý nghĩa của Lễ Tam Hợp là gì? Nguyên nhân nào khiến LHQ lại chính thức thừa nhận Lễ Tam Hợp là Ðại Lễ Phật Ðản LHQ?
Ô. VVA : Trước hết xin giải thích chữ Tam hợp trong thành ngữ Lễ Phật Ðản Tam hợp. Ba ngày trọng đại trong cuộc đời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Niết Bàn (tức ngày viên tịch). Cả ba ngày này đều rơi vào ngày Trăng tròn. Ðại lễ ngày đản sinh hay khánh đản Ðức Phật, tiếng Phạn gọi Vesak, là ngày Rằm tháng Tư âm lịch, rơi vào tháng 5 dương lịch, được kết hợp với 2 ngày Rằm kia nên gọi là Tam hợp, tức hợp nhất 3 ngày Rằm trong cuộc đời viên mãn của Ðức Phật Thích Ca.
Có người đã nói sai rằng một vị sư người Mỹ đề xuất Liên Hiệp Quốc công nhận lễ Vesak như một đại lễ quốc tế.
Không phải thế, người đề nghị qua một dự thảo Nghị quyết “Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và qua các văn phòng liên hệ (United Nations Day of Vesak)” (văn bản số A/54/L.59) do ông John De Saram, Ðại sứ nước Sri Lanka đệ trình trong phiên họp khoáng đại tại trụ sở LHQ ở New York ngày 15.12.1999. Ðại sứ Sri Lanka kêu gọi Hội đồng LHQ công nhận ngày Vesak là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo, và cho phép được công khai hành lễ tại trụ sở LHQ và các trung tâm LHQ trên thế giới. Ông cũng cho biết đại diện các nước Hy lạp, Mauritius, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ bản dự thảo này.
Ðại diện của nhiều quốc gia phát biểu hỗ trợ dự thảo Nghị Quyết trong phiên họp khoáng đại gồm có Thái Lan, Singapore, Bangladesh, Bhutan, Tây Ban Nha, Miến Ðiện, Nepal, Pakistan, Ấn Ðộ, Lesotho, Nicaragua, Hoa Kỳ.
Lời phát biểu hỗ trợ của Singapore rất có ý nghĩa khi bà Ðại sứ Christine Lee nói rằng “công nhận lễ Vesak là một việc làm thích hợp nhằm tôn vinh Ðức Phật. Ðây là một trong bốn ngày lễ chính tại Singapore là nơi một phần ba dân số là Phật tử”. Bà còn nhấn mạnh rằng dự thảo Nghị quyết phù hợp với Nghị quyết của Ðại hội đồng LHQ lấy năm 2000 làm năm quốc tế Văn hoá Hoà bình và thập kỷ 2001 - 2010 là thập kỷ quốc tế về Văn hoá Hoà bình cho Thiếu nhi toàn cầu. Dự thảo Nghị quyết này còn mở đường cho năm 2001 là Năm Ðối thoại giữa các nền văn minh”.
Ðại sứ Tây Ban Nha, ông Juan Luis Flores, thì phát biểu rằng nước ông là một thành viên hỗ trợ Dự thảo Nghị quyết, và tin rằng “LHQ là một nghị trường để các tôn giáo và các nền văn hoá lớn gặp gỡ và hội thoại”.
Ðại sứ Ấn Dộ, ông Kamalesh Sharma, nói rằng “Phật giáo tác động lớn lao vào các giá trị tâm linh, luân lý, đạo đức của thế giới, rất xứng đáng để Hội đồng LHQ công nhận và tôn vinh ngày Vesak. Lời dạy tinh tuý của Ðức Phật tác động lên đời sống hàng triệu người trên thế giới mang lại niềm hy vọng và giải thoát”.
Nghị quyết được chấp thuận thông qua trong phiên họp cùng ngày 15.12.1999.
Hỏi: Từ khi được LHQ chính thức công nhận cho đến nay, Ðại Lễ Phật Ðản LHQ đã được tổ chức như thế nào, ở đâu?
Ô. VVA : Năm đầu tiên, 2000, Ðại lễ Phật Ðản Tam hợp được chính thức tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York. Sau đó tổ chức ở Mumbai (Ấn Ðộ), và 3 lần liên tục diễn ra ở Bangkok (Thái Lan).
Năm nay, 2008, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vì lý do tuyên truyền đăng cai xin tổ chức tại Việt Nam từ ngày 13 đến 17.5.2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Ðình (Hà Nội).
Hỏi: Thưa Ông, chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa vô thần. Cộng sản với tôn giáo trái ngược nhau như nước với lửa. Thực tế lịch sử xuyên suốt thời gian ngót một thế kỷ qua cũng cho thấy, bất cứ nơi đâu có chế độ cộng sản, cũng có đàn áp dã man tôn giáo. Cụ thể, tại Việt Nam, kể từ khi chế độ CS được thiết lập tại Miền Bắc vào năm 1954, tại Miền Nam vào năm 1975, chế độ CS đã không ngừng đàn áp, khủng bố, sách nhiễu tôn giáo, trong đó có Phật Giáo. Như vậy, ngày 17/5/2007, khi bộ ngoại giao CSVN gửi công hàm số 241 xin chính phủ Thái và Ban Tổ Chức Quốc Tế, cho CSVN đăng cai Ðại Lễ Phật Ðản LHQ vào tháng 5 năm nay, thì cộng sản VN đã có âm mưu gì?
Ô. VVA: Như đã nói, việc nhà cầm quyền Hà Nội đăng cai tổ chức Ðại lễ Phật Ðản chỉ nhằm vào việc tuyên truyền cho chế độ độc tài toàn trị và độc đảng mà thôi. Mục đích nhằm che đậy chính sách đàn áp Giáo hội dân lập và lịch sử là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), phô trương cho các nước Âu Mỹ thấy rằng không có đàn áp tôn giáo tại Việt Nam hoặc đã có thay đổi trong chính sách tôn giáo tại Việt Nam.
Ai mà tin được sự kiện một chế độ vô thần, phi tôn giáo và đàn áp tôn giáo lại tôn vinh Ðức Phật nhân ngày Khánh đản? Tệ hơn, sao lại có sự kiện tôn vinh Ðức Phật, đồng thời với việc đàn áp GHPGVNTN? đàn áp 20 Ban Ðại diện GHPGVNTN tại các tỉnh thành miền Trung và miền Nam? Ðàn áp những Trưởng tử của Ngài, như hàng giáo phẩm Phật giáo và Phật giáo đồ trong nước, đặc biệt là Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Ðại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hoá Ðạo hiện đang bị quản chế khắt khe tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh, và Thanh Minh Thiền viện ở Saigon?
Sự thật là Sri Lanka đã phản đối việc đăng cai tổ chức của Việt Nam. Trên tờ Giác Ngộ số Xuân Mậu Tý của Giáo hội Phật giáo Nhà nước, Phóng viên hỏi Giáo sư Lê Mạnh Thát rằng: “Chúng ta có gặp phải sự phản đối nào trong quá trình vận động để trở thành nước đăng cai Ðại lễ Phật Ðản LHQ 2008?”
Ông Thát cho biết một vị sư đại diện Sri Lanka không đồng tình vì đặt vấn đề: “Việt Nam có phải là một đất nước Phật giáo không để có thể nhận được quyền đăng cai tổ chức Ðại lễ Phật Ðản LHQ 2008?”
Chắc chắn giáo sư Lê Mạnh Thát đã dựa vào “hào quang án tử hình năm xưa” để bênh vực cho Việt Nam Cộng sản được đăng cai. Ông Thát còn cầu cứu cả Hoa Kỳ để hỗ trợ cho luận điểm của ông khi khẳng định rằng: “Thống kê của Mỹ cho thấy rằng Việt Nam hiện có 60-70% là Phật tử. Như vậy rõ ràng Việt Nam xứng đáng được nhận quyền đăng cai này”.
Theo tin riêng tôi được biết, thì đang có sự lủng củng nội bộ trong Văn phòng Ban Thư ký Uỷ ban tổ chức Quốc tế (IOC). Văn phòng này được đặt vĩnh viễn tại trường Ðại học Mahachulalongkorn, Bangkok. Lý do là vì nhà cầm quyền Hà Nội xen lấn, áp đặt chính trị quá nhiều vào Ðại lễ Phật Ðản sắp tới gây bất mãn cho nhiều quốc gia thành viên trong Uỷ ban tổ chức Quốc tế Ðại lễ Phật đản (IOC), nhất là Nhật Bản. Cho nên, Ðại lễ Phật Ðản LHQ 2008 sẽ được cử hành song song tại Bangkok và Hà Nội, chứ không tổ chức duy nhất tại Hà Nội, như các năm trước tổ chức duy nhất tại New York (Hoa Kỳ), Mumbai (Ấn Ðộ) rồi Bangkok (Thái Lan).
Hỏi: Nhìn vào thành phần nhân sự, cơ cấu tổ chức cũng như mục tiêu của Ðại Lễ Phật Ðản LHQ năm nay tại VN, có gì đặc biệt chứng tỏ có CSVN đã chính trị hóa Ðại Hội, thưa Ông?
Ô. VVA: Theo cuộc họp báo ngày 27.11.2007 tại Hà Nội, thì Ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ làm Trưởng ban Ðiều phối Quốc gia Ðại lễ VESAK 2008 của Liên hợp quốc, tức nhà cầm quyền Cộng sản thống lĩnh tổ chức chứ không là Phật giáo, kể cả Phật giáo quốc doanh. Ông Doanh cho biết “Chủ trì các Tiểu ban Tuyên truyền, An ninh, Tài chính - Hậu cần (cho Ðại lễ Phật Ðản) là các cơ quan Nhà nước”. Trong khi ấy, theo Thông bạch Hướng dẫn tổ chức Ðại lễ Phật Ðản LHQ 2008 phát hành ngày 7.1.2008 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước, thì Giáo hội Phật giáo Nhà nước chỉ đóng vai trò phụ thuộc: “Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự GHPGVN hướng dẫn việc tổ chức Ðại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008”.
Cũng theo tuyên bố tại phiên họp liên tịch sáng ngày 10.3.2008 tại Saigon giữa Ban Ðiều phối quốc gia (Nhà cầm quyền Hà Nội), Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Nhà nước và Thường trực Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) nhằm đúc kết các công tác phối hợp và tổ chức Ðại lễ Phật đản LHQ 2008, thì có những điều sau đây cho thấy bàn tay Ðảng chính trị hoá Ðại lễ Phật đản:
Giáo sư Lê Mạnh Thát cho biết “các đề án tổng thể và chi tiết tổ chức đã được hoàn tất và đệ trình Chính phủ”. Nghĩa là việc tổ chức không nằm trong phạm vi Phật giáo, mà là nhà cầm quyền Cộng sản. Trong tư cách Trưởng Tiểu ban Lễ tân - Giao tế, Giáo sư Lê Mạnh Thát cho biết “sẽ phối hợp cùng Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và sinh viên Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đảm trách việc tiếp đón và hướng dẫn khách trong thời gian tham dự Ðại lễ”. Nghĩa là việc gì Ðảng cũng nhúng tay vào. Theo số liệu Nhà nước cho biết thì số lượng Tăng Ni lên đến bốn chục nghìn, Phật tử thì hàng chục triệu, nhưng lại không đủ người đảm đang việc “tiếp và hướng dẫn khách” nhân dịp Ðại lễ Phật Ðản! Vì vậy mà phải nhờ Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đảm trách chăng? “Nhờ” hay theo lệnh Ðảng buộc phải chấp nhận?
Trong cuộc họp liên tịch nói trên, lủng củng trong việc tổ chức bắt đầu manh nha, nếu ta nghe lời phát biểu sau đây của HT. Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Nhà nước, Trưởng Tiểu ban Nội dung của Ðại lễ Phật Ðản:
“Hiện nay, Tiểu ban Nội dung do tôi làm Trưởng ban đã và đang tiến hành soạn thảo đề án tổng thể, các đề án chi tiết, các bài phát biểu liên quan đến Ðại lễ Phật đản và Hội thảo... Tất cả các văn kiện sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3 trình Ban Ðiều phối Quốc gia (tức Nhà cầm quyền CS, chúng tôi chú) để thống nhất nội dung, trước khi được sử dụng. Riêng cá nhân tôi có những nhận xét như sau:
“Thái Lan là nước có kinh nghiệm tổ chức Ðại lễ Phật đản LHQ từ nhiều năm. Các khách mời tham dự được tăng cường sau mỗi năm. Việt Nam lần đầu tổ chức với số lượng 90 quốc gia là điều rất đáng mừng nhưng cũng rất lo ngại về các khâu tổ chức.
“Thế nhưng hiện nay, Ủy ban Tổ chức quốc tế, Ban Ðiều phối Quốc gia (tức Nhà cầm quyền CS, chúng tôi chú) và Gíao hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước, chúng tôi chú) vẫn chưa phối hợp nhịp nhàng. Có một số nhập nhằng giữa ba phía chưa được thống nhất nên công việc không thông lắm. Do đó chúng tôi đề nghị giữa Ban ÐPQG, IOC và GHPGVN phải phối hợp chặt chẽ, đoàn kết nhất trí trong điều phối công việc”.
Hỏi: Thưa Ông, quan điểm của GHPGVNTN về Ðại lễ Phật Ðản LHQ 2008 tại Hà Nội như thế nào?
Ô. VVA: Dù tổ chức ở bất cứ đâu hay tại quốc gia nào, Ðại lễ Phật Ðản phải do chư Tăng Ni, Phật tử của quốc gia ấy đứng ra đảm nhiệm và điều hành. Cũng thế, kỵ giỗ Ông Bà là trách nhiệm của con cháu. Chả lẽ ông Lý trưởng làng thôn, hay Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân lại đứng ra chủ trì cúng kiến thay con cái sao?!
Ðại lễ Phật Ðản là đại lễ tôn giáo, không thể để cho bất cứ tập đoàn chính trị nào thao túng để “buôn thần bán thánh”. Nền tảng của Lễ là tấm lòng thành.
Tập đoàn Cộng sản Việt Nam là những tên đồ tể tế sống hàng triệu người Việt trên bàn thờ Mác - Lênin - Staline thông qua cuộc chiến thừa sai với mục tiêu xích hoá con Rồng cháu Tiên, thông qua Cải cách Ruộng đất và Mậu Thân 68, thì làm sao có đủ tấc lòng thành để lễ bái Ðức Phật?
Ngoại trừ trước ngày Phật Ðản, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam công khai lên tiếng xin SÁM HỐI với toàn dân về sự thảm sát dân lành và khủng bố sĩ phu của đất nước, cam kết sẽ tôn trọng Nhân quyền cho 85 triệu người sống, Linh quyền cho hàng triệu người chết oan. Ðặc biệt phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hoàn trả mọi tài sản và cơ sở mà Cộng sản đã cưỡng chiếm của Giáo hội sau năm 1975, và trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo, tù nhân vì lương thức và tù nhân chính trị.
Hỏi: Những năm gần đây, nhìn vào những diễn biến của Phật Giáo tại VN, nhiều người lo ngại khi thấy có những nhân vật tên tuổi chống CS của thuở nào như thiền sư Lê Mạnh Thát, Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ... nay đã quy phục nhà nước, tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do đảng CSVN giật dây). Nhóm Thân Hữu Già Lam thì cho rằng, sự quy phục này là “trá hàng VC để làm văn hóa, hoằng pháp”. Ông nghĩ sao về điều này? Liệu những nhà lãnh đạo tinh thần nói chung, Phật Giáo nói riêng, có cần phải trá hàng CS để làm văn hóa, hoằng pháp đạo giáo hay không, thưa Ông?
Ô. VVA: Chính trị thường trí trá. Vì chính trị mà có người lòn trôn. Nhưng tôn giáo thì không. Ðó là một lẽ. Lẽ khác, “trá hàng ” mà tuyên bố mình trá hàng thì ngu và dốt quá. Ðảng Cộng sản Việt Nam rất dốt về quản lý đất nước, rất bội bạc về nhân nghĩa, rất lưu manh về hứa hẹn, nhưng rất giỏi về tình báo và công an trị. Ở lĩnh vực này, Cộng sản giỏi vào bực thầy của “thiền sư Lê Mạnh Thát, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ... hay Nhóm Thân Hữu Già Lam”, thì làm sao các người này qua mặt được Cộng sản?!
Sống và chứng kiến bao nhiêu cảnh đổi dời lố lăng, như trường hợp một ông cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hoà từng gào kêu “ Bắc tiến ” và “ giết tới tên Cộng sản cuối cùng”, nhưng nay y về nước xin quy hàng Cộng sản, thì có việc gì không thể xẩy ra nơi cõi Sa bà này? Thuật ngữ Phật giáo diễn tả sự đời ấy bằng hai chữ: Vô thường.
Phải là Thiền sư thật, Ðạo sư thật, phải là Bồ Tát thật, thì mới thoát ly khỏi vô thường.
Hỏi: Từ khi CSVN giật dây thành lập Giáo Hội Phật Giáo VN (GHPGVN), dư luận trong và ngoài nước vẫn coi GHPGVN là một tổ chức Phật giáo quốc doanh, tiếp tay CS. Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Quảng Ba thì lại cho rằng, GHPGVN đã có công duy trì Phật pháp, và nếu không có GHPGVN thì mấy chục năm qua, Phật giáo tại VN sẽ bị suy sụp hoàn toàn. Cụ thể là trong cuộc phỏng vấn của đài SBS do Ngọc Hân thực hiện, phát thanh ngày 28 tháng 5 năm 2007, Thượng Tọa Thích Quảng Ba nói [trích nguyên văn]: “Dù là chính quyền VN lập ra GHPGVN nhưng mà [CS] luôn luôn chèn ép, luôn luôn gây áp lực, luôn luôn gây khó khăn trong rất nhiều lãnh vực và lần lần bị tháo gỡ lần lần ra được lỏng lẻo hơn, được cởi mở hơn là nhờ cái sức tranh đấu của GHPGVNTN. Cho nên một giáo hội duy trì Phật pháp, một giáo hội chỉ trích chính quyền để cho chính quyền lỏng tay với Phật giáo nói chung. Ðây là một sự hợp tác không thành văn và không có văn bản, không có họp hội. Nếu không có PGVNTN thì dĩ nhiên GHPGVN cũng không được sinh hoạt tốt đẹp một cách tạm thời, tương đối như hiện nay. Còn nếu không có GHPGVN, chỉ có GHPGVNTN trong tù tội không thôi đó thì chùa chiền tăng ni phật tử trong mấy chục năm qua cũng đã suy sụp hoàn toàn và không có cái sinh hoạt gì gọi là phật giáo hết.” [hết trích]. Thưa Ông nghĩ sao về luận điệu này?
Ô. VVA: Quý báo dùng hai chữ “luận điệu ” là đã gói ghém hết nội dung tinh thần của người phát biểu. Thượng toạ Thích Quảng Ba có quyền nhận định như trên trong tư cách cá nhân, nhưng ông không đại biểu cho lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ở trên, quý báo nói rằng: “dư luận trong và ngoài nước vẫn coi Gíao hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo quốc doanh, tiếp tay Cộng sản ”.
Ðây không chỉ là dư luận mà là một thực tại.
Ông Ðỗ Trung Hiếu, một cán bộ tôn giáo cao cấp của Ðảng Cộng sản, được các ông Xuân Thủy rồi Nguyễn Văn Linh và Trần Quốc Hoàn trực tiếp giao phó nhiệm vụ “thống nhất Phật giáo” đầu năm 1979 với chức Chính ủy của Ðoàn Công tác thống nhất Phật giáo Việt Nam, mà thành quả đưa tới sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Nhà nước) ngày 4 tháng 11 năm 1981 tại Hà Nội.
Sau này vì hối hận, ông viết tài liệu “Thống nhất Phật giáo” 50 trang đánh máy, khổ A4. Ông Hiếu viết xong và đề ngày “Phật Ðản 2538, ngày 15.4 Giáp Tuất (25.5.1994)”. Tài liệu tiết lộ tất cả sự thật của cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (xem toàn văn trên tạp chí Quê Mẹ số 133, Paris, 1995).
Qua tập tài liệu, ông Ðỗ Trung Hiếu cho biết chi tiết tên tuổi từ các vị lãnh đạo Ðảng đến hàng giáo phẩm cao cấp Phật giáo, theo hoặc chống, trong quá trình thống nhất Phật giáo do Ðảng chủ trương sau ngày cưỡng chiếm miền Nam năm 1975.
Chủ trương của Trung ương Ðảng và Ban Dân vận Trung ương về vấn đề thống nhất Phật giáo là:
“Nội dung đề án là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (...)Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (...)Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội”.
Ông Hiếu nhận định về sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nhà nước) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4.11.1981, như sau:
“Thực sự đại biểu là giữa Phật giáo của ta và GHPGVNTN. Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đều là đại biểu dự Ðại hội, trong đó đại biểu của ta đa số. Chín tổ chức và hệ phái Phật giáo, GHPGVNTN là một, còn lại tám với những danh nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều hoặc là ta hoặc là chịu sự lãnh đạo của Ðảng”. (...)“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này bên ngoài do các hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một TỔ CHỨC BÙ NHÌN CỦA ÐẢNG (chúng tôi nhấn mạnh)”.
(...)“Việc thống nhất Phật giáo Việt Nam theo tôi biết, Ðảng chủ trương thống nhất Phật giáo của ta với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) khối Ấn Quang. Phật giáo của ta là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (HPGTNVN) và Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước (BLLPGYN) ở miền Nam. Ở miền Bắc, phật tử đã vào các đoàn thể quần chúng hết rồi, chỉ còn những cụ già đi lễ bái ở chùa ngày rằm, mồng một, theo tục lệ cổ truyền. Sư tiêu biểu thật hiếm. Cụ Trí Ðộ đã luống tuổi, quanh đi quẩn lại vẫn cụ Phạm Thế Long, nhưng khả năng đức độ của cụ ảnh hưởng trong nước và quốc tế hạn chế. BLLPGYN có khá hơn một tí. Cụ Minh Nguyệt (đảng viên cộng sản, theo ô. Hiếu) có thành tích ở tù 15 năm Côn Ðảo, cụ Thiện Hào (đảng viên cộng sản, theo ô. Hiếu) có thành tích đi kháng chiến, nhưng điều phật tử cần ở nhà Sư, cả hai cụ đều hạn chế.
“GHPGVNTN khối Ấn Quang là một tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng mang tính xã hội chính trị có màu sắc dân tộc, thu hút đông đảo quần chúng và có uy tín trên thế giới, nhiều nhà sư tài giỏi. Nếu thống nhất theo Kiến nghị của cụ Ðôn Hậu, có nghĩa là giải thể BLLPGYN, sát nhập HPGTNVN vào GHPGVNTN và chịu sự lãnh đạo của họ. Như thế GHPGVNTN phát triển ra toàn lãnh thổ Việt Nam chứ không chỉ ở miền Nam như trước năm 1975.
“Quan trọng là Ðảng không bao giờ lãnh đạo được GHPGVNTN, mà ngược lại GHPGVNTN trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Ðảng và chính phủ Việt Nam.
“Thống nhất theo dự án của ban Tôn giáo chính phủ chưa ổn lắm, vì chung qui cũng đưa các cụ ở HPGTNVN và BLLPGYN xách cặp cho GHPGVNTN mà thôi”.
Ðọc xong các tiết lộ của ông Ðỗ Trung Hiếu trên đây, mà còn nghĩ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) có thể đóng một vai trò nào đó cho nền Phật giáo dân tộc ngoài vai trò tay sai chính trị, khuyển mã cho Ðảng, thì chỉ có thể phát xuất từ hai loại người : Một là ngây thơ, hai là cò mồi cho Cộng sản. Xin nói ngay tôi không chụp mũ cho ai cả. Vì rằng, đối với tôi và thực tế lịch sử đã minh chứng, là có những người không là đảng viên Cộng sản, nhưng ăn nói, suy nghĩ hay hành động lại phục vụ cho Cộng sản còn hơn đảng viên Cộng sản. Chỉ là vấn đề trí tuệ.
Cần nói thêm rằng, vì viết tài liệu nói trên mà ông Ðỗ Trung Hiếu bị 18 tháng tù giam tại trại Xuân Lộc.
Hỏi: Cũng trong buổi phỏng vấn đó của đài SBS, Thượng Tọa Thích Quảng Ba còn kêu gọi, [trích nguyên văn]: “Tăng ni phật tử hải ngoại dù là giáo hội nào hay không giáo hội nào, cũng luôn luôn yểm trợ những sinh hoạt của Phật giáo trong nước cho dù là sinh hoạt đó cuả Giáo Hội Thống Nhất điều hành hay là GHPGVN điều hành” [hết trích]. Thưa Ông, lời kêu gọi này nguy hiểm ở chỗ nào?
Ô VVA: Nguy hiểm ở sự ba phải và nhập nhằng trong một Cộng đồng Người Việt Tị nạn vốn rất minh bạch về luận điểm dân tộc và tôn giáo trước chế độ độc tài toàn trị gian manh, phi tôn giáo, chống tôn giáo và chống con người.
Chân thành cảm ơn thì giờ quý báu cùng tâm huyết của Ông.
SAIGON - TIMES