Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Bậc Thánh Tăng Siêu XuấtGiữa bối cảnh của một Việt Nam đầy nhiễu nhương thống khổ, hết chiến tranh ý thức hệ đến nạn độc tài Cọng sản, bậc Thánh Tăng thạc đức đã xuất hiện, bậc thánh Tăng thạc đức đó chính là đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang. Ngài đã không chỉ là một thánh Tăng mà còn là ngọn hải đăng giữa đêm dài lịch sử, một biểu tượng ngời sáng cho công cuộc vận động tự do, dân chủ và nhân quyền. Cả đời, Ngài đã đánh đổi sự tự do cá nhân để mưu tìm nền hoà bình và tự do đích thực cho dân tộc và thế giới nhân loại.
Bằng một đạo phong dung dị, từ hòa, an nhẫn nhưng rất cương dũng, Ngài chưa bao giờ biết lùi bước trước chướng duyên, thách đố và hiểm nguy. Cọng Sản có thể nhốt tù Ngài nhưng họ không thể biến Ngài thành công cụ của chế độ.
Một cách dứt khoát, khi trực diện với thế lực vô minh manh động, Ngài khẳng khái minh thị:
“Phật giáo Việt Nam là một thực thể dân tộc. Từ bình minh của lịch sử Việt đã có đóng góp lớn trong việc dựng Nước, khai dòng văn hiến, có kế thừa sau trước, từ lịch đại Tổ sư đến các Bồ tát tử đạo, mà GHPGVNTN là sự truyền thừa chính thống và đại diện duy nhất của toàn thể quần chúng Phật tử Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, GHPGVNTN là thành viên sáng lập phong trào Phật giáo quốc tế tại Colombo, thủ đô Tích Lan, năm 1950 mang tên “Liên Hữu Phật Gáo Thế Giới”. Không một tổ chức Phật giáo nào khác, do tư nhân hay thế quyền thiết lập cho những mục tiêu sai khác với Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có thể thay thế hoặc điều khiển GHPGVNTN trong việc hướng dẫn Phật sự cho Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước và đại diện Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Hành động gần đây của Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCNVN, qua tay Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đối với Văn Phòng lưu vong Viện Hoá Đạo GHPGVNTN và Quyền Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, vừa phản hiến pháp, phi pháp luật, vừa vi phạm Công ước Quốc tế về Quyền Công dân và Quyền Chính trị của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước CHXHCNVN là thành viên và đã ký kết tôn trọng.
Đảng và Nhà nước CHXHCHVN phải khởi sự ngay tiến trình dân chủ hóa chế độ bằng cách để cho xã hội công dân hình thành, thông qua các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do lập hội … Một trong nững nét đặc điểm của nền văn minh Việt Nam là đức hạnh. Hai mươi thế kỷ qua, nhân dân Việt nam là một tổ họp của quần chúng có tín ngưỡng. Các lực lượng tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hiện tập trung đông đảo nhất các tầng lớp nhân dân, với khả năng vô song để thực hiện việc hoá giải thù hận và tái thiết đất nước sau 50 năm chiến tranh thừa sai cho cuộc tranh chấp lưỡng cực quốc tế. Do đó, đàn áp tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, là tiếp diễn cuộc chiến tranh lạnh lỗi thời, đồng lúc phá hoại tìm lực dựng xây tổ quốc. Phải chấm dứt ngay chính sách đàn áp GHPGVNTN”
[1]Trải qua biết bao gian khó, lúc âm thầm khi dũng liệt, Ngài không ngừng tận tuỵ hy hiến cho tiền đồ của đạo pháp, dân tộc và sinh loại. Những phẩm hạnh cao quý của một bậc thạc đức phạm hạnh đều có thể tìm thấy trong con người bình dị nhưng thoát tục của đức Tăng Thống Thích Huyền Quang.
Là một tù nhân lương tâm của nhiều chế độ, đặc biệt suốt trên ba thập niên dưới chế độ Cọng Sản, bất chấp mọi bất trắc, khủng bố, đe doạ, Ngài không ngừng lên tiếng về những bất công, độc tài, thối nát của một chủ nghĩa phi dân tộc và phản dân chủ. Ngài kêu gọi Cọng Sản hãy thành tâm sám hối trước quốc dân, đồng thời tôn trọng linh quyền của người chết và nhân quyền của người sống, “lấy ngày 30.4 làm ngày sám hối và chúc sinh toàn quốc, sám hối với người chết và chúc sinh người sống.”
[2]Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, Ngài không chỉ có những viễn kiến chân xác về mọi diễn biến phức tạp mà còn có những quyết định cương dũng, sáng suốt, giúp Giáo Hội vượt qua nhiều cạm bẫy do CSVN cài đặt và duy trì được mạng mạch của Giáo Hội cho đến ngày nay.
Đã có lúc Ngài sống đời sống hoàn toàn bị cô lập, một mình, đơn độc giữa một cánh đồng khô khốc, hoang vắng, lúc nào cũng có những cặp mắt công an theo dõi, canh chừng, nhưng trong hoàn cảnh cô độc đầy khó khăn như thế, Ngài đã tự chứng tỏ cách nổi bật đạo phong xuất chúng và tuệ giác siêu việt của đấng “tòng lâm thạch trụ”, đã liên tục cất lên tiếng nói đầy uy dũng trước bạo quyền, đã gìn giữ được “tổ ấn tông phong” cũng như sự có mặt cần thiết GHPGVNTN trong lòng dân tộc.
Để nêu bật bản hạnh siêu việt của Ngài, tờ Los Angeles Times đã đã viết, “[đức Tăng thống Thích Huyền Quang] là người đề xướng kiên cường cho tự do tôn giáo và nhân quyền” và đã dẫn lời của nhà đấu tranh nhân quyền Faulkner: “đức Tăng Thống Thích Huyền Quang là người mở đường [cho nhân quyền và dân chủ], đây là lý do vì sao nhà cầm quyền Việt Nam cách ly Ngài, gạt ngài khỏi các cuộc hoạt động. Nhưng Ngài vẫn bền bỉ đấu tranh cho đến giây phút cuối cùng.”
Cộng sản Việt Nam không ngừng tìm đủ mọi cách triệt hạ uy tín Ngài, nhưng họ càng triệt hạ, uy tín Ngài càng được nâng cao trên khắp năm châu.
Qua đời sống đạo hạnh, lợi tha của Ngài, rõ ràng Ngài đã tạo một phong cách riêng nhưng đồng lúc để lại một bài học chung vô giá đó là: Sống thiếu can đảm, không từ bi, vô trí tuệ là huỷ diệt sự sống, dù đang sống nhưng đã thật sự chết.
Đời sống của Ngài tự nó đã thật sự minh chứng đời sống của bậc thể nghiệm chân lý, vì hơn ai hết Ngài tri nhận lẽ vô thường biến dịch và tự tính vô ngã của muôn hữu nên, tù tội, chết chóc không thể ảnh hưởng, đe doạ và làm thay đổi tâm hạnh thượng cầu hạ hóa của bậc Thánh Tăng.
Bản thệ và công hạnh xuất trần bạt tục bất khả tư nghị của đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang đã để lại trong dòng lịch sử Phật giáo và dân tộc, đặc biệt trong mỗi trái tim chúng ta một dấu ấn hết sức đặc hữu.
Trước thực trạng khổ đau của đồng bào và nhân loại, với tâm từ bi vô lượng, Ngài đã thiết tha kêu gọi:
“Xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người. Chẳng ai thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử đang ngày đêm làm rối loạn thể chất thế nhân. Nhưng với người thực hành Bồ tát đạo, thì sinh, lão, bệnh, tử lại là phương tiện tỉnh giác tiến hành cho sự lợi ích và giác ngộ muôn loài.”
[3]Đối với thảm trạng tang thương của đất nước và suy vi của đạo pháp, đức cố Đệ Tứ Tăng Thống bi mẫn khuyến thị:
“Trong thời đại phân hóa, tranh chấp, thù hận, đổ vỡ hôm nay, Tứ chúng (tức Tăng, Ni, Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ) nơi ngôi nhà Phật giáo phải là hình ảnh treo gương cho sự hòa hợp, huynh đệ, yêu thương, xây dựng (...) Tôi xin kêu gọi Tứ chúng nhất tâm KHOAN HÒA và ÐỒNG NHẤT trước mối mâu thuẫn tranh chấp của thế nhân, như sự hiến cúng có ý nghĩa nhất trong ngày Phật Ðản. Vì từ sự hiến cúng này, mà con đường Hoằng dương Chánh pháp mới sẽ khai lộ từ quê hương Việt sang tới phương Tây. Do vậy, cần ý thức đến hiện trạng vong thân và vong quốc, hầu hiển lộ Pháp tánh giác ngộ và cứu khổ. Nhờ tính chất giác ngộ và cứu khổ mà Ðạo Phật vượt trên mọi biên thùy, vượt ngoài các dị biệt văn hóa, mở ra phương trời giải thoát cho mọi loài chúng sinh nơi tam thiên đại thiên thế giới.”
[4]Việt Nam chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất nước, dân tộc nghèo đói, lạc hậu, thiếu tự chủ, nhân quyền và tự do, các tôn giáo đang trong tình trạng bị khủng bố, đe doạ, cấm cản, đặc biệt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang trong tình trạng bị bức hại, hơn bất cứ lúc nào, lời kêu gọi của đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang càng được triệt để phát huy và ứng dụng.
Tưởng niệm đến ân đức sâu dày của đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang chúng ta không chỉ thuần tuý tán dương công hạnh của Ngài, mà điều quan trọng là, làm thế nào, chúng ta quyết tâm hơn nữa, nỗ lực làm sống dậy tinh thần từ bi, vô uý, bất khuất mà khi còn sinh tiền đức cố Đệ Tứ Tăng Thống đã thể hiện, càng quan trọng hơn nữa là, bằng mọi cách, hậu thuẫn Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, đồng thời hết lòng tranh đấu để giải trừ quốc nạn và pháp nạn nhất là kế thừa xứng đáng bản hoài vị tha vô ngã mà bậc thánh Tăng đã hiển thị.
Trong tinh thần biết ơn và báo ân sâu xa, chúng con nguyện tích cực dấn thân nhằm đền đáp phần nào trong muôn một ân đức giáo dưỡng, hoằng hóa sâu dày của Ngài, cúi xin giác linh đức Đệ Tứ Tăng Thống thuỳ từ chứng giám và gia hộ cho chúng con.
Hậu học
Thích Viên Lý
[1] Tuyên Cáo giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn
[2] Thư gởi các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, ngày 21.4.2000
[3] Thông Điệp Phật Đản Pl 2552
[4] Thông Điệp Phật Đản PL 2548