Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam mở cuộc vận động một tuần lễ tại Quốc hội Châu Âu và điều trần về vấn đề Nhân quyền Việt Nam2008-09-01
QUE ME
PARIS, ngày 1.9.2008 (QUÊ MẸ) - Từ ngày 25 đến 29.8.2008, Phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đến Quốc hội Châu Âu ở trụ sở Bruxelles, Vương quốc Bỉ, làm việc và vận động cho nhân quyền Việt Nam.
Với mục tiêu làm sáng tỏ những vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam vào thời điểm Liên Âu và Việt Nam đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác song phương vào cuối năm nay hay đầu năm tới, phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đến Quốc hội Châu Âu gặp gỡ các vị Dân biểu thuộc các đảng từ tả sang hữu, các cơ cấu thuộc Liên hiệp Châu Âu, đặc biệt là Ủy hội Châu Âu và Quốc hội Châu Âu để thông tin về vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.
Yêu sách của phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam do ông Võ Văn Ái dẫn đầu, là trong Hiệp ước Hợp tác song phương sắp tới giữa Liên Âu và Việt Nam phải có điều khoản bó buộc Việt Nam tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc Dân chủ. Chẳng những thế, Liên Âu phải thiết lập cơ cấu mới để theo dõi và kiểm soát việc thực thi điều khoản nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam hầu bảo vệ các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Cơ cấu theo dõi và kiểm soát này sẽ có biện pháp thích ứng, từ cảnh cáo đến chế tài Hà Nội khi nhà nước cộng sản không tuân thủ điều khoản ký kết trên lĩnh vực nhân quyền và dân chủ.
Ngoài hai cuộc tiếp xúc và vận động nói trên, phái đoàn còn tham dự điều trần hôm thứ hai 25.8, và tham gia cuộc Hội luận ba ngày 27, 28 và 29.8 tại Quốc hội Châu Âu về đề tài “Khuynh hướng Thế tục và các Tôn giáo trước trào lưu Chính thống bạo động” (Secularism and Religions vis-à-vis Fundamentalist violence). Tại cuộc Hội luận ba ngày này, gồm các học giả, chuyên gia về tôn giáo trong thế giới, ông Võ Văn Ái được mời tham luận đề tài “Vai trò Cư sĩ Phật giáo trong lịch sử và xã hội Việt Nam hai nghìn năm qua”.
Cuộc Điều trần về Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam
Hôm thứ hai, 25.8, Quốc hội Châu Âu Quốc hội Châu Âu mở cuộc Điều trần về Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam ở trụ sở Brussel, Vương quốc Bỉ. Đặt dưới quyền chủ tọa của bà Hélène Flautre, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu với sự tham dự đông đảo của các vị Dân biểu Quốc hội. Đặc biệt cuộc điều trần này có sự tham dự và trình bày của hai vị Đại sứ Cam Bốt và Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã gửi đến các vị Dân biều tham dự cuộc điều trần một hồ sơ nhân quyền 11 trang mang tựa đề “Khủng hoảng kinh tế và đàn áp chính trị tại Việt Nam”. Những vấn đề nóng bỏng của chính tình Việt Nam được trình bày bằng số liệu và chứng cớ qua tập hồ sơ. Từ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng cho đến vần đề mất ổn định xã hội thông qua những cuộc đình công thợ thuyền, biểu tình Dân oan, sinh viên phản đối sự lấn đất lấn biển của Trung quốc, cho đến những vi phạm nhân quyền ác liệt. Đặc biệt dùng luật pháp để đàn áp giới bất đồng chính kiến, như Pháp lệnh 44 quản chế bất cứ ai không thông qua toà án. Tệ hơn Nghị định 31/CP về quản chế hành chính, Pháp lệnh 44 cho phép giam giữ người bất đồng chính kiến vào nhà thương điên.
Theo thứ tự phát biểu, ba thuyết trình viên về vấn đề Việt Nam gồm có ông Võ Văn Ái, ông Kok Ksor, Chủ tịch Sáng hội Người Thượng, và ông Nguyễn Mạnh Dũng, Đại sứ Hà Nội tại Quốc hội Châu Âu và Vương quốc Bỉ.
Được bà chủ tịch Hélène Fautre giới thiệu và mời lên tiếng, ông Võ Văn Ái ngỏ lời cám ơn Quốc hội Châu Âu quan tâm đến vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam khi tổ chức cuộc điều trần hôm nay, rồi ông phát biểu về cuộc khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam cùng các biến động thợ thuyền và Dân oan. Ông Ái cho biết :
Ông Võ Văn Ái điều trần tại Quốc hội Châu Âu
« Việt Nam đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đây là sự thất bại của chính sách Đổi Mới, một chính sách mở cửa kinh tế nhưng đóng cửa chính trị. Một chính sách mà nhân dân Việt Nam vừa bị biến thành nhân công lao dịch vừa là kẻ thù của Nhà nước.
Cho tới gần đây Việt Nam được xem như cõi thần tiên kinh tế hơn cả Trung quốc. Quần chúng bị kiểm soát mang lại một nhân công rẻ mạt, chăm chỉ, nhưng ở tình trạng lao dịch. Chính quyền không ngừng hứa hẹn sự ổn định chính trị và thăng tiến nhân quyền.
« Thế nhưng những số liệu tăng trưởng tuyệt vời trên giấy chỉ tạo ra một con rồng kinh tế bằng giấy. Chỉ trong vòng có mấy tháng, mọi sự đã tan tành sụp đổ : Lạm phát tăng 27% vào tháng 7, kỷ lục tại Châu Á ; bội chi thương mại tăng 15 tỉ Mỹ kim trong 6 tháng đầu năm 2008, chắc chắn bội chi sẽ lên đến 25 tỉ Mỹ kim vào cuối năm nay. Thị trường chứng khoáng trong năm 2007 sụt 55%, sự phá giá đồng tiền Việt Nam khiến cho Ngân hàng Á châu tiên liệu một cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng như đã xẩy ra tại Châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng nói trên rơi lên đầu dân nghèo tại Việt Nam hiện đang phải đối phó với giá cả thực phẩm tăng cao đến 44,7%, còn giá gạo thì tăng đến 72%.
« Ngay chính quyền Việt Nam cũng bắt đầu lo ngại : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết những gia đình lâm nạn đói tăng xấp hai so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xác nhận rằng hiện có “13 triệu người bị ảnh hưởng vật giá tăng cao, chưa kể 13 triệu người nghèo khác và hàng chục triệu người sống dưới ngưỡng cửa nghèo khó trong số này có cả các dân tộc ít người”.
« “Ổn định chính trị” cũng đang bị điêu đứng : 400 cuộc đình công xẩy ra từ đầu năm đến nay, so với 500 cuộc đình công trong suốt năm ngoái. Mỗi cuộc đình công có hàng chục nghìn thợ thuyền tham dự đòi tăng lương. Chính quyền theo “Xã hội chủ nghĩa”, mà lại quy mô chống đối các cuộc đình công. Dù nhà nước công nhận quyền đình công, song lại cấm đình công trong 54 khu vực được coi là “công sở” hay quan trọng cho nền kinh tế quốc gia hay quốc phòng, như bưu chính, vận tải công cộng, ngân hàng, v.v... Thực tế là khó phân biệt lĩnh vực nào được quyền đình công. Để tăng cường cho việc cấm đình công, một nghị định vừa ban hành bắt công nhân phải trả phạt 3 tháng lương cho chủ, nếu cuộc đình công xét ra bất hợp pháp chiếu theo Bộ luật lao động. Chẳng khác chi lệnh cấm đình công.
« Cuộc đàn áp còn xẩy ra với khối Dân oan, đa số là nông dân, chiếm 75% dân số lao động. Những nông dân bị cướp đất hay tài sản bị tịch thu tùy tiện. Dân oan kéo nhau biểu tình ôn hòa trước các công sở tại nhiều tỉnh từ mười năm hơn. Hiện có 10% nông dân thiếu đất trồng trọt quanh thủ đô Hà Nội, và 2 triệu đơn khiếu nại không được giải quyết.
« Thế nhưng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nông Đức Mạnh cho là « những cuộc biểu tình mang biểu ngữ như thế là bất thường ». Vì vậy Nghị định số 38 ban hành năm 2005 cấm biểu tình trước các công sở.
« Song song với việc đàn áp các cuộc biểu tình khiếu kiện, thì chính quyền Hà Nội lại để yên cho thiểu số lãnh đạo Cộng sản, đặc biệt 200 gia đình “tư bản đỏ”, thoát ly khỏi mọi hình phạt. Sự kiện mà nhiều cán bộ cao cấp, hay ngay Tướng Võ Nguyên Giáp phải lên tiếng tố cáo rằng “họ mua bán địa vị, chức quyền, bằng cấp, bao thầu thị trường công cộng cho công ty làm ăn của họ, và mua ngay cả việc ra khỏi nhà tù”.
« Báo chí và là báo chí nhà nước cũng bị cấm đoán : hai nhà báo phanh phui vụ tham những PMU-18 vừa bị bắt hồi tháng 5.2008, hai tháng sau khi ông Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến bỗng nhiên được trả tự do. Gần đây, bảy nhà báo khác bị rút thẻ ký giả. Thực tế chỉ là hậu quả của chính sách kềm kẹp tự do báo chí. Luật Báo chí quy định phạt tiền bồi thường những nhà báo nào nêu danh người khác trong bài viết của mình, dù sự kiện nêu ra có thật. Nghị định số 56 ban hành tháng 7.2006 còn tiên liệu việc rút thẻ báo chí những ký giả nào “vu cáo” hay “tấn công” uy tín Nhà nước.
« Chính sách của Nhà nước Việt Nam xây dựng trên động lực nắm giữ quyền bính cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi thay vì phát triển đất nước hay phục vụ quyền lợi người dân. Nhân quyền bị vi phạm trên mọi lĩnh vực : kiểm duyệt và kiểm soát mạng Internet, công an khu vực theo dõi dân, quản chế những người bất đồng chính kiến trong nhà thương điên, sử dụng đạo luật hổ lốn có tên “an ninh quốc gia” để đàn áp người bất đồng chính kiến. Tất cả nhằm kiểm soát chặt chẽ đời sống và đàn áp toàn dân.
« Ở vào giai đoạn khó khăn, khủng hoảng hiện nay, đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt cuộc chiến chống lại nhân dân họ. Không có gì quý và cần thiết hơn nhân dân. Vì vậy cần phải để cho các xã hội dân sự biểu tỏ và thực hiện ước vọng của họ.
« Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là một trường hợp điển hình. Một giáo hội đại biểu cho đa số quần chúng nhân dân. Thế nhưng giáo hội đã bị đàn áp và cấm hoạt động, chỉ vì giáo hội không chịu biến mình thành con rối trong bàn tay Đảng Cộng sản năm 1981. Hiện nay GHPGVNTN trở thành một tổ chức chính yếu hoạt động cho nhân quyền và dân chủ, và là một xã hội dân sự còn tồn tại sau bao thập niên dưới chế độ cực quyền toàn trị. Cũng vì vậy mà hàng giáo phẩm và thành viên của Giáo hội thường trực bị sách nhiễu, thẩm vấn và bắt giam. Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang vừa viên tịch vào năm 89 tuổi, nhưng ngài đã bị cấm cố trên 26 năm ròng. Người kế vị ngài là Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ cũng bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon nhiều năm qua. 20 Ban Đại diện của Giáo hội tại các tỉnh thành được thành lập để cứu trợ những người nghèo cũng bị sách nhiễu, không cho hoạt động. Gần đây Thượng toạ Thích Trí Khải bị trục xuất ra khỏi chùa, bị bắt đi làm việc rồi bị mất tích.
« Thay vì tôn trọng tự do tôn giáo như Hiến pháp quy định, thì nhà cầm quyền Việt Nam đánh lừa dư luận như đang có tự do tôn giáo thực sự bằng cách đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản LHQ hồi tháng 5 vừa qua. Nhưng đây chỉ là những “cử chỉ màu mè” nhằm thu hút viện trợ các nước Tây phương.
« Từ bao năm qua, nhà cầm quyền chỉ tuyên bố suông những lời ngon ngọt đầy thiện chí để thu hút đầu tư. Nhưng chẳng thay đổi một ly chính sách độc tài, áp bức. Đã đến lúc nhà cầm quyền giải quyết từ cơ bản các vấn nạn Việt Nam, và Tây phương cần cảnh giác thay vì đồng loã.
« Hiệp ước hợp tác Liên Âu và Việt Nam năm 1995 đang được thương thảo để ký lại. Điều trọng yếu là Hiệp ước mới phải yêu sách Việt Nam tôn trọng nhân quyền, và Liên Âu phải theo dõi chu đáo làm thất bại giọng điệu hai lưỡi của chính quyền Việt Nam. Cần thiết hơn cả là Liên Âu bó buộc Việt Nam chấm dứt cuộc đàn áp nhân dân họ, và Việt Nam phải :-
« Để cho xã hội dân dự tham gia vào cuộc phát triển dài lâu đất nước, do đó, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một xã hội dân sự có tổ chức và có cơ sở hạ tầng ;-
« Trả tự do cho tất cả tù nhân vì lương thức, như Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, hai luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, v.v...-
« Bãi bỏ tất cả sự kềm kẹp tự do ngôn luận và tự do báo chí đang trái chống với luật pháp quốc tế”.
Phản ứng của ông Đại sứ Hà Nội Nguyễn Mạnh Dũng
Sau lời điều trần của ông Võ Văn Ái, bà Hélène Flautre mời ông Đại sứ Việt Nam phát biểu. Ông Nguyễn Mạnh Dũng liền nói lên nỗi khó chịu của ông :
“Thưa Bà Chủ tịch. Tôi chẳng thích thú gì ngồi nghe những lời viện dẫn dối trá đối với Việt Nam nơi này, là nơi biểu trưng cho tự do và dân chủ Châu Âu. Nhưng vì lòng tôn trọng của tôi đối với quý vị Dân biểu Châu Âu, và cũng vì mong muốn đóng góp để có sự thông cảm lớn hơn giữa Quốc hội Châu Âu với Việt Nam, tôi muốn đưa ra một số suy nghĩ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
“Trên lĩnh vực kinh tế, chúng tôi đạt được nhiều tiến bộ... Nhưng tôi đồng ý với “cái ông vừa nói đó” là Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chủ yếu...”
Dù không nhắc tên, ông Dũng đồng ý về cuộc khủng hoảng kinh tế mà ông Ái trình bày lúc nãy. Tuy nhiên ông Dũng cho đó là hậu quả của tình hình quốc tế. Rồi ông đưa ra một loạt những con số thành tựu về kinh tế và mở rộng dân chủ của Nhà nước Việt Nam cũng như việc thành công tổ chức Lễ Phật Đản LHQ, mà theo ông đã có sự tham dự của 4000 nghìn người, trong số này có 2000 nghìn ngoại quốc đến từ 74 quốc gia.
Khi cuộc điều trần chấm dứt, phóng viên Đài Á châu Tự do đến xin phỏng vấn ông Đại sứ. Nhưng ông khoác tay từ chối.
Phản ứng của các Dân biểu Quốc hội Châu Âu
Điều đáng chú ý là sau phần điều trần của ông Võ Văn Ái hội trường đã vỗ tay như dấu hiệu tán đồng. Nhưng sau phần hồi đáp và trình bày của ông Nguyễn Mạnh Dũng, Đại sứ Hà Nội, thì chẳng có ai vỗ tay.
Có nhiều vị Dân biểu lên tiếng nhận xét sau khi nghe ba lời phát biểu về Việt Nam của các ông Võ Văn Ái, Kok Ksor, Nguyễn Mạnh Dũng. Tất cả đều tỏ ra thất vọng cho sự kiện nhân quyền và tôn giáo vẫn tiếp tục bị đàn áp. Tiêu biểu là lời nhận xét và chất vấn của Dân biểu Marco Cappato, người Ý, ông là Báo cáo viên về Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu và cũng là người đề xuất cuộc Điều trần về Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam, và ông Charles Tannock, người Anh, vị Dân biểu thường xuyên lên tiếng cho nhân quyền trong thế giới tại Quốc hội Châu Âu.
Dân biểu Marco Cappto nói :« Tại cuộc điều trần hôm nay, chúng ta có được phúc trình của Đại sứ Việt Nam cho biết mọi sự đều tốt đẹp, hiện đang có hàng trăm phong trào xã hội dân sự hoạt động. Còn gì tốt hơn nữa.
« Mặt khác, chúng ta lại nhận được tài liệu của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, của Sáng hội Người Thượng, trình bày trái ngược hẳn. Hai tổ chức này cho biết những cuộc tra tấn, bắt bớ, giết chóc. Sự thật nằm ở đâu ? Đây chính là nan đề cho Ủy hội Châu Âu.
« Đâu là sự thật ? Nếu chính sách của Quốc hội Châu Âu muốn được hữu hiệu, chúng ta phải tìm vào đáy sâu của các vấn nạn. Trước khi Việt Nam công bố Phúc trình Định kỳ Chung tại Hội đồng Nhân quyền ở Genève, chúng ta phải tìm hiểu sự thực. Nếu trong những phúc trình sắp công bố cho biết việc đàn áp người Thượng, đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là có thật, thì Liên hiệp Châu Âu phải nói lên các vấn nạn này, không phải nêu ra một cách chung chung, mà đi vào chi tiết với những tên tuổi, sự vụ.
« Những vấn đề chúng ta nghe hôm nay tại Lào và Việt Nam là những điều xẩy ra dưới chế độ độc đảng. Trong Hiệp ước Hợp tác Liên Âu – Việt Nam có điều khoản về Nhân quyền và Dân chủ. Thế nhưng chẳng có gì xẩy ra cả. Chúng ta cư xử như chẳng hề có điều khoản nầy. Bây giờ, chúng ta đang thương thảo với Việt Nam để ký lại Hiệp ước Hợp tác. Nếu chúng ta không chuẩn bị để đưa ra các điều kiện cụ thể trước khi đặt bút ký Hiệp ước Hợp tác mới, ví dụ như đặt điều kiện chấm dứt đàn áp người Thượng, đặt điều kiện phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì Hiệp ước mới sẽ trở thành vô dụng mà thôi.
« Liên Âu đã thông qua nhiều Quyết Nghị về vấn đề Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải nghiêm chỉnh hơn, theo dõi xem các Quyết nghị này có được thực thi không.
« Liên Âu đã tài trợ nhiều tiền cho các dự án thăng tiến dân chủ tại Việt Nam. Nếu các phúc trình về vi phạm nhân quyền mà chúng ta nhận được hôm nay là thật, thì tiền bạc Liên Âu viện trợ cho Việt Nam dùng vào việc gì ? Ai chi các số tiền viện trợ này ? Chúng ta được cho biết rằng tiền viện trợ được các « cơ quan công quyền được thừa nhận » chi dụng. Những cơ quan này đang mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nhưng thực sự họ là ai ? Liên Âu phải giải quyết các vấn đề này thông qua một chính sách có tín nhiệm ».Dân biểu Charles Tannock thì có nhận xét qua lời phát biểu của ông như sau :« Những gì mà tôi được nghe hôm nay thì chẳng có chi thay đổi cả, kể từ cuộc Điều trần hai năm trước đây, hay qua các Quyết Nghị chính yếu về Việt Nam được Quốc hội Châu Âu thông qua. Hôm nay chúng ta lại nghe cuộc điều trần về thảm trạng của Người Thượng, dân tộc Hmong và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tất cả, họ tiếp tục bị đàn áp, tiếp tục sống trong khổ đau. Tôi có cảm tưởng sự cải thiện quá nhỏ nhoi.« Khi tôi nghe ông Đại sứ Việt Nam nói đến việc « xây dựng dân chủ trong nước ông », tôi liền nhớ tới một câu cách ngôn của nước Anh thời xưa, rằng nhà ngoại giao là kẻ được gửi ra nước ngoài để nói dối cho xứ sở của hắn. Bởi vì nói cho rõ, dù nước Việt Nam là gì đi nữa, thì có thể đang có thành công về kinh tế, nhưng còn lâu mới là một nước dân chủ tự do ».