Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

TUYÊN CÁOCỦA HỘI ĐỒNG LƯỠNG VIỆN

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2552 Số 01/VTT/XLTV
TUYÊN CÁOCỦA HỘI ĐỒNG LƯỠNG VIỆN
về Nhân quyền cho người sống, Linh quyền cho người chếtvà Dân chủ cho xã hội.
Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vừa ra đi về cõi Phật, nhưng hành trạng một đời Ngài, những văn kiện Ngài để lại thông qua các Thư yêu sách gửi Nhà nước Cộng sản, các Giáo chỉ, Thông bạch, Thông điệp chỉ đạo hướng đi cùng lập trường cố hữu của Giáo hội dân lập và lịch sử, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vẫn còn văng vẳng bên tai như nhắc nhủ, như sách tấn chư Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước hãy đứng dậy và bước đi làm tỏa chiếu nền Văn minh Vô úy và Trí tuệ Bát Nhã, hoàn thành sứ mệnh Hộ Dân, Hộ Pháp và Hộ Quốc mà lịch sử hai nghìn năm Phật giáo từng ghi dấu vẻ vang qua các thời đại huy hoàng của dân tộc.
Sự nhớ tưởng và đền ơn tri ngộ Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang không gì hơn là thực thi nguyện ước và ý chí Ngài, như chúng ta đã đồng tâm phát nguyện tại lễ cung nghinh Kim quan nhập Bảo tháp ở Tu viện Nguyện Thiều ngày mùng 9 tháng 6 năm Mậu Tý : « Tiếp tục đi theo con đường Ngài đã vạch, mặc dù còn rất nhiều chông gai chờ đón phía trước. Chúng ta quyết tâm điều hành Phật sự Giáo hội theo phương hướng của Hội đồng Lưỡng Viện đã hoạch định cho đến khi GHPGVNTN được tự do hoạt động thực sự như thời kỳ trước năm 1975, để hoàn thành chí nguyện của Ngài », và mới đây lại nhất tâm đồng thanh tương ứng tại lễ Chung thất, rằng chúng ta : « Nguyện đem hết sức mình trong cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN để giữ gìn bảo vệ Giáo hội truyền thống đã do lịch đại tổ sư, chư Thánh tử đạo và toàn thể Phật tử xây dựng nên. Nguyện thực hiện lời Ngài căn dặn để đem lại nhân quyền cho người sống, linh quyền cho người chết, dân chủ cho xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển con người và đất nước, cũng như hợp quần với mọi nhân sĩ, trí thức, đoàn thể, tổ chức nhằm hậu thuẫn những công trình bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, lẽ phải và tự do, hạnh phúc và giác ngộ cho mọi người ».
Các cuộc cách mạng lớn trong thế giới phương Tây là bài học cho thấy cải cách chính trị là nền móng cho việc phát huy con người và phát triển xã hội. Cách đây trên hai thế kỷ, vào lúc ba quốc gia Anh, Hoa Kỳ và Pháp chìm đắm trong một xã hội bất bình đẳng và suy thoái giữa một nền kinh tế nghèo thiếu, lạc hậu, thì cuộc Cách mạng Vinh quang tại Anh quốc năm 1688, cuộc Cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 và cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đặt nền tảng trên sự thay đổi toàn triệt nền chính trị phá sản. Chứ không là đổi mới kinh tế. Nhờ vậy, ba quốc gia này phát triển thành cường quốc tiên tiến trên địa cầu.
Vì vậy mà trước sau như một, GHPGVNTN thực hành bồ tát đạo nhằm đem lại nhân quyền cho người sống, linh quyền cho người chết, dân chủ cho xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển con người và đất nước. Thiếu nhân quyền và dân chủ, bất bình đẳng xã hội sẽ là thảm nạn khiến toàn dân, các thành phần xã hội và tôn giáo bó tay không thể tham gia kiến quốc, nhân tài không thể tự tiến cử, thần trí dân tộc không thể phát huy.
Cho nên GHPGVNTN kêu gọi đồng bào các giới và đồng bảo Phật tử đem hết tâm lực tranh thủ Quyền Người, tuyên dương Quyền Sống và thiết lập Quyền Dân, làm nền tảng kết liên dân tộc hầu chen vai thích cánh cùng các quốc gia trên địa cầu bảo vệ an ninh và hòa bình cho nhân loại.
Ngày nay, tổ quốc đang lâm nguy vì nạn xâm lấn đất và biển của ngoại bang, mà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa là nỗi đau nhức nhối. Trong khi ấy chính quyền tại vị nhu nhược nếu không nói đồng lõa. Nên GHPGVNTN kêu gọi toàn dân trong và ngoài nước mau chóng kết hợp thành một khối để bảo vệ non sông và nòi giống. Với trách nhiệm công dân, và trong cương vị một tôn giáo từng đóng góp vào công trình lập quốc suốt hai nghìn năm qua, GHPGVNTN sẵn sàng tham gia hậu thuẫn mọi công trình bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Cuộc đổi mới kinh tế của nhà cầm quyền Cộng sản 22 năm qua chỉ đem lại sự giàu có phiến diện cho các cán bộ Cộng sản cao và trung cấp, và một thành phần thiểu số thị dân. Nhưng 80% dân số nông dân và thợ thuyền vẫn sống trong cảnh nghèo thiếu, bị áp bức và bóc lột. Bản án chế độ thực dân, còn gọi là Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam, do giới sĩ phu yêu nước sống lưu vong tại Paris, là các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc... mang đến trao cho Hội nghị Quốc tế Versailles ngày 18.6.1919, thì nay chỉ cần thay chế độ Pháp thuộc thành chế độ XHCNVN, nguyên trạng xã hội và sự bóc lột người dân trong bản án, cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi dù 89 năm đã trôi qua.
Đổi mới kinh tế suốt 22 năm ròng chỉ mang lại và phát huy một nền Văn hóa sợ hãi và bạo động, nhưng chẳng thành công san phẳng hố giàu nghèo. Trái lại, chênh lệch giàu nghèo ngày càng đào sâu thăm thẳm. Không chênh lệch giữa quốc dân, mà chênh lệch giữa giới quan lại và quần chúng, gây ra cảnh « nước giàu dân nghèo » mâu thuẫn với các khẩu hiệu Nhà nước đề cao.
Ấy cũng vì bài học của ba cuộc cách mạng chính trị tại Âu Mỹ cách nay hơn hai thế kỷ không được Đảng và Nhà nước cộng sản học tập, rút kinh nghiệm.
Do đó, GHPGVNTN kêu gọi Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCNVN :
1. Thay đổi chính sách thù nghịch tôn giáo đối với các tôn giáo tại Việt Nam, thể hiện bằng sự công nhận sinh hoạt độc lập và phi chính trị của các tôn giáo, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tôn giáo chưa được thừa nhận. Có như vậy, các tôn giáo với khối luợng quần chúng đông đảo mới có thể tham gia băng bó vết thương xã hội, tái hồi truyền thống đạo nghĩa Việt Nam, làm đà tiến thủ quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc và an lạc cho quốc dân ;
2. Áp dụng triệt để Công ước quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ năm 1982, và tiêu chuẩn hóa pháp luật Việt Nam theo các Công ước quốc tế về nhân quyền, tự do, dân chủ của LHQ ;
3. Loại bỏ điều 4 trên Hiến pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc và kiến quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình tôn giáo và chính trị;
4. Triệu tập Hội nghị toàn dân bao gồm các cộng đồng tôn giáo và các đảng phái dân tộc ra đời từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, khai mở cuộc hóa giải các tranh chấp, hận thù nẩy sinh từ những ý thức hệ ngoại lai gây nên tấn thảm kịch bản địa suốt sáu mươi năm chưa dứt, hầu đặt cơ sở cho việc trao quyền lãnh đạo cho toàn dân trong một thể chế dân chủ tam quyền phân lập và đa đảng. Bởi vì ba triệu đảng viên Cộng sản và nửa triệu bộ đội hiện tại chưa đủ thế và lực bảo vệ tổ quốc trên mặt quốc phòng, chưa đủ uy và dũng mở rộng mặt trận chính trị và ngoại giao quốc tế, nên phải cần tới sự tham gia toàn diện, đồng đẳng và bình đẳng, của 85 triệu dân cùng khối lượng ba triệu Người Việt hải ngoại. Vì không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của toàn dân, lịch sử đã chứng minh điều đó.
Nếu không dựa vào sức mạnh toàn dân làm nòng cốt để giữ nước mà cứ nay chạy theo nước này mai chạy theo nước khác cầu viện để bảo vệ quyền bính riêng tư của một nhóm người, thì hậu quả sẽ là mất nước và biến mình thành công cụ tay sai cho ngoại nhân mà thôi.
Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN, tôi ngỏ lời cám ơn nhân dân yêu chuộng tự do, dân chủ và công lý trên thế giới, các Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Châu Âu, các chính phủ Âu Mỹ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ quan truyền thông, báo đài, đã không ngừng lên tiếng bênh vực cho GHPGVNTN và nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN, tôi ngỏ lời cám ơn các Cộng đồng Người Việt tại Úc châu, Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu đã mạnh dạn lên tiếng hậu thuẫn GHPGVNTN kể từ Giáo chỉ số 9 của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành, nhằm kiện toàn Giáo hội trong lập trường đạo lý và dân tộc bất biến, mà các phản ứng hốt hoảng, hung bạo của đối phương càng làm cho chính nghĩa của GHPGVNTN nổi bật. Sự hậu thuẫn của Cộng đồng Người Việt trên năm châu vô hình trung đang làm bước ngoặt mới trong sự kết liên dân tộc mà Giáo hội và nhân dân trong nước mong đợi.
Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN, tôi ngỏ lời tán thán chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước đã khâm tuân Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống để gìn giữ, bảo toàn và phát huy Giáo hội mở ra tiền đồ Phật giáo đặc thù Việt Nam.
Trong tư thế bát phong xuy bất động [1], chư liệt vị là chứng nhân cho nền Văn minh Vô úy và Trí tuệ Bát nhã, làm rạng ngời chính nghĩa giác ngộ và khiến cho những kẻ phi nghĩa không còn chốn dung thân, tác hại.
Con đường Phật không mở trên mây xanh mà trải dài trên mặt đất. Xin chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước hành hoạt đạo cứu khổ và giác ngộ như thế nào, để nghìn năm sau nhìn lại thế kỷ nhiễu nhương, tranh chấp, thù hận này, còn thấy có Phật giáo như chiếc phao cứu độ.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Dũng Cảm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Thanh Minh Thiền Viện, Saigon ngày 27.8.2008
TM. Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN
Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
[1] Bát phong xuy bất động, có nghĩa là tám gió không làm lay động tâm can. Kinh Phật lấy gió dụ cho những sự yêu, ghét của người đời. Tám ngọn gió này gồm có : lợi ích, suy diệt, chê bai, khen ngợi, tán tụng, dèm pha, khổ ách, vui sướng. Nếu tâm của người có tu hành đạt tới tâm của Chánh pháp, thì không còn bị những sự yêu, sự ghét mê hoặc làm cho tâm thần loạn động. Ở vào tâm cảnh ấy, chẳng có gió nào làm tâm can xao động. Như Kinh viết : « Thân thể và tay chân lặng yên không động đậy, tám gió thổi chẳng lay ». (Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chú thích).

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Thông bạch

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Thông bạch không công nhận các tổ chức Phật giáo tiếm danh GHPGVNTN tại Canada, Úc châu và Âu châu2008-08-25 PTTPGQT
PARIS, ngày 25.8.2008 (PTTPGQT) - Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được Thông bạch của Viện trưởng Viện Hóa Đạo về việc tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tại hải ngoại do Viện Hóa Đạo trong nước gửi ra để phổ biến.
Kể từ Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 nhằm thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo và kiện toàn GHPGVNTN tại hải ngoại theo lập trường, đường hướng của Giáo hội trước tình thế mới, bỗng xuất hiện một số chư Tăng và Cư sĩ nổi lên chống đối Giáo chỉ số 9. Tuy rằng những kẻ chống đối này vẫn luôn miệng tuyên bố là họ trực thuộc và trung thành với GHPGVNTN và « tuân lệnh » Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.Lập luận như thế khác nào nhóm công dân nào đó nói rằng tôi tin tưởng và tôn kính Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng không công nhận Hiến pháp và Luật pháp Hoa Kỳ ?Do đó mà sau Giáo chỉ số 9, có một số chư Tăng và Cư sĩ tại Hoa Kỳ ly khai đường lối và lập trường của GHPGVNTN để cho thành lập tổ chức mới mang tên « Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ». Trường hợp này không có gì đáng nói, vì các vị này sử dụng quyền dân chủ để chọn lựa chính kiến họ theo, nên xuất hiện dưới một danh xưng khác với GHPGVNTN.Tuy nhiên, tại Canada, tại Úc châu – Tân Tây Lan và Âu châu thì không như thế.Thượng tọa Thích Bổn Đạt ở Canada, Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v... tại Úc châu – Tân Tây Lan, và Hoà thượng Thích Minh Tâm tại Châu Âu tuyên bố trên văn bản hay trong hoạt động không khâm tuân Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, không tuân hành các Thông bạch, Thông tư của Viện Hóa Đạo. Nhưng vẫn tiếp tục tiếm danh GHPGVNTN. Động thái này gây hoang mang dư luận trong Cộng đồng Người Việt Hải ngoại nói chung và Cộng đồng Phật giáo nói riêng. Lựa chọn hay theo đuổi một chính kiến là quyền tự do của mỗi cá nhân hay đoàn thể trong các quốc gia dân chủ. Nhưng không thể bắt cá hai tay hay lập lờ đánh lận con đen giữa chính kiến và danh xưng. Nhất là đối với một giáo hội dân lập và lịch sử có hai nghìn năm thực chứng, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.Vì vậy, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo ban hành Thông bạch số 31 ký ngày 24.8.2008 về việc tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại hải ngoại. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn Thông bạch ấy như sau :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤTVIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện,
90 Trần Huy Liệu, Phường 15,
Quận Phú Nhuận, TP. Saigon
Phật lịch 2552
Số : 31/VHÐ/VT

THÔNG BẠCHCỦA VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO về việc tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại hải ngoại
Kính gửi : Chư Tôn Giáo Phẩm thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN,
Ban Điều Hành Văn Phòng II Viện Hoá Đạo,
Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất các cấp.

Kính bạch chư Tôn giáo phẩm,
Kể từ ngày Giáo chỉ số 9 do Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành nhằm thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo và kiện toàn nhân sự cùng lập trường GHPGVNTN tại hải ngoại, bỗng nhiên xuất hiện một số chư Tăng và Cư sĩ tỏ ý bất khâm tuân Giáo chỉ của Đức Tăng thống.Từ sự bất khâm tuân Giáo chỉ số 9, chư vị nói trên hoặc đứng ra tổ chức Giáo hội dưới danh xưng khác, hoặc tiếp tục tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đó là trường hợp của
Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada của Thượng tọa Thích Bổn Đạt,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan của các vị Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v... và
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu của Hòa thượng Thích Minh Tâm.
Chiếu Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bản Đại hội GHPGVNTN khóa V tu chính ngày 12.12.1973, và tại các điều 18, 19, 20 và 36 ;
Chiếu Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống ban hành ngày 8.9.2007 nhằm thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo ;
Chiếu Thông bạch của Viện Hóa Đạo ban hành ngày 25.9.2007 hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống ;
NAY VIỆN HÓA ĐẠO QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Không thừa nhận và không chịu trách nhiệm bất cứ tổ chức nào sử dụng danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), khi tổ chức này không tuân thủ Hiến chương GHPGVNTN bản Đại hội GHPGVNTN khóa V tu chính ngày 12.12.1973, cũng như không khâm tuân Giáo chỉ số 9 cùng các Thông điệp, Thông bạch, Thông tư của Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN. Mọi sử dựng danh xưng GHPGVNTN trong trường hợp này chỉ là sự tiếm danh.
Điều 2 : Căn cứ vào điều 1 trên đây, Hội đồng Lưỡng Viện không thừa nhận là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các tổ chức tiếm danh sau đây :
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada của Thượng tọa Thích Bổn Đạt ;
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan của các vị Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v..., và
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu của Hòa thượng Thích Minh Tâm.Điều 3 : Khuyến thỉnh chư Tăng, Ni, Phật tử tại các châu lục nói trên tùy cơ duyên và hoàn cảnh đứng ra thành lập GHPGVNTN chính thức và trực thuộc Viện Hóa Đạo, chiếu điều 36 của Hiến chương GHPGVNTN bản Đại hội GHPGVNTN khóa V tu chính ngày 12.12.1973, cũng như triệt để khâm tuân và thi hành Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống ban hành ngày 8.9.2007 và Thông bạch của Viện Hóa Đạo ban hành ngày 25.9.2007 hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống .Kính khẩn thông tri đến Chư Tôn Giáo Phẩm thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, Ban Điều Hành Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất các cấp, và chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức thành viên Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo chiếu nhiệm thi hành.
Thanh Minh Thiền viện,
Saigon ngày 24.8.2008
Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

HÂN HOAN CHÀO MỪNG


Hân hoan chào mừng Đấng Cao Tăng
Xử Lý Thường vụ xứng vạn phần
Tăng Thống xã thân vào Đạo Pháp
Ân nghĩa sâu dày hoà Non Sông.

Giũa cơn bảo táp cầm tay lái
Tứ bề thọ Địch ghé hai vai
Uy dũng hiên ngang tâm Bồ Tát
Cứu Dân, Hộ Nước đường vinh quang.


California trưa 17/7/2008
Thanh Trúc/Chơn Diệu- Liên Khuôn Phật Học Orange
“Viết khi được biết Chúc Thư của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống
Suy cử Hoà Thượng Thích Quảng Độ kiêm nhiệm XLTV.
Viện Tăng Thống và Hoà Thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị
Phó Tăng Thống”.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống

Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống được tuyên đọc tại Lễ Chung thất ở chùa Pháp Luân, thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ2008-08-17 PTTPGQT
HOUSTON, ngày 17.8.2008 (PTTPGQT) - Đại lễ Vu Lan Báo hiếu kết hợp với Lễ Chung thất đã được tổ chức trọng thể tại chùa Pháp Luân ở thành phố Houston, bang texas, Hoa Kỳ, ngày chủ nhật 17.8.2008. Nhân dịp này Chúc thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống để lại đã được trang trọng tuyên đọc và làm lễ suy tôn Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng thống.
Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ký Quyết định số 31 ngày 16.8. uỷ quyền cho Văn phòng II Viện Hoá Đạo tuyên đọc, phổ biến Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang tại Lễ Chung Thất.
Quyết định gửi đến Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo kiêm Chủ tịch Văn phòng II Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN cho biết :
« Do những áp lực ngoại tại ngăn cấm không cho Phái đoàn Giáo hội về Tu viện Nguyên Thiều tổ chức lễ Chung Thất Đức cố Đệ tứ Tăng thống như đã dự trù. Nên Hội đồng Lưỡng Viện lấy quyết định sẽ tổ chức tại Saigon và cùng thời gian với Văn phòng II Viện Hoá Đạo tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, bang Texas, ngày chủ nhật 17.8.2008, để công bố Chúc thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống về việc thỉnh cử nhân sự trọng yếu vào Hội đồng Lưỡng Viện.
« Thế nhưng mấy ngày qua, nhà cầm quyền địa phương đã đến hạch hỏi về việc tổ chức Lễ Chung Thất này. Đồng thời công an tăng cường và phong toả các ngôi chùa của Giáo hội. Trong hoàn cảnh như thế Hội đồng Lưỡng viện khó bề thực hiện lễ Chung Thất như dự kiến. Do vậy Hội đồng Lưỡng Viện quyết định trong cuộc hop lúc 16 giờ ngày 16.8.2008 :
« 1.Chính thức công bố 2 văn bản : Chúc thư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Giáo Chỉ suy cử Đức Phó Tăng Thống.
2.Uỷ quyền Hoà thượng Thích Hộ Giác Phó Viện trưởng VHD kiêm Chủ tịch Văn Phòng II VHD, thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện cho tuyên đọc hai văn bản nêu trên tại cuộc lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống ở chùa Pháp Luân ngày 17.8.2008.«
3.Tại chùa Giác Hoa sẽ tổ chức đơn giản Lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống vào ngày 17.8.2008 ».
Gần hai nghìn Phật tử đã tề tựu từ sáng chủ nhật 17.8 tham dự cuộc lễ. Vì Chánh điện chùa Pháp Luân không chứa đủ số lượng đông đảo đồng bào Phật tử, nên Ban tổ chức đã mở rộng hội trường và dựng thêm hai căn lều lớn trong sân chùa để chứa khách.
Sau Đại lễ Vu Lan, lễ Chung Thất bắt đầu với hai nghi thức Bắc tông và Nam tông.
Nghi thức vừa chấm dứt, băng ghi Đạo từ nhân dịp Chung Thất Đức Cố Đệ tứ Tăng thống của Đại lão Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo được phát qua máy vi âm. Toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử cùng đứng lên chắp tay cung kính lắng nghe. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ nói :
« Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật
« Ngưỡng bạch Giác linh Đức Cố Đệ tứ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chứng giám,
« Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Hội đồng Lưỡng Viện,
« Kính thưa quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni Đại diện các cấp Giáo hội tại các Miền, các Tỉnh thành, các Châu lục hải ngoại cùng chư vị Cư sĩ thiện trí thức,
« Kính thưa liệt vị Tứ chúng Môn đệ, Hiếu đồ Đức Cố Đệ tứ Tăng thống,
« Qua lời tác bạch hôm lễ nhập Bảo tháp, chúng ta đã kính cẩn dâng lên Giác linh Đức cố Tăng thống mối đồng tâm phát nguyện sẽ tiếp tục đi theo con đường Ngài đã vạch, mặc dù còn rất nhiều chông gai chờ đón phía trước. Chúng ta quyết tâm điều hành Phật sự Giáo hội theo phương hướng của Hội đồng Lưỡng Viện đã hoạch định cho đến khi GHPGVNTN được tự do hoạt động thực sự như thời kỳ trước năm 1975, để hoàn thành chí nguyện của Ngài !
« Hôm nay ngày Chung Thất, chúng ta hãy cùng nhau lắng lòng nhớ tưởng cuộc đời phụng hiến của Ngài cho đạo pháp và đất nước để làm tấm gương soi cho mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghe lại lời cuối cùng Ngài căn dặn trong Thông điệp Phật Đản năm nay để chí thành thực hiện. Ngài đã nói :
« Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian.
« Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.
« Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài.
« Xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người. Chẳng ai thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử đang ngày đêm làm rối loạn thể chất thế nhân. Nhưng với người thực hành Bồ tát đạo, thì sinh, lão, bệnh, tử lại là phương tiện tỉnh giác tiến hành cho sự lợi ích và giác ngộ muôn loài ».
« Nghe và thực hiện lời Ngài trong đời sống hằng ngày, bằng cách đó chúng ta tán dương công đức Ngài đã thị hiện mở ra con đường Phật trên đất nước này, bằng cách đó chúng ta đền đáp ơn Ngài và cúng dường ngày Chung Thất.
« Hội đồng Lưỡng Viện nguyện đem hết sức mình trong cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN để giữ gìn bảo vệ Giáo hội truyền thống đã do lịch đại tổ sư, chư Thánh tử đạo và toàn thể Phật tử xây dựng nên. Hội đồng Lưỡng Viện nguyện thực hiện lời Ngài căn dặn để đem lại nhân quyền cho người sống, linh quyền cho người chết, dân chủ cho xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển con người và đất nước, cũng như hợp quần với mọi nhân sĩ, trí thức, đoàn thể, tổ chức nhằm hậu thuẫn những công trình bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, lẽ phải và tự do, hạnh phúc và giác ngộ cho mọi người.
« Kính xin Đức Tăng thống tác đại chứng minh.
Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 17.8.2008
TM. Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN,
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

Tiếp theo, Hoà thượng Thích Chánh Lạc tuyên đọc Giáo chỉ của Đức cố Tăng thống suy cử Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng thống. Giáo chỉ mang số 01/VTT/GC/TT ký ngày 20.2.2008. Đọc xong, ban nghi lễ cất lời xưng tán và thỉnh Đức phó Tăng thống ngồi vào chiếc ghế trước điện Phật trong sự vỗ tay của đồng bào.

Trong chức vụ mới, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác tuyên đọc Chúc thư của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang trao quyền lãnh đạo Giáo hội cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ.Nguyên văn bức Chúc thư gồm 936 chữ như sau :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤTVIỆN TĂNG THỐNG
CHÚC THƯGỞI CHƯ TÔN HÒA THƯỢNG, CHƯ THƯỢNG TỌA TRONG HỘI ĐỒNG LƯỠNG VIỆN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Chư Liệt vị,

Do mấy chục năm dài sống trong cảnh tù đày rồi quản chế, tuy hiu quạnh, đơn chiếc, nhưng tôi vẫn tự tại vô ngại, lấy kinh sách và bộ Đại Tạng làm bạn và thầy. Tuy nhiên do thiếu thuốc men và chăm sóc, thời gian qua tôi mắc nhiều chứng bệnh. Đây cũng là lẽ vô thường, mà người tu hành chẳng bận tâm. Như chư Liệt vị đã biết tin, gần đây tôi phải nhập viện trong cơn thập tử nhất sinh. Nhưng nhờ lương y chăm sóc và chư Phật hộ trì nên thân tứ đại vẫn còn. Nay đã xuất viện về tịnh dưỡng ở Tu viện Nguyên Thiều. Sức khỏe yếu hơn trước rất nhiều, thỉnh thoảng hay quên các chuyện vặt, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, minh mẫn, tuy lòng riêng khôn nguôi các Phật sự của Giáo hội chưa hoàn tất như ý nguyện.
Vào tuổi này như ngọn đèn trước gió, ngày mai ra sao khó mà biết trước. Phòng chuyện bất ngờ xẩy tới, nhân danh Đệ Tứ Tăng thống, tôi viết mấy lời tâm huyết, thâm tình gửi đến chư Liệt vị Hòa thượng, Thượng tọa giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng viện. Mai đây dù phải xả báo thân, nhưng chí nguyện tôi vẫn cạnh kề chư Liệt vị trong công cuộc phục vụ và phát huy mạng mạch Chánh Pháp nơi trú xứ quê hương này. Nay tôi trân trọng ủy thác chư Liệt vị giáo phẩm các điều sau đây, mong mỏi chư Liệt vị hoan hỉ gia tâm tiến hành cho đến khi thành tựu sau khi tôi về cõi Phật :
1. Bằng mọi cung cách và phương tiện, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội dân lập và truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và hoàn thành sứ mệnh hiệp nhất với tất cả các hệ phái trên mọi miền đất nước như chư Lịch đại Tổ sư đã thực hiện từ thời Đinh đến nay. Việc thống nhất nội bộ Phật giáo phải do chư Tôn đức Tăng Ni của Giáo hội giải quyết, không ai khác làm thay được.
2. Ủy thác Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm nhiệm chức Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống để điều hành Phật sự của Giáo hội cũng như kiện toàn, chấn chỉnh, bổ sung hay hoán chuyển nhân sự sao cho Giáo hội được nhất quán, tùy duyên mà bất biến để đối ứng với mọi tình thế.
3. Trong hoàn cảnh đầy chướng duyên và pháp nạn như hiện nay, Hội đồng Lưỡng viện tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các Phật sự của Giáo hội trong bất cứ hoàn cảnh nào ; lấy bản Hiến chương do Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ V tu chính ngày 12.2.1973 làm kim chỉ nam, chủ yếu giữ vững mục đích và lý tưởng đề ra qua Hiến chương. Các việc khác có thể tùy duyên, linh động cho đến khi hoàn cảnh cho phép tu chính thông qua Đại hội.
4. Văn phòng II Viện Hóa Đạo - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại các Châu đã hình thành và hoạt động kỷ cương, nền nếp từ 12 năm qua. Xin chư Liệt vị đặc biệt lưu tâm để trong ngoài hòa hiệp gây trợ duyên cho đạo Phật Việt Nam góp mặt cùng thế giới trong công cuộc tịnh hóa nhân gian, xây dựng hòa bình trước bao khuynh hướng bạo động. Riêng Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hoạt động hiệu quả từ bao năm qua, nay cố duy trì và phát huy hơn nữa trong công cuộc truyền thông, vận động quốc tế và giới thiệu Đạo Phật Việt Nam.
Nguyện cầu Tam Bảo độ trì cho toàn thể Chư Tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng viện phước trí nhị nghiêm, thương yêu, hiệp nhất trước mối mâu thuẫn và ly gián của thế nhân để hiển lộ Pháp tánh giác ngộ và cứu khổ. Tôi cũng nhắn nhủ đến toàn thể Chư Tăng, Ni, cùng quý vị thiện tri thức, nam nữ Phật tử trong và ngoài nước hãy cùng nhau nâng đỡ, tương trợ, giữ tâm bồ đề kiên cố làm cho giáo hội trang nghiêm và hoàn thiện một Tứ chúng biết phục vụ dân tộc và nhân loại. Ở vào thời đại nhiễu nhương, nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, bè phái phân chia, tranh chấp, vị kỷ lan tràn... thì quý vị phải biết sớm khuya lo sợ, tinh tấn tu hành, để tâm lo việc cho dân chúng. Đặc biệt giới Cư sĩ, noi gương tiền nhân đảm trách các vấn đề xã hội trong tinh thần từ bi và đức tính vô úy của Phật giáo.
Được như vậy, vô thường không phân rẽ chúng ta trên bước đường hoằng hóa chúng sanh nơi cõi này và nghìn muôn cõi khác.
Nam Mô Thường Tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
P.l. 2548 – Mồng 8 tháng 12 Giáp Thân,
Tu viện Nguyên Thiều ngày 17.1.2005
Nay Chúc thư
(ấn ký)
Thích Huyền Quang

Thượng toạ Thích Giác Đẳng lên máy vi âm giới thiệu tiểu sử Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, và Hoà thượng Thích Thiện Tâm trình bày tiểu sử Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác. Chúng tôi xin đăng tải cuối Thông cáo báo chí này hai bản tiểu sử ấy.Trước khi trao lời cảm niệm cho Linh mục Vũ Thanh và Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Al Green, ban tổ chức đã mời Cư sĩ Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hoá Đạo kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, cảnh báo sự lưu hành mấy ngày qua trên mạng Internet một Chúc thư giả. Ông Ái cho biết sau tang lễ Đức cố Đệ tứ Tăng thống, người ta đã cho loan truyền một Chúc Thư giả đề ngày 10.5.2008, nói rằng do Đại đức Thích Đồng Thọ, thị giả của Đức Tăng thống công bố với sự xác nhận của Thượng toạ Thích Minh Tuấn. Nhưng liền tức khắc Đại đức Đồng Thọ cũng như Thượng toạ Minh Tuấn liền cải chính sự giả mạo và tiếm danh hai vị.Ba ngày vừa qua, một văn bản Chúc Thư giả thứ hai lại tung ra trên mạng Internet. Lần này, bọn người làm giả như có trong tay văn bản chính, nhưng cố ý viết thêm thành 6 điều thay vì chỉ có 4 điều trong Chúc Thư thật. Sự thống nhất trong hai văn bản Chúc Thư giả tung ra là công cử « Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ làm Viện trưởng Viện Hoá Đạo ». Ông Ái kêu gọi đồng bào Phật tử, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí có mặt đông đảo tại chánh điện chùa Pháp Luân hãy cảnh giác âm mưu ly gián và gieo rắc hoang mang qua những Chúc Thư giả và những bài viết nặc danh tung lên mạng Internet thời gian qua.Linh mục Vũ Thanh thuộc Hội đồng Mục vụ Giáo hội Công giáo thành phố Houston ngỏ lời chia buồn trước sự ra đi của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Đồng thời kính lời vấn an Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ trong chức vụ lãnh đạo mới và chào mừng Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác.Những lời phát biểu của Dân biểu Al Green, Quốc hội Hoa Kỳ, được đồng bào tán thưởng qua những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Ông Al Green cảnh báo :« Nhà cầm quyền Việt Nam cần hiểu rằng nhân dân yêu chuộng tự do trong thế giới đứng bên cạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Tôi đến đây hôm nay tham dự lễ Chung Thất Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang, Người đã sống suốt đời như tấm gương minh chứng khổ đau có thể thắng vượt. (…) Là đại biểu Quốc hội, tôi xin hứa với quý vị rằng tôi đấu tranh cho sự tự do của GHPGVNTN đến hơi thở cuối cùng. Nếu trong cuộc đời tôi chí nguyện đem lại hoà bình và tự do cho GHPGVNTN không thành, tôi sẽ đội mồ sống dậy đeo đuổi chính quyền Việt Nam bắt họ phải để cho dân Việt tự do ».
Tiểu Sử Đại Lão Hòa thượng Thích Hộ Giác

Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, thế danh Ngô Bửu Đạt, sanh ngày 14-1-1928. Mẹ mất sớm, thân phụ Ngài xuất gia nên Ngài vào chùa lúc 5 tuổi. Thân phụ Ngài, Hòa Thượng Thiện Luật là một trong những danh tăng đưa Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam và sau nầy trở thành Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Hòa Thượng Thích Hộ Giác trong thời niên thiếu là một học tăng xuất sắc của Trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pnom Penh. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng tại trường nầy Ngài sang Miến Điện và Tích Lan nghiên cứu Phật học. Với sự lỗi lạc hai văn hệ Phạn ngữ và Pali, Ngài được tuyển thỉnh làm một trong 2500 thành viên của lần Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển thứ VI tổ chức tại Ngưỡng Quang, Miến Điện năm 1957.
Sau nhiều năm du học ở xứ người, Hòa thượng trở về Việt Nam nhận chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam và thành lập Phật Học Viện Pháp Quang nơi đào tăng hơn phân nửa số lượng tăng tài của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
Pháp nạn 1963 là biến cố chấn động toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Ngài tham gia Ủy Ban Liên Phái và bị bắt cầm tù. Khi bản hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời Ngài trở thành một trong những thành viên sáng lập cơ cấu Giáo hội và giữ nhiều trách vụ quan trọng như Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp.
Năm 1981 trước sự thúc ép của Ban Tôn Giáo, nhà cầm quyền buộc Ngài tham gia Giáo Hội do Hà Nội thành lập nên Ngài quyết định rời Việt Nam qua ngã đường bộ Kampuchia. Năm 1982 Ngài định cư tại Hoa Kỳ.
Một năm sau đó, cùng với tám vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại mà bản thân Ngài được hội đồng thỉnh cử vai trò Tổng Thư Ký.
Năm 1992, khâm tuân lời kêu gọi Đức Đệ Tam Tăng Thống, Ngài cùng đông đảo chư tôn đức và quí cư sĩ thành lập Uỷ ban Vận động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Không lâu sau đó, cơ cấu nầy được Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ủy nhiệm vai trò Văn Phòng II Viện Hóa Đạo mà Ngài là chủ tịch Hội Đồng Điều Hành cho tới nay.
Năm 2008, với sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, Đức Đệ Tứ Tăng Thống ban hành Giáo chỉ suy cử Đại lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác lên tôn vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 Mậu Thìn, tại xã Thanh Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời thờ Phật. Thân sinh ngài là cụ Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu ngài là cụ Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Ngài có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và ngài là con út.
Năm 1934, ngài theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia theo Hoà thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, được cho pháp danh Quảng Độ, tu học tại Phật học viện Quán Sứ ở Hà Nội.
Năm 1944 Ngài thụ giới Sa di, năm 1947, thụ giới Cụ túc. Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Bắc Việt do cố Hoà Thượng Thích Tố Liên lãnh đạo cử Ngài đi Tích Lan theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.
Năm 1953 Ngài qua Ấn Độ, theo học tại Đại học Vishva Bharati University, Santiniketan ở Tây Bengal. Trong thời gian du học Ấn Độ, ngài có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây tạng…Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963 Ngài bị bắt cùng chư Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, đông nhất tại hai thành phố Saigon và Huế.
Sau cuộc đảo chính của giới quân nhân ngày 01.11.1963 ngài được tha về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, di chuyển phải bò vì không thể đứng trên hai chân. Vì vậy mà sau khi được phóng thích, ngài nghỉ trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, ngài mới bình phục về nước. Trên đường về ngài ghé các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường :
- Phật học viện Huệ Nghiêm.
- Phật học viện Từ Nghiêm.
- Phật học viện Dược Sư.
- Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon).
- Viện đại học Hoà Hảo (An Giang).
- Giáo Hoàng Học viện Piô X (Dalat).
Năm 1972, ngài tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong chức vụ Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hoá Đạo.
Năm 1974, Đại hội kỳ 6 bầu Ngài làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Kể từ sau ngày 30.4.1975, khi bộ đội Cộng sản miền Bắc chiếm toàn cõi miền Nam, thì cùng với toàn dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị phân biệt đối xử theo chính sách trả thù nhân dân miền Nam của kẻ chiến thắng. Pháp nạn thứ ba chụp lên toàn bộ hàng giáo phẩm GHPGVNTN. Mặt khác, nhà cầm quyền Cộng sản chiếm dụng tất cả cơ sở của Giáo hội từ Viện Đại học Vạn Hạnh, các trường Trung và tiểu học thuộc hệ thống Trường Bồ Đề, cho đến chùa viện, cơ sở văn hóa và xã hội từ thiện. Cuộc phản kháng chính sách đàn áp Phật giáo khởi đầu bằng những kiến nghị. Nhưng ngày càng trở nên trầm trọng và quyết liệt khiến xẩy ra cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni hôm 2.11.1075 tại Thiền viện Dược Sư, ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.
Với tư cách Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, Ngài dẫn đầu phái đoàn về Cần Thơ lập hồ sơ. Nhưng toàn bộ hồ sơ gồm các chứng liệu, băng từ ghi 7 lời thỉnh nguyện của Đại đức Thích Huệ Hiền trước khi tự thiêu, hình chụp và phim quay tại hiện trường đều bị công an tịch thu. Ngày 3.3.1977, nhà nước tiến thêm một bước chiếm dụng Cô Nhi viện Quách Thị Trang ở Saigon, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử phát động cao trào đòi hỏi Nhà nước cộng sản hoàn trả tài sản của Giáo hội. Cuộc đấu tranh gay go và bị Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp.
Ngày 6.4.1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh ở Sàigòn do Bộ Nội vụ quản lý, cùng với cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Huyền Quang, v.v... Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, nên sau 18 tháng tù giam, ngày 10.12.1978 Nhà cầm quyền cộng sản đưa ngài ra Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử, kêu án 2 năm tù treo và quản chế tại chỗ.
Năm 1978, hai Giải Nobel Hòa bình người Ái Nhĩ Lan là bà Mairead Corrigan và bà Betty Williams đề cử Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình.Cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang,
Ngài phản đối việc Cộng sản chính trị hóa và công cụ hóa Phật giáo, nên Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang bị Nhà cầm quyền bắt ngày 25.2.1982, trục xuất khỏi thành phố Saigon, dùng xe công quyền chở về lưu đày nơi nguyên quán miền Bắc tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Quyết định số 71/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lưu đày Ngài khỏi Saigon không thông qua một tòa án nào cả, chỉ căn cứ vào Quyết định số 123/CP ngày 8.7.1968 của Hội đồng Chính phủ "về việc cấm những phần tử có thể gây nguy hại cho trật tự an ninh cư trú ở những khu vực quan trọng". Một tội khác mà chấp pháp cộng sản không ngừng lên án trong những ngày thẩm cung là : “Làm tôn giáo tức là làm chính trị”.
Kể từ cuộc lưu đày năm 1982 này, Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang là hai nhà lãnh đạo duy nhất của GHPGVNTN, tay không tấc sắt, sau lưng không có binh đoàn nào. Nhưng bằng ý chí bất khuất với con tim vô úy, hai Ngài đã tái lập vị trí và danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong lòng dân tộc cũng như trên trường quốc tế, không để cho Giáo hội tiêu trầm như người Cộng sản mong ước, và trước sự thờ ơ hay sợ hãi của đám đông.
Năm 1992, Ngài gửi thư chất vấn nhà cầm quyền Cộng sản lý do quản chế ngài không thông qua xét xử hay án lệnh toà án. Ngài hẹn trong vòng một tháng nếu không được nhà cầm quyền hồi âm, ngài sẽ tự giải chế. Không được phản hồi, Ngài tự động lấy tàu trở về Saigon nơi trụ xứ Thanh Minh Thiền viện.
Năm 1994, theo lời giao phó của Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Ngài đứng ra tổ chức lại cơ cấu hoạt động của GHPGVNTN, mà việc đầu tiên là Ngài ra lệnh cho tất cả cơ sở của Giáo hội dựng bảng hiệu GHPGVNTN trên các chùa viện của mình. Bắt đầu Ngài dựng bảng Văn phòng Tổng Thư ký GHPGVNTN tại Thanh Minh Thiền viện. Nhà cầm quyền Cộng sản phản ứng và chống đối mạnh mẽ chiến dịch dựng bảng GHPGVNTN ấy.
Cuối năm 1994, nạn bão lụt trầm trọng xẩy ra tại đồng bằng sông Cửu Long gây chết chóc và nửa triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ngài tổ chức phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ với những đoàn xe mang thuốc men, mền chiếu, thực phẩm. Nhưng đến chuyến cứu trợ thứ ba thì bị nhà cầm quyền khủng bố. Ngài bị bắt ngày 4.1.1995 cùng với chư Tăng trong đoàn cứu trợ là các Thượng toạ Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Toà án Nhân dân Saigon đem ra xử hôm 15.8.1995, Ngài lảnh án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội đi cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt và đưa về giam ở trại tù Ba Sao, tỉnh Nam Hà, miền Bắc.
Thời gian bị lưu đày 10 năm ở tỉnh Thái Bình, Ngài khởi công dịch bộ Phật Quang Đại từ điển gần tám nghìn trang. Công việc chưa hoàn tất thì bị bắt. Ngài mang theo ra nhà tù Ba Sao làm tiếp. Nhưng quản giáo nhà tù ngăn cấm. Ngài phải tranh luận quyết liệt mới được ban quản trại chấp thuận. Nhưng ngày ân xá vào cuối năm 1998, ban giám trại không cho ngài mang công trình dịch thuật theo về, bảo rằng Ngài phải làm đơn xin để họ xét. Ngài bảo rằng công trình của tôi dịch thuật, mà nay phải đi xin các ông ư ? Ngài bỏ lại công trình này ở Ba Sao, và phải mất 2 năm sau mới hoàn tất lại việc đã làm trong tù. Bộ Phật Quang Đại Từ điển xuất bản 6 tập (7374 trang, khổ 18x25) năm 2000.
Vì tình hình đàn áp trong nước tiếp diễn không ngưng, nên Giáo hội không thể tổ chức Đại hội VIII GHPGVNTN theo Di chúc của Đức cố Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu. Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện ban hành Giáo chỉ giao phó cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo – GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức Đại hội VIII tại Hoa Kỳ ngày 14 – 16.5.1999 nhằm chấn chỉnh Phật sự theo tình hình mới. Tại Đại hội này Ngài được thỉnh cử vào ngôi vị Viện trưởng Viện Hoà Đạo.
Ngày 21.2.2001, Ngài ban bố Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam với một chương trình 8 điểm thực hiện tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Đồng bào các giới trong và ngoài nước tỏ lời tán thán ủng hộ. Hàng trăm nhân vật quốc tế ký tên hậu thuẫn khi Lời Kêu gọi được công bố tại LHQ tháng 4.2001, và lần đầu tiên trên ba trăm nghìn (308.027) người Việt hải ngoại ký tên hậu thuẫn. Vì lời kêu gọi này mà Ngài bị nhà cầm quyền Cộng sản ra lệnh quản thúc 2 năm.
Tết Ất Dậu, 2005, Ngài gửi Thư Chúc Xuân đến quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Đồng bào trong và ngoài nước kêu gọi kết liên thực hiện tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Bức thư gây phấn chấn đồng bào trong và ngoài nước. Sự hưởng ứng Bắc Nam trong giới hoạt động nhân quyền và dân chủ lần đầu tiên được thiết lập, mở ra giai kỳ mới cho sự kết đoàn có tính dân tộc và toàn quốc.
Ngày 4.11.2006, Sáng hội Rafto, nước Na Uy, trao Ngài Giải Nhân quyền Quốc tế. Sáng hội tuyên dương : “Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp [cao trào dân chủ và nhân quyền] nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi”.
Nhiều giải quốc tế khác cũng đã vinh danh Ngài như Giải Nhân quyền Hellman-Hamet năm 2001, Giải “Người với Người” năm 2003 của Tiệp mà Tổng thống Vaclav Havel là thành viên trong ban chấm giải, và Giải “Dũng cảm Dân chủ” do 600 nhà dân chủ thuộc 125 quốc gia họp tại thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, vinh danh ngày 5.4.2006.
Ngày 27.12.2007, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, Ngài ra Tuyên cáo về việc Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trao quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân như kế sách dân tộc mỗi khi có ngoại xâm trong truyền thống văn minh nước Việt. Vì lẽ “ba triệu đảng viên Cộng sản và nửa triệu bộ đội hiện tại chưa đủ thế và lực bảo vệ tổ quốc trên mặt quốc phòng, chưa đủ uy và dũng mở rộng mặt trận chính trị và ngoại giao quốc tế, mà cần tới sự tham gia toàn diện của 85 triệu dân và khối lượng Người Việt hải ngoại”. Để đạt tới sự tham gia toàn quốc, Nhà cầm quyền Hà Nội phải “loại bỏ ngay điều 4 trên Hiến pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình tôn giáo và chính trị”, hầu tiến tới việc “cấp tốc triệu tập Hội nghị Diên Hồng cho thế kỷ XXI”.
Không riêng vấn đề Việt Nam, mà các biến động xẩy ra cho các nước Châu Á cũng là mối quan tâm của Ngài. Tháng 9.2007 Ngài viết thư cho ông Tổng Thư ký LHQ yêu cầu can thiệp cho phong trào dân chủ Miến Điện ngay vào lúc chính quyền quân phiệt đàn áp đổ máu chư Tăng và nhân dân Miến. Tháng 3.2008 Ngài viết thư cho Đức Dalai Lama chia sẻ và hậu thuẫn chư Tăng và nhân dân Tây Tạng đang bị Trung quốc nổ súng giết tại thủ đô Lasha và các tỉnh, đồng thời kêu gọi Trung quốc mở cuộc nghị hoà để giải quyết vấn đề Tây Tạng tồn đọng quá lâu.
Từ chốn lưu đày, hay trở về nơi trụ xứ quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon, trong cương vị Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài là người phụ tá đắc lực cho Đức cố Đệ tứ Tăng thống đưa con thuyền Giáo hội qua bao cơn phong ba, bão táp.
Có những lúc Giáo hội nghiêng ngửa vì nội ma ngoại chướng, Ngài không muốn người đời hiểu lầm Ngài tham quyền cố vị, nên Ngài nhường việc Phật sự Giáo hội cho lớp Tăng nhiều tham vọng. Nhưng đơn xin từ chức của Ngài không được Đức Tăng thống chấp thuận. Hồi đáp qua bức thư tay, Đức Tăng thống viết tại Tu viện Nguyên Thiều hôm 11.11.2005 cho thấy sự gắn bó, tin tưởng, tương thân tương ái và chí tình giữa hai ngài như hình với bóng. Có đoạn Đức Tăng thống viết rằng :
“Tôi nghĩ lại trong thời gian quá khứ cũng như hiện tại, tôi và ngài đều bị tù đày cho Giáo hội, mọi sự khó khăn và phiền não chúng ta đã vượt qua. Nay vì những lời xuyên tạc của một số vị lãnh đạo Giáo hội chúng ta và bên ngoài đã làm xáo trộn hàng ngũ của Giáo hội. (...) Chúng ta trong quá khứ cũng thường bị trong ngoài nói thế này thế khác. Nhưng những việc ấy rồi cũng qua đi, nếu chúng ta không sáng suốt để bên ngoài hay bên trong thao túng gây khó khăn ngộ nhận thì chúng ta và cả Giáo hội chúng ta làm sao tồn tại đến ngày hôm nay”.
Năm 1988, cô đơn nơi đất trích Thái Bình, Ngài làm bài thơ “Gửi Thượng tọa Huyền Quang” tặng Đức cố Tăng thống :
Tôi với Người thực là may mắn
được cùng nhau chia xẻ “ngọt bùi”
đất Quang Trung người nằm ngắm bầu trời
quê Quế Đường
tôi ngồi nhìn vũ trụ
cứ đêm đêm tôi thả hồn theo cánh gió
về thăm Người
Người có biết hay chăng !
Qui Nhân, Thái Bình chung một vầng trăng
như tâm ta không hai mà một
vòi vọi núi dao hừng hừng lửa đốt
ta nhảy vào
tất cả đau thương và sầu khổ
bừng tâm ta
hết thảy đều không !
Đêm nay như vừng trăng trên vạn dòng sông
Người là tất cả
tôi cũng là tất cảtất cả
chảy vào biển Quả
quả yên vui giải thoát giữa dòng đời.

Điều cảm động, là những lúc nhớ nhau, mãi cho đến những ngày gần đây, Đức Tăng thống thường gọi thị giả bảo đọc lại bài thơ này cho Đức Tăng thống nghe. Và như thế, đã không biết bao nhiêu lần.
Trên phương diện trước tác, thì các Kinh sách Ngài đã phiên dịch hoặc viết ra từ năm 1958 cho đến năm 1975 của thế kỷ trước gồm có :
- Kinh Mục Liên, 3 quyển.
- Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 7 quyển.
- Truyện Cổ Phật Giáo
- Thoát Vòng Tục Luỵ (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân.
- Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan.
- Dưới Mái Chùa Hoang (tập truyện phóng tác).
Sau năm 1975 gồm có :
- Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo. Sách này Ngài gửi cho Ông Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng CS Việt nam, ngày 19.8.1994, được Nhà xuất bản Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành tại Paris năm 1995, tái bản lần 3.
- Thơ Tù, gồm các bài thơ làm trong thời gian bị tù giam và quản chế lưu đày. Nhà xất bản Quê Mẹ ấn hành năm 2007, tái bản lần 3.
- Bộ Phật Quang Đại Từ Điển gồm 6 tập, 7374 trang, khổ 18x25 dịch trong thời gian ở tù giam và quản chế lưu đày. Ấn hành năm 2000.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

BẢN TIN SINH HOẠT THÁNG 8

BẢN TIN SINH HOẠT THÁNG 8

Theo qui định chung kể từ tháng 6 ngày sinh hoạt định kỳ của Liên Khuôn Phật Học sẽ được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Trong tháng 7 vì chuẩn bị cho việc Liên Khuôn tổ chức lễ Tưởng nguyện và Cung Tiển Giác Linh Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống nên không giữ được qui định thường xuyên mà phải họp liên tiếp 2 lần tại nhà Đạo hữu Chơn Diệu.
Qua tháng 8 theo Thông báo của Giáo Hội v/v Lễ Chung Thất của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống được tổ chức tại Chùa Pháp Luân Houston. Chúng tôi gồm Đạo hữu Quảng Hưng Chánh đại Diện Liên Khuôn, Chơn Diêu Uỷ Viên Điều Hành và Tâm Mỹ Uỷ viên Tài chánh xã hội đã bàn định và thống nhất sẽ đại diện Liên Khuôn đi Houston dự lễ. Rất tiếc gần đến ngày thì phương tiện di chuyển trở ngại nên dự tính không thực hiện được. Do vậy ngày sinh hoạt định kỳ cũng phải dời lại ngày Chủ Nhật 10/8 tại nhà Đạo Hữu Tâm Vị.
Đúng hẹn Anh Chị Em Đạo hữu cũng đã tề tựu đông đủ , ngoại trừ các Anh chị đã cáo vắng vì bận việc riêng. Có trường hợp đáng tiếc là có Đạo hữu đã sẵn sàng chờ xe đón như mọi khi nhưng Đạo hữu thường đón lại bận việc không đi dự và cũng không báo nhờ Đạo hữu khác đón hộ. Khi chờ lâu gọi điện thoại mới vỡ lẽ thì đã khá chiều và lại ở khu vực xa nên đành vắng nhau một kỳ vậy. Thật đáng tiếc và rút kinh nghiệm cho các lần sau.
Ngày Sinh hoạt tháng 8 gần cận Lễ Vu Lan nên Toàn thể Đạo hữu nhất tâm cử Hàng Lễ Vu Lan theo nghi thức tụng niệm phổ thông.
Quang cảnh chung đã được gia chủ Tâm Vị+Phổ Tôn chuẩn bị chu đáo lại còn mới gắn một máy lạnh để các Bác mát mẽ tung kinh theo lời gia chủ nói, nghe mà thấy rõ tấm lòng hiếu khách hiếu đạo thật đáng quí.
Trước Bàn Thờ khói hương nghi ngút, hoa đăng rực rỡ; Theo tinh thần tu học đã đồng thuận tuần tự luân chuyển , hôm nay Ban nghi lễ do thành phần nhân sự mới gồm Đạo hữu Chơn Diệu Chủ lễ, Đạo hữu Tâm Mỹ Duy na và Đạo hữu Thiện Tín Duyệt chúng.

Khóa lễ Vu Lan đã được toàn thể đạo tràng thành tâm thực hiện nghiêm trang nhịp nhàng chỉ thiếu phần tán sám của các Bác Bậc Thầy chưa truyền dạy kịp như chương trình tu học đã dự định.
Sau Khoá lễ gia chủ mời trà bánh đồng thời với phần 2 là sinh hoạt. Đạo Hữu Chơn Diệu thông báo Liên Khuôn Phật Học do Đạo hữu Quảng Hưng và Chơn Diệu đã đến Đại Nhạc Hội Cám ơn Anh để gởi 300 đô góp phần vào ngân khoản cứu trợ Thưong Phế Binh VNCH. Tất cả hiện diện đều hoan hỷ. Tiếp đến Đạo hữu Tâm Mỹ đã báo chi tiết thu chi trong dịp Lễ Tưởng nguyện với các chứng từ kèm. Tất cả đều hoan hỷ với sự đồng tâm hiệp lực từ tịnh tài đến công sức để vươt qua khó khăn trở ngại ban đầu.
Sau đó là phần trao đổi một vài kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong các nghi thức .
Buổi sinh hoạt và trò chuyện thân mật đã kéo dài đến 6 giờ chiều, ai nấy ra về cười chào vui vẽ hẹn gặp nhau kỳ sau cũng vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 9 ( ngày 7) tại nhà Đạo hữu Quảng Hưng.
Ngoài ra ngay khi nhân được tin Công bố Chúc Thư đã suy cử Quí Ngài vào các chức vụ Lãnh Đạo Giáo Hội, tôi đã liên lạc điện thoại với Đạo hữu Nguyên Hoà (Minh) đang tham dự lễ tại Houston để xác nhận và Liên Khuôn đã có Thơ và Điện gởi chúc mừng cũng như trước đây khi biết tin Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch Liên Khuôn cũng đã có THƠ và điện phân ưu.
Từ nay Bản tin hàng tháng sẽ được gởi đi giữa mỗi tháng để thuận tiện cho việc thông báo việc Phật sự tháng sau cho các Đạo hữu không có Email nhận bằng thư thường. Rất mong Quí Đạo Hữu thu xếp công việc cố gắng tham dự thật đông đũ kỳ sinh hoạt tới trong tháng 9 ( ngày 7) để cùng nhau bàn thảo một số đường hướng và công việc nhằm cũng cố việc tu học và sinh hoạt Liên Khuôn vững vàng hơn nữa.
Nguyên cầu Hồng Ân Tam Bảo Gia hộ Liên Khuôn Phật Sự như nguyện.

Westminster, ngày 17 tháng 8 năm 2008.
THANH TRÚC/CHƠN DIỆU

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tường thuật Tang lễ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 13.8.2008
Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tường thuật Tang lễ Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang – Khóa Tu học Cư sĩ 3 ngày và Lễ Chung thất Đức cố Tăng thống tại chùa Pháp Luân ở Houston, bang Texas, Hoa Kỳ




PARIS, ngày 13.8.2008 (PTTPGQT) - Trong thông cáo báo chí ngày 27.5 vừa qua chúng tôi đã loan tải một Khóa học Mùa hè dành cho giới Cư sĩ Phật giáo do Ban Đại diện Miền Thiện Luật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tại Chùa Pháp Luân, 13913 South Post Oak Rd Houston, Texas 77045 vào trung thuần tháng 7. Nhưng sau đó, vì lý do Tang lễ Đức cố Tăng thống nên khóa học đã phải tạm thời dời lại. Nay theo công bố của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Chánh Đại diện Miền Thiện Luật, thì Khóa học mùa hè dự trù nói trên sẽ được thực hiện vào ba ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật 15, 16, 17 tháng 8 năm 2008 tại cùng địa điểm nói trên.

Thành phần giáo thọ gồm có HT Thích Hộ Giác, Hoà Thượng Thích Chánh Lạc, Pháp Sư Thích Giác Đức, HT Thích Huyền Việt, HT Thích Viên Thành, HT Thích Thiện Tâm, TT Thích Phước Nhơn. TT Thích Viên Lý, Kim Cang Đại Sư Tashi, TT Thích Giác Đẳng, ĐĐ Thích Trí Quảng, ĐĐ Thích Trí Tịnh, Giáo Sư Võ Văn Ái, Nữ sĩ Ỷ Lan.

Giáo trình gồm những môn học như sau : Kinh điển Đạo Phật, hệ Nam Phạn Pali - Kinh điển Đạo Phật, hệ Hán ngữ - Ảnh hưởng của đạo Phật trong xã hội Tây phương - Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Mạn-Đà-La và Thiền định Mật tông – Thiền Tứ Niệm xứ - Ngôi chùa và Cộng đồng Người Việt Hải ngoại - Vai trò Hộ Quốc và Hộ Pháp của người Cư sĩ – Nghi thức tụng niệm Nhật hành cho người Cư sĩ - Áp dụng Tin học vào việc học Phật.

Đặc biệt tối thứ Bảy 16-8-2008 lúc 7 giờ tối sẽ có chương trình Hội thảo với đề tài : « Những đóng góp Phật sự của người Cư Sĩ » do nữ sĩ Ỷ Lan điều phối dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo. Và sáng Chủ Nhật 17-8-2008 lúc 8 giờ sáng sẽ có chương trình Hội thảo chủ đề : « Ứng dụng Phật pháp trong đời sống gia đình ».

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc : Chùa Pháp Luân 713-433-4364, Mai Đào (713) 297-1725

Thời gian của Khóa học Cư sĩ sẽ được kết hợp với hai lễ trọng của Phật giáo là Lễ Vu Lan Báo Hiếu và Lễ Chung Thất Đức Cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Theo thông báo của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Trưởng ban Tổ chức, cho biết thì thừa ủy nhiệm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), chùa Pháp Luân sẽ tổ chức lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống vào cuối tuần 16 và 17 tháng 8 năm 2008 dưới sự chủ trì và chứng minh của chư tôn giáo phẩm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo GHPGVNTN cùng ngày với đại lễ Vu Lan Chùa Pháp Luân. Đại quan chương trình sẽ diễm tiến như sau :

Ngày Thứ Bảy 16-8-2008 : Khai mạc Triển Lãm Về Cuộc Đời Của Đức Đệ Tứ Tăng Thống do Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế thực hiện lúc 10 giờ sáng. Đàn Tràng Báo Ân để cầu nguyện Linh quyền cho người chết, Nhân quyền cho người sống theo tinh thần Đức Đệ Tứ Tăng Thống kêu gọi lúc sinh tiền. Đàn Tràng Báo Ân chính thức khởi sự lúc 2 giờ trưa.

Ngày Chủ Nhật 17-8-2008 : Nghi thức lễ Chung Thất chính thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa theo hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông. Tiếp theo là tuyên đọc Di chúc và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống và Đạo từ của Hội Đồng Lưỡng Viện.

Nhân dịp Chung Thất nầy, Giáo Hội đã cho ấn hành tập Kỷ yếu 200 trang về Cuộc đời và Hành trạng của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang.

Kính mời quí đồng hương, đồng bào Phật tử xa gần về tham dự đại lễ Chung thất để tưởng niệm một bậc Cao tăng đương đại đã phụng hiến cuộc đời cho quê hương, đạo pháp và hạnh nguyện độ sanh.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được từ Văn phòng Viện Tăng thống bàn Tường Thuật Tang lễ Đức Cố Đệ tứ Tăng thống do Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, thực hiện. Xin đăng tải nguyên văn sau đây để chư Tôn đức, đồng bào Phật tử và đồng bào các giới theo dõi cuộc Tang lễ có một không hai tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định :




GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG


--------------------------------------------------------------------------------



BẢN TƯỜNG THUẬT TANG LỄ
Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN




Kính bạch chư tôn Hoà Thượng, chư Thượng Toạ Đại Đức Tăng Ni,
Thưa Phật tử các giới, trong và ngoài nước.

Cho đến nay tang lễ đức cố đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN, Đại lão Hòa thượng thượng Huyền hạ Quang, đã đi qua gần 49 ngày, mà vẫn còn những đồn đãi xuyên tạc, nhằm triệt phá uy tín GHPGVNTN ở trong và ngoài nước, trên đài báo nhà nước và mạng lưới điện toán toàn cầu. Mặc dù bận nhiều Phật sự tồn đọng sau tang lễ đức Tăng Thống, nhưng tôi thấy cần có bản tường thuật này để giúp cho ai nấy nhận ra được đâu là chánh đâu tà, đúng sai trong thời gian tang lễ vừa qua. Tôi xin được phân làm nhiều giai đoạn từ ngày nhập viện đến ngày cử hành cung nghinh Kim quan đức đệ tứ Tăng Thống nhập Bảo tháp như sau :


1. Đức Tăng Thống vào bệnh viện.

Ngày 27/5/2008, chúng tôi được quý thầy ở tu viện Nguyên Thiều cấp báo cho biết đức Tăng Thống trở bệnh đã đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Từ Sài Gòn, Hoà Thượng Viện trưởng, TT Viên Định, Viện phó cùng các Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện, cấp tốc đáp xe lửa ra Bình Định. Từ Huế, Đà Nẵng chúng tôi cùng Hòa thượng Tổng vụ Tăng sự, Thượng tọa Tổng vụ Thanh Niên và Đạo hữu Lê Công Cầu Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam... vội vàng lấy vé xe khách đi suốt đêm, tờ mờ sáng 28/5/2008 chúng tôi đến Tu viện Nguyên Thiều. Chúng tôi không gặp bất cứ trở ngại nào, mặc dù quanh chúng tôi có rất nhiều chú Công an làm nhiệm vụ bám sát theo dõi. Chúng tôi không gặp trở ngại có lẽ vì Hà Nội vừa tổ chức Phật Đản LHQ 2008 (19/5/2008), Phái đoàn Nhân quyền của Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội (29/5/2008). Nhất là Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp công du Hoa Kỳ (02/6/2008).

Sáng 28/5/2008, chúng tôi 20 người, thuộc thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, được quý thầy tu viện Nguyên Thiều và môn đồ, thị giả đức Tăng Thống, hướng dẫn đến bệnh viện Đa Khoa hầu thăm đức Tăng Thống. Tại sân bệnh viện chúng tôi thấy có trên 15 người, ai cũng cầm máy ảnh, ống kính quay film, châu về phía chúng tôi làm việc. Họ đứng cách chúng tôi từ 3-5m và lẫn vào phía nhân viên bệnh viện, hoặc thân nhân nuôi bệnh. Tuy vậy, các vị chỉ quay film chụp hình, không có động thái nào khác.

Vào phòng đức Tăng Thống, tại đây chúng tôi thấy bệnh viện Đa Khoa đã dành cho đức Tăng Thống một phòng đặc biệt, rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Ngoài cửa phòng, có ghi tên bác sĩ điều trị với những lời dặn dò người thăm bệnh, chẳng hạn : bệnh nặng hạn chế thăm viếng, không nói chuyện nhiều với bệnh nhân...

Tại phòng nằm của đức Tăng Thống, chúng tôi thấy đức Tăng Thống đã vượt qua cơn nguy kịch. Ngài nhìn và nhận ra từng người một, gương mặt tươi tỉnh, cười nhưng chỉ nói được một vài lời không rõ lắm, vì sức yếu và mệt.

Trên người đức Tăng Thống, có gắn dây thở oxy liền với bình oxy, dây chuyền đạm, dây và máy đo nhịp tim. Tại đây chúng tôi được cho biết hiện đức Tăng Thống đang phải điều trị 3 triệu chứng cùng một lúc : tràn dịch phổi, sưng gan và suy tim ! Trước tình huống khiếm an của đức Tăng Thống, chúng tôi ai cũng bâng khuâng lo lắng.

Sau 10 phút thăm viếng, chúng tôi đành phải tạm rời đức Tăng Thống, trở về Tu viện Nguyên Thiều. Chiều cùng ngày 28/5/2008 chúng tôi mở cuộc họp mặt giữa môn đồ pháp quyến và Hội đồng Lưỡng Viện, để duyệt xem bệnh tình của đức Tăng Thống như vậy thì tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Quy Nhơn hay xin chuyển viện. Buổi gặp mặt này, các môn đồ pháp quyến đã thỉnh cầu xin để đức Tăng Thống lưu lại chữa bệnh tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn, chờ thêm biến chuyển ra sao sẽ tính lại. Bây giờ sức khoẻ Ngài còn quá yếu, đi xa lỡ có chuyện gì sẽ không hết tiếng. Nghị hội ai cũng đồng thuận lời thỉnh cầu của môn đồ pháp quyến. Trong buổi họp này một số vị trong phái đoàn Sài Gòn gồm Hòa thượng Viện trưởng, Thượng tọa Viên Định, Đại đức Viên Hỷ và thầy Đồng Minh quyết định ở lại Tu viện Nguyên Thiều để mỗi tuần đến bệnh viện thăm đức Tăng Thống 2 lần vào thứ năm và chủ nhật lúc 9h sáng theo quy định của bệnh viện. Phái đoàn Huế, Đà Nẵng xin được về để tiếp tục các Phật sự. Có gì bất trắc sẽ trở vào lại.

Con cái ở xa, nghe bố mẹ già lâm bệnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, thì ai nấy bôn ba hốt hoảng tìm về. Đó là hiếu hạnh của kẻ làm con đối với ông bà cha mẹ, nòi giống tổ tiên ta bao đời xưng tụng. Và đây, cũng chính là nét đẹp truyền thống Việt nam, bốn ngàn năm văn hiến

Đức Tăng Thống năm nay tuổi đã 89, trở bệnh phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi từ Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng vội vã về tu viện Nguyên Thiều, tâm trạng ai nấy lo âu về bệnh tình đức Tăng Thống, không may có mệnh hệ gì ! Dù đây là chuyện bình thường như muôn ngàn chuyện bình thường khác trong xã hội.

Thế nhưng báo chí nhà nước, điển hình là tờ Thanh Niên số ra ngày 03/6/2008, đã chụp lấy cơ hội đức Tăng Thống lâm trọng bệnh, phái đoàn các nơi từ Sài Gòn ra, Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng đổ về Bình Định ngày càng đông, nên báo chí, đài phát thanh truyền hình nhà nước, loan tin thất thiệt với đủ thứ luận điệu rẻ tiền, xuyên tạc, ác ý và chụp mũ nhiều điều mà thâm tâm chúng tôi không hề nghĩ tới, nhằm khủng bố tăng tín đồ Phật giáo không cho đến Bình Định thăm viếng đức Tăng Thống ; chiến dịch này tiếp nối cuộc đánh phá, quyết triệt tiêu GHPGVNTN trong nước, nhất là đánh phá Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Ngôn từ được sử dụng trong mấy tờ báo nhà nước nghe sao không giống tỉ ti nào văn hoá nòi giống Âu Lạc !

Trong thời gian 10 hôm, kể từ ngày đức Tăng Thống vào điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn (27/5/2008), Ban Đại Diện và Tăng Ni Phật tử, từ các tỉnh, thành phố đổ về Bình Định thăm đức Tăng Thống ngày càng đông, nhất là các đoàn thể Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN), từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng do Thượng tọa Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên Thích Thanh Quang và Vụ trưởng Lê Công Cầu hướng dẫn, đổ về Tu viện Nguyên Thiều bái yết đức Tăng Thống và thăm viếng Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Có ngày lên tới 200 người.


2. Đức Tăng Thống được chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện Đa Khoa.

Ngày 17/6/2008, đức Tăng Thống không thở được, phải chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện, để dùng máy hút đàm. Sức khoẻ đức Tăng Thống suy giảm nhanh chóng thấy rõ. Sau hơn 20 ngày chữa trị, đã không thuyên giảm, lại có hiện tượng xấu hơn. Đức Tăng Thống không còn dùng được cháo nghiền nhuyễn như những ngày trước đây, mà nay bệnh viện phải cho đức Tăng Thống dùng thức ăn, được xay nhuyễn, bơm qua đường mũi vào dạ dày. Tại phòng cấp cứu, đức Tăng Thống bị cách ly hoàn toàn với người nhà nuôi bệnh và người vào ra thăm viếng. Vào phòng đức Tăng Thống phải qua một cánh cửa sắt được kéo lại và khoá ở bên trong. Muốn vào thăm, phải đợi 15-20 phút mà chưa có người mở cửa. Vào rồi chỉ được thăm 1 phút, lâu hơn thì sẽ có người đến nhắc nhở nói năng khó chịu. Xem ra, chúng tôi không có quyền chăm nom, thăm viếng đức Tăng Thống. Mọi việc đều do môn đồ pháp quyến. Gần như người ta đã sắp đặt để loại chúng tôi ra khỏi mọi sự liên lạc với đức Tăng Thống. Bệnh viện chỉ biết môn đồ pháp quyến mà không cần biết ai khác. Chúng tôi có cảm tưởng căn phòng cấp cứu này là phòng biệt giam “ bệnh nhân can phạm” !


3. Phiên họp khẩn.

Trước tình trạng sức khoẻ của đức Tăng Thống ngày một xấu đi, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo triệu buổi họp khẩn với môn đồ pháp quyến để tìm ra phương án điều trị bệnh có hiệu quả hơn cho đức Tăng Thống.

Sau khi điểm qua bệnh trạng của đức Tăng Thống và phương pháp điều trị của bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Bệnh viện này chỉ là bệnh viện nơi tỉnh lẻ. Quy Nhơn không có trường Đại Học Y Khoa quy tụ giáo sư bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng giảng dạy và điều trị. Ở đây cũng thiếu điều kiện đầu tư đầy đủ dụng cụ y khoa hiện đại. Cũng không đủ các loại thuốc có hiệu quả trị liệu cao. Nhất là phải trị liệu cho bậc cao tăng lỗi lạc, đóng vai trò chủ yếu đòi phục hoạt GHPGVNTN, đòi tự do dân chủ, nhân quyền và tự do Tôn giáo cho mọi tầng lớp dân tộc Việt Nam. Do đó mà bị 30 năm lưu đày, tù tội. Thế giới ngợi ca Ngài nhưng nhà nước CHXHCNVN thì mong sao Ngài hết thở càng sớm càng tốt. Dù cho các giáo sư bác sĩ ở bệnh viện Quy Nhơn có lòng yêu thương Hòa thượng Huyền Quang bao la như biển Thái Bình, cũng chẳng làm gì khác hơn trước tình cảnh mà chính trị chi phối thế giới của “Lương y như từ mẫu” !

Để có thể tiếp tục chữa tốt cho bệnh trạng của đức Tăng Thống, chúng tôi đưa ra 3 phương án thảo luận nhằm tìm phương án tối ưu khả thi :

1. Liên lạc xin chuyển đức Tăng Thống tới bệnh viện tuyến trên. Chẳng hạn như bệnh viện Pháp Việt ở Sài Gòn, trước đây từng chữa trị đức Tăng Thống khỏi bệnh hồi năm 2007. Hoặc bệnh viện Trung Ương Huế, một bệnh viện nổi tiếng khắp miền Trung Việt Nam, nhất là nổi tiếng về kinh nghiệm chữa trị tim mạch ; có đầy đủ y cụ hiện đại.

2. Xin bệnh viện Đa Khoa tạo điều kiện đưa đức Tăng Thống về Tu viện Nguyên Thiều, chữa trị ngoại trú. Mọi phí tổn về thuốc thang, phí tổn bác sĩ, y tá, nhà chùa sẽ chi trả. Y cụ chữa trị, cần thứ nào nhà chùa sẽ báo cho Tăng Ni Phật tử mua sắm. Bệnh viện tạo điều kiện giúp cho một bác sĩ và một hay hai y tá.

Về lại Tu viện Nguyên Thiều đức Tăng Thống sẽ thanh thản, thoải mái hơn, Tăng Ni Phật tử vào ra thăm viếng đức Tăng Thống thuận tiện, vui vẻ hơn. Được nghe kinh kệ chuông mõ, được gần gũi quý Hoà Thượng, Thượng Toạ nhiều hơn. Biết đâu nhờ đấy mà bệnh tình đức Tăng Thống được thuyên giảm dần. Vì đây là yếu tố tâm lý của bệnh nhân, những người có niềm tin tôn giáo.

3. Ttiếp tục điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn.

Qua 3 phương án trên, sau thời gian thảo luận, Hội Đồng Lưỡng Viện đề nghị chọn phương án một, xin liên lạc với bệnh viện tạo điều kiện chuyển đức Tăng Thống đến một trong hai bệnh viện : Sài Gòn, bệnh viện Pháp Việt ; hoặc Huế, bệnh viện Trung Ương Huế. Thầy Minh Tuấn và các môn đồ pháp quyến, không thuận tình chuyển đức Tăng Thống vào Sài Gòn hoặc ra Huế. Bởi lẽ : Sức khoẻ đức Tăng Thống quá yếu không thể đi xa ; các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Qui Nhơn hứa tận tâm chữa trị cho đức Tăng Thống, bây giờ chuyển đi, thấy không đành.

Do đó, Thầy Minh Tuấn thưa tiếp : chúng con xin được để đức Tăng Thống tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn.

Quý Hoà Thượng, Thượng Toạ tuỳ thuận ý kiến môn đồ pháp quyến, và đề nghị thầy Minh Tuấn, thầy Minh Hạnh, hỏi thăm ý kiến bác sĩ về 2 phương án kia để biết ý kiến các vị bác sĩ thế nào.

Chiều hôm sau, thầy Minh Tuấn cho biết, thầy có hỏi ý kiến các vị bác sĩ, họ cho biết muốn chuyển Hoà Thượng đi đâu cũng được, Sài Gòn, Huế, Tu viện Nguyên Thiều... tuỳ ý các thầy. Nhưng bệnh viện không có xe di chuyển bệnh nhân, cũng không thể điều động y tá bác sĩ đi theo. Các vị tự lo liệu lấy. Còn nếu muốn để Hoà Thượng tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Đa Khoa thì, “còn nước còn tát”, chúng tôi sẽ tận tình chữa trị cho Hoà Thượng. Lúc nào bệnh viện thấy không còn cách chữa trị, chúng tôi sẽ thông báo để quý thầy đưa Hoà Thượng về chùa.

Sau đó, chúng tôi nỗ lực liên lạc tìm mời bác sĩ danh tiếng khắp các tỉnh, đã nghỉ hưu, đang làm việc, kể cả những bác sĩ tu sĩ... Nhưng không ai « dám » giúp đỡ, mặc dầu rất thương kính đức Tăng Thống.

Thế là niềm hi vọng đức Tăng Thống có điều kiện chữa trị tốt hơn, để có cơ hội lưu lại với Giáo Hội, với Tăng ni Phật tử thêm vài ba năm nữa, đã vụt tắt ! Kể cả việc xin đưa về lại chùa năm ba ngày để đức Tăng Thống được nghe câu kinh tiếng kệ, nghe dùi chuông tiếng mõ trước khi đức Tăng Thống trút hơi thở cuối cùng, mà cũng không được đáp ứng. Hình như Đức Tăng Thống đang bị quản chế tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Mãi tới phút cuối, khi bệnh viện đồng ý cho trở về Tu viện, thì chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau Ngài đi vào cõi tịch mặc !


4. Những ngày căng thẳng.

Sau khi được thầy Minh Tuấn cho biết, các bác sĩ ở bệnh viện trả lời, các thầy muốn chuyển Hoà Thượng đi đâu cũng được, Sài Gòn, Huế hay về tu viện Nguyên Thiều... tuỳ ý. Nhưng bệnh viện không có xe di chuyển bệnh nhân, không đủ y cụ, cũng không thể điều động y tá, bác sĩ đi theo bệnh nhân. (tôi nhắc lại) Qua đây, chúng tôi thấy đây là một “thế triệt buộc”, ám chỉ cho biết rằng, lệnh quản chế không văn bản, đối với cụ Hoà Thượng Huyền Quang vẫn còn hiệu lực.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đài báo nhà nước tăng cường tung tin thất thiệt, xuyên tạc, khủng bố Tăng ni Phật tử không được về Bình Định vì :

- Ông Quảng Độ, ông Thiện Hạnh, dành nhau tổ chức tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang, để tạo uy tín chính trị cá nhân. Ông Quảng Độ muốn đưa về Sài Gòn, trong khi ông Thiện Hạnh thì lại muốn đưa về Huế... (tôi lược).

- Ông Quảng Độ lợi dụng tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang để công bố một tổ chức bất hợp pháp gọi là GHPGVNTN... (tôi lược).


Chúng tôi không hề nghĩ và cũng không hề làm những điều bất nhân vô đạo như những ai đã từng làm, mà lịch sử nhân loại đang phê phán ! Chúng tôi không hề có tà tâm ác ý, nên cũng không muốn cải chính làm gì.

Ở bệnh viện Đa Khoa, trong khi đức Tăng Thống đang kiệt sức dần, tấm thân tiều tuỵ , nhợt nhạt, da bọc xương, thế mà y tá, bác sĩ vẫn đang tâm lấy máu để thử nghiệm ; tôi nghe thân nhân nuôi bệnh nói, tuy không trực tiếp thấy, thì họ cho ống tiêm vào chỗ này hút máu không có, lại rút ra cho vào chỗ khác vẫn không có máu, lại rút ra, cho vào chỗ khác, mới lấy ra được vài giọt máu. Than ôi ! Tôi không hiểu nhiều về y học, không biết trên thực tế có trường hợp nào như vậy không ? Nếu có, tôi thú nhận tôi yếu kém trong nhận thức y học.

Thời gian này các vị trong môn đồ pháp quyến ai ai cũng bị sức ép nặng nề từ nhiều phía công an, chính quyền, Ban trị sự tỉnh Bình Định... hết sức căng thẳng.


5. Chuẩn bị hậu sự.

Thấy tình trạng sức khoẻ đức Tăng Thống đáng quan ngại, áp lực chính quyền ngày càng gia tăng. Quanh vườn Tu viện Nguyên Thiều, ngoài các lối đi bắt đầu thấy nhiều công an đem lều trại đến che cắm, ăn ở, thậm chí ngang nhiên lấy các phòng học của trường trung cấp Phật Học quanh khuôn viên tu viện làm chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Hoà Thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo huỷ bỏ chuyến dự định trở về Sài Gòn tái khám bệnh và mua thuốc, vì sợ có khi vào rồi không ra được. Chúng tôi từ Huế, được Hòa thượng Viện trưởng gọi vào gấp, sắp xếp công việc để lưu lại tu viện Nguyên Thiều lâu ngày. Sợ đức Tăng Thống có mệnh hệ gì, có thể sẽ không vào lại được.

Nhân sự Hội Đồng Lưỡng Viện về đầy đủ. Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo triệu tập buổi họp giữa Hội đồng Lưỡng Viện và môn đồ pháp quyến bàn bạc một số công việc hậu sự của đức Tăng Thống, như :

– Quan sát lại địa điểm dựng bảo tháp tưởng niệm, cho đào xây kim tỉnh (đức Tăng Thống đã chỉ định ở bên chùa cách tu viện chừng 100m đường chim bay)

– Nơi tôn trí kim quan tại phòng khách của đức Tăng Thống, sẽ cưa, đục bỏ cửa phía phòng khách, để lối vào được rộng rãi.

– Đặt làm kim quan và long vị.

– Kiểm soát lại các bài đọc tiểu sử đức Tăng Thống ( ngắn, gọn) ; Điếu văn và bố trí người đọc.

– Dự kiến thành lập ban tổ chức có nhiều trưởng tiểu ban.

– Thời gian tổ chức tang lễ từ 5 – 7 ngày.

– Tiếp lễ và đáp từ phúng điếu : Gíao hội uỷ thác cho môn đồ pháp quyến lo liệu.

– Về tài chánh, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo cho biết : Khi nghe đức Tăng Thống nhập viện, Hòa thượng Viện trưởng gọi TT Tổng thủ quỷ - Thích Nguyên Lý - và TT Viện phó Thích Viên Định bảo tạm ứng 4 triệu tám trăm nghìn đồng rút từ quỹ Giáo Hội đưa về Tu viện lo thuốc thang viện phí cho đức Tăng Thống. Hòa thượng Viện trưởng dạy Thượng Toạ Thủ quỷ và Thượng Toạ Phó viện trưởng xem lại sổ sách, số tiền Tăng tín đồ cúng dường đức Tăng Thống lúc Ngài vào bệnh viện năm ngoái, còn lại bao nhiêu cho biết và chuyển hết cho môn đồ pháp quyến, để lo tang lễ cho đức Tăng Thống. Nếu thiếu Giáo hội sẽ chi tiếp.

Sau buổi họp này, dư luận quần chúng, mà hơn ai hết là do bộ phận Công an và Ban tôn giáo chính quyền tung nhiều chiêu đánh phá GHPGVNTN cốt không cho GHPGVNTN tổ chức tang lễ đức Tăng Thống.

Trước hết, là sự kiện Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, đến thăm đức Tăng Thống tại bệnh viện, hôm sau các vị cũng có đến thăm Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo tại tu viện Nguyên Thiều.

Tiếp đó, Nhà nước còn tung nhiều chiêu khác, mà mục tiêu là loại trừ Hội Đồng Lưỡng Viện ra khỏi Ban tổ chức tang lễ ; nào là đề xuất môn đồ hợp với Ban trị sự, nào là môn đồ và Ban thành lập Tu viện Nguyên Thiều phối hợp, nào là môn đồ pháp quyến tự đứng ra tổ chức tang lễ cho đức Tăng Thống, không để cho GHPGVNTN can dự.

Tuy nhiên đây chỉ là những đồn đãi, bắn tin, bàn tán xôn xao trong dư luận quần chúng nhân dân, gây hoang mang lo lắng. Đài phát thanh truyền hình nhà nước thì đưa tin tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang do môn đồ và Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định đảm trách chiếu liệu hoàn toàn.

Một số tu sĩ lừng khừng, chẳng biết đầu đuôi gì cũng lớn tiếng tuyên bố rằng, “không có Giáo Hội nào đứng ra tổ chức hết, mà do môn đồ pháp quyến lo liệu tổ chức tang lễ”.

Những mưu toan xảo quyệt, những luận điệu mang tính vu cáo chụp mũ, đã chẳng làm ai nao núng. Nhưng phía môn đồ pháp quyến chịu quá nhiều sức ép từ mọi phía, đôi khi cũng phải tuỳ duyên cho êm việc, nên dễ gây ít nhiều ngộ nhận cho những người cộng sự chung quanh tang lễ.


6. Đức Tăng Thống được đưa về Tu viện Nguyên Thiều, ngày 02/6/Mậu Tý (04/7/2008)

Thấy sức khoẻ đức Tăng Thống sau hơn một tháng điều trị, nằm phòng cấp cứu hơn 20 ngày, không hề tiến triển trong việc điều trị. Trái lại sức khoẻ còn sa sút hơn. Chúng tôi đã nghĩ tới việc xin chuyển đức Tăng Thống về Tu viện Nguyên Thiều điều trị theo chế độ ngoại trú. Nhưng bác sĩ bệnh viện Đa Khoa từ chối, với lý do không có đủ phương tiện chữa trị, không có y tá, bác sĩ chăm sóc.

Chúng tôi liên hệ với nhiều bác sĩ tim mạch nổi tiếng đang làm việc, kể cả bác sĩ đã nghỉ hưu xem họ có giúp được gì không. Nhưng không ai « dám » nhận lời, đủ biết áp lực khắp nơi mạnh mẽ như thế nào !.

Bởi quá bức xúc và bí lối, hôm 01/7/2008 thầy Minh Tuấn đại diện cho môn đồ pháp quyến làm đơn gửi Ban giám đốc bệnh viện Đa Khoa. Trước khi gửi đi, thầy Minh Tuấn đem đơn đọc trình Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo và chúng tôi nghe để xin ý kiến. Sau khi nghe xong, Hòa thượng Viện trưởng và chúng tôi chấp thuận ngay ý kiến của đại diện môn đồ pháp quyến.

Nội dung đơn chúng tôi nhớ có 4 điểm chính :

1. Sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, bệnh tình Hoà Thượng chúng tôi đã không tiến triển, mà còn suy sút trầm trọng hơn.

2. Xin được thanh toán viện phí trong thời gian điều trị.

3. Chấm dứt mọi thuốc thang điều trị cho Hoà Thượng chúng tôi.

4. Cho phép môn đồ pháp quyến chúng tôi đưa ngài xuất viện về Tu viện Nguyên Thiều. (tôi lược).

Thầy Minh Tuấn đem đơn nộp Ban Giám đốc bệnh viện sáng ngày 02/7/2008 lúc 08h và được hứa các vị sẽ sắp xếp chiều nay (15h ngày 02/7/2008) đưa Hoà Thượng về chùa. 11h 30 cùng ngày trong giờ dùng trưa, các vị làm trai soạn cho biết, công an đến đưa giấy mời thầy Minh Tuấn về công an làm việc. Vào lúc 14h cùng ngày một thầy đang sinh hoạt tại tu viện cho hay Nhà nước đang có kế hoạch cách ly hai Hoà Thượng Quảng Độ và Thiện Hạnh hai nơi trước khi chuyển đức Tăng Thống về Tu viện. Do đó có lời khuyên chiều nay hai Hoà Thượng không nên đến bệnh viện thăm viếng như dự trù vì có nguy cơ áp bắt hai vị lúc rời khỏi Tu viện chẳng có chư Tăng bảo vệ. Có thể đây cũng chỉ là tin đồn nhảm, nhưng chúng tôi phải cảnh giác. Chiều đó chúng tôi không đến bệnh viện, mà chờ đón đức Tăng Thống trong sân Tu viện.

Nhưng rồi thầy Minh Tuấn lại báo tin, chiều nay chưa đưa Hoà Thượng về được, đợi sáng mai (03/7/2008) Ban Giám đốc bệnh viện họp mới có quyết định, rồi chiều mai (tức chiều 03/7/2008) đưa về. Sang đến chiều 03/7/2008 vẫn chưa thấy quyết định cho về. Môn đồ hỏi, bệnh viện bảo Ban giám đốc chưa họp.

15h 30 ngày 04/7/2008 tin từ bệnh viện các môn đồ báo về cho biết 17h 30 đức Tăng Thống sẽ đến Tu viện bằng xe cứu thương của bệnh viện, hai bác sĩ và một y tá sẽ đi theo xe đức Tăng Thống. Chúng tôi đứng đón đức Tăng Thống tại sân nhà phương trượng. Chiều đó trời đổ mưa tầm tã. Tăng chúng Tu viện và các thị giả, thỉnh đức Tăng Thống trên băng ca vào nghỉ tại căn phòng mà thường ngày đức Tăng Thống nghỉ ngơi và trích dịch Đại Tạng Kinh, phía bên phải nhà phương trượng. Thế là đức Tăng Thống sau 39 ngày nhập viện (27/5/2008 - 04/7/2008) chữa bệnh, Kim thân gầy còm, da bọc xương, mặt mày nhợt nhạt. Nhìn tấm chân thân đức Tăng Thống, không ai cầm được nước mắt !

18 giờ cùng ngày, sau khi đức Tăng Thống được chuyển từ bệnh viện về tu viện Nguyên Thiều, HT Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban trị sự Gíao hội Phật giáo Nhà nước tỉnh Bình Định, cùng một số ban viên, đến tu viện thăm đức Tăng Thống và cũng đến thăm Hoà Thượng Viện Trưởng tại nhà phương trượng.

Sau đó, chúng tôi được một vị trong môn đồ pháp quyến (không muốn nêu tên), gọi chúng tôi ra chỗ vắng cho hay rằng “Công an đã buộc thầy chủ hộ từ chối việc tạm trú của HT Quảng Độ, nếu không họ sẽ dùng biện pháp cưỡng chế HT Quảng Độ về Thanh Minh Thiền Viện. Con báo như vậy để quý Ôong tìm cách đề phòng.”

Tối lại, vào lúc 20h, ngày 02/6/Mậu Tý ( 04/7/2008), Hòa thượng Viện trưởng triệu tập buổi họp Hội đồng Lưỡng Viện và đại diện môn đồ pháp quyến, quyết định sáng ngày 03/6/Mậu Tý (05/7/2008) khai kinh và tụng kinh Phổ môn hằng ngày, cầu an cho đức Tăng Thống. Trong buổi họp này chúng tôi đã nêu nguồn tin (dù biết cũng chỉ là hù doạ nhưng vẫn nêu ra để cảnh giác), chính quyền công an áp lực chủ hộ, hoặc cưỡng chế Hòa thượng Viện trưởng về Sài Gòn, không cho ở lại Tu viện Nguyên Thiều. Nguồn tin nếu thật sự xảy ra chúng ta có biện pháp nào ?

Sau thời gian bàn luận, hội nghị nêu các biện pháp để đối phó :

– Nếu đức Tăng Thống còn tại bệnh, cương quyết bảo vệ Hoà Thượng Viện Trưởng bằng mọi giá, để chúng ta cùng Hòa thượng Viện trưởng ở lại với đức Tăng Thống.

– Nếu đức Tăng Thống viên tịch, trường hợp cưỡng chế khó xảy ra. Nhưng nếu xảy ra thì xem đây như một hành động cướp xác. Lúc đó, hễ ong chúa ở đâu thì ong thợ ở đó, ai nấy cùng theo vào Sài Gòn hết.

Sau khi đức Tăng Thống về lại tu viện, Công an từ Trung ương đến các tỉnh thành đang lần lượt đổ về Nguyên Thiều ngày càng đông. Họ đến từng nhóm, mang theo chăn màn, lều trại căng che khắp vườn, máy quay film, chụp hình, loa phóng thanh, xe cứu thương, xe phá sóng điện thoại, xe bảng xanh đậu khắp nơi quanh Tu viện như sắp có một cuộc hành quân chống « kẻ thù xâm lược » !


7. Đức Tăng Thống Viên Tịch 13h 00, ngày 03/6/Mậu Tý (05/7/2008)

Từ sáng sớm ngày 05/7/2008, thấy sức khoẻ đức Tăng Thống yếu dần. Chiều 04/7/2008 sau khi đưa đức Tăng Thống về lại tu viện, các thị giả vẫn dâng thức ăn lỏng cho đức Tăng Thống như lệ thường. Nhưng từ chiều ngày 04/7/2008 và suốt đêm đức Tăng Thống không đi giải, hơi thở gấp, sức khoẻ biểu hiện triệu chứng không lành ! Sáng sớm ngày 05/7/2008 lúc 07h hơn có 2 bác sĩ bệnh viện Đa Khoa đến tu viện thăm đức Tăng Thống. Sau khi thăm mạch đo huyết áp, kẹp nhiệt cho đức Tăng Thống, 2 bác sĩ cáo về, không nói gì.

Lễ khai kinh và tụng Kinh Phổ Môn xong, (sáng ngày 05/7/2008) chúng tôi vào phòng thăm, thấy đức Tăng Thống mệt nhiều, bụng hơi căng do không đi giải được. Hiện tình sức khoẻ của đức Tăng Thống lúc này rất xấu.

Sau khi thọ trai xong, lúc nầy đã quá 12h 00, sức khoẻ đức Tăng Thống kiệt dần. Hòa thượng Viện trưởng, chư Tăng Hội đồng Lưỡng Viện, môn đồ pháp quyến và tăng chúng Tu viện vây quanh đức Tăng Thống im lặng hồi lâu, rồi niệm Phật tiếp dẫn ! Ai nấy nước mắt lưng tròng, ngậm ngùi thương tiếc... Có người đã nấc lên thành tiếng, rồi tuông chạy ra hè ngồi, âm thầm nén nỗi đau thương uất nghẹn, trước tình đời lẽ đạo đen bạc nhiễu nhương ; có thể đã là nguyên nhân cho sự ra đi của đức Tăng Thống đến sớm hơn chăng ? !

Sau hơn 15 phút niệm Phật tiếp dẫn, Hòa thượng Viện trưởng lui ra và cho gọi chúng tôi, HT Không Tánh, TT Viên Định, TT Chơn Tâm, v.v... đến phòng Hòa thượng Viện trưởng bàn việc, trong khi mọi người tiếp tục niệm Phât. ( Tôi xin được tóm lược lời Hòa thượng Viện trưởng trong buổi bàn việc này).

Hòa thượng Viện trưởng dạy : « Hôm trước chúng ta đã họp và đã thành lập Hội đồng Điều hành Tang lễ, chuẩn bị các bài văn đọc, điếu văn, tiểu sử. Tôi cũng được nghe phía các vị Ban trị sự Giáo hội tỉnh Bình Định, cũng đã bố trí sẵn một Ban Tổ chức Tang lễ. Tôi không hề ngại Ban Trị sự. Nhưng tôi ngại chính quyền, công an sẽ áp đặt Ban Trị sự gây khó khăn cho tang lễ. Chẳng hạn như các vị đến phúng điếu và đọc tiểu sử, điếu văn truy điệu trước kim quan đức Tăng Thống. Nhưng chắc chắn tiểu sử, điếu văn không giống chúng ta ; mà tiểu sử là tiểu sử nhà Sư làm cách mạng ; điếu văn là điếu văn ca tụng nhà Sư đã cùng Đảng, cùng dân tham gia cách mạng kháng chiến để rồi trao tặng cho nhà sư huân chương kháng chiến vì sự nghiệp của Đảng cộng sản, thì liệu chúng ta tính sao ?

« Cho nên tôi đề nghị, phải thay đổi cách tổ chức tang lễ, để chúng ta chủ động trong mọi hoàn cảnh. Đó là dùng “chiêu thức Vô tướng” : không Ban tổ chức, không đọc điếu văn, tiểu sử và không sử dụng máy phóng thanh khuếch đại ồn ào. Chỉ yên lặng tụng kinh cầu nguyện và cung tiến Giác linh suốt thời gian tang lễ. Mọi việc tiếp lễ phúng điếu và đáp lời phúng điếu, giao cho môn đồ pháp quyến phụ trách. Còn đến giờ cung nghinh kim quan đức Tăng Thống nhập bảo tháp, tôi nghĩ tất cả chúng tăng ở Tu viên Nguyên Thiều và các nơi về, cùng Hội đồng Lưỡng Viện, các vị chọn ra 50 vị mạnh khoẻ, chúng ta mỗi vị một tay tự mình thỉnh kim quan nhập Bảo Tháp. Tu sĩ áo vàng tịch, tu sĩ áo vàng gánh đi an táng. Không có gì đẹp bằng ».

Nghe xong chư vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức rất hoan hỷ đồng tình với Hòa thượng Viện trưởng. Về sau, kế hoạch chư tăng gánh Kim quan các người chuyên môn bàn luận thấy khó thực hiện. Vì chư tăng chưa quen gánh đi xa, lại phải leo lên nhiều bậc cấp và hạ huyệt rất khó. Phải nhờ âm công chuyên nghiệp. Nên sau đó, TT Viên Định nhờ chọn 40 huynh trưởng mạnh khoẻ, đang sinh hoạt tại Tổ đình Thập Tháp là nơi TT Viên Định làm trụ trì. Trong số đó nhiều huynh trưởng vốn đã quen gánh đám. Họ sẽ bận áo lam và đầu chít khăn vàng. 40 người chia làm hai nhóm, 20 người gánh đi nửa đoạn đường đầu, 20 người khác vào thay, đi tiếp nửa đoạn đường sau đưa lên bảo tháp.

Vô tướng là một trong “Tam giải thoát môn” (Không, Vô tướng, Vô tác). Với chiêu thức vô tướng chúng ta sẽ vượt qua được mọi hình thức xuyên tạc đánh phá. Còn danh sách các vị được thỉnh mời vào Hội đồng Điều hành Tang lễ, nay chuyển qua Vô tướng nên Hòa thượng Viện trưởng đề nghị không nhất thiết công bố tên tuổi. Nhưng ai nấy im lặng, thực hành “công hạnh vô hành” mà lại tiến hành chu đáo Tang lễ đức Tăng Thống.

Sau khi thảo luận, hỏi đáp làm rõ quyết định, thay đổi cách tổ chức, ai cũng thấy hoan hỷ và đồng tình. Sau đó góp ý thảo Cáo bạch công bố sự viên tịch của đức Tăng Thống. Lúc này bên phòng hộ niệm tiếp dẫn cũng vừa dứt tiếng niệm Phật. Đức Tăng Thống đã thật sự ra đi ! Đúng 13h00 ngày 03/6/Mậu Tý.(05/7/2008)

Cuộc họp kéo dài nửa giờ đồng hồ, thầy Minh Tuấn và thầy Minh Hạnh, đại diện môn đồ pháp quyến đến thỉnh hỏi cách tổ chức tang lễ. Hòa thượng Viện trưởng trả lời đúng như nội dung buổi họp vừa thông qua. Các vị rất hoan hỷ với phương thức mới này.

Lát sau thầy Minh Tuấn trở vào thỉnh Hòa thượng Viện trưởng và chúng tôi ra phòng tiếp khách tại nhà phương trượng, để chư vị Hoà Thượng tôn túc và Ban Trị Sự Giáo Hội Nhà nước tỉnh Bình Định, được thăm viếng. Hòa thượng Viện trưởng, chúng tôi và HT Không Tánh cùng ra. Các vị đều đứng lên, rồi khách, chủ cùng ngồi xuống. HT Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban trị sự Gíao hội Nhà nước tỉnh Bình Định đứng dậy nói lời thăm viếng, cầu chúc Hòa thượng Viện trưởng và tất cả chúng tôi nhiều sức khoẻ để lo tang lễ HT Huyền Quang. Hòa thượng Viện trưởng đáp lời cảm tạ và thông báo ngày giờ nhập kim quan. Rồi các vị xin giả từ ra về trong niềm hoan hỷ.


8. Tang lễ đức Tăng Thống.

Sau khi đức Tăng Thống viên tịch, Hội đồng Lưỡng Viện và môn đồ pháp quyến, đã có phiên họp lúc 21h 00 ngày 05/7/2008 để sắp đặt công việc tang lễ trong những ngày tới. Buổi họp nầy nêu các điểm chung quyết :

A. Thời gian tang lễ 06 ngày. Từ 04/6 đến 09/6/Mậu Tý (06/7 -11/7/ 2008).

– Lễ nhập kim quan : Sáng này 04/6/Mậu Tý ( 06/7/2008) lúc 08h 00.

Hòa thượng Viện trưởng và Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng thống cùng môn đồ pháp quyến cung nghinh nhục thân đức Tăng Thống, từ nhà Phương trượng đến nơi tôn trí kim quan.

– Lễ thọ tang : 9h 30 cùng ngày, Hội đồng Lưỡng Viện, Ban đại diện các Miền thọ tang mở đầu.

– Lễ Triệu Tổ : 14h 00 ngày 08/6/Mậu Tý ( 10/7/2008), Hội đồng Lưỡng Viện dẫn đầu.

– Cung nghinh kim quan nhập bảo tháp : 09/6/Mậu Tý ( 11/7/2008) lúc 5h 30.

B. Chương trình các ngày tang lễ :

– Ngày 06/7/2008 :
- Sáng : Lễ nhập kim quan - Thọ tang - Cung tiến Giác linh.
- Chiều : Tụng kinh - Phúng điếu.
- Tối : Tụng kinh.

– Các ngày 07, 08, 09/7/2008 : Sáng - trưa - chiều - tối như trên.

– Ngày 10/7/2008 :
- Sáng : Tụng kinh – Phúng điếu
- Trưa : Cung tiến Giác Linh
- Chiều : Lễ Triệu Tổ
- Tối : Tụng kinh.

– Ngày 11/7/2008 :

04h 30 sáng sớm trước giờ di quan : Hòa thượng Viện trưởng và Hội đồng Lưỡng Viện quỳ đọc lời Tác bạch trước Giác linh đức Tăng Thống, phát nguyện nối tiếp con đường mà đức Tăng Thống đã vạch, khó khăn không chùn bước ; quyết tâm đòi trả lại pháp lý sinh hoạt bình thường cho GHPGVNTN, như trước 1975 ; đòi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam. Sau lời tác bạch, Hòa thượng Viện trưởng cùng Hội đồng Lưỡng Viện đãnh lễ Giác linh đức Tăng Thống, rồi cùng nhiễu quanh kim quan đức Tăng Thống ba vòng từ biệt, ngậm ngùi thương tiếc vô vàn !

05h 30 tiến hành lễ di quan - Triệt linh sàng - Phất trần.

40 huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) thuộc GHPGVNTN có nhiệm vụ gánh nghinh kim quan đức Tăng Thống. Sau khi vào đảnh lễ Giác linh đức Tăng Thống, rồi im lặng từ tốn thỉnh đưa kim quan từ từ rời khỏi nơi tôn trí tiến về tháp địa.

Đoàn cung nghinh đi theo tiết thứ và lộ trình mà Hội đồng Điều hành Tang lễ quy định. Trên 250 bức nghi, trướng, liễn, vòng hoa, lẵng hoa của các đơn vị, cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước phúng điếu, đều đã được đưa ra, tôn trí 2 bên lộ trình từ nơi tôn trí kim quan đến bảo tháp. Trên 200 huynh trưởng GĐPTVN thuộc GHPGVNTN đến từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng và Bình Định lui tới tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đoàn cung nghinh và vành đai bảo tháp. Nam nữ cư sĩ Phật tử, đứng yên tại chỗ, giao diện chắp tay dọc theo 2 bên lộ trình cung nghinh. Kim quan đến đâu, quỳ chấp tay niệm Phật và tung hoa đến đó.

Ôi, Oai nghiêm ! hùng tráng ! Và biết bao xúc động ! Đức Tăng Thống đã đi xa, xa lắm ! Nhưng bóng hình của Người còn đó, hiển hiện trong chúng ta, trong tất cả mọi người Phật tử con dân Việt Nam và thế giới, đó đây xưng tụng Người.

Đoàn người cung nghinh nối dài gần một cây số “im lặng như chánh pháp”, chỉ nghe vang vọng giữa hư không tiếng cầu kinh niệm Phật trong nỗi ngậm ngùi thương tiếc, tiễn đưa nhục thân đức Tăng Thống đến cõi tịch tịnh vô tung, để lại chốn trần gian vô vàn tấm lòng mến thương khôn xiết. Kim quan của đức Tăng Thống đã đưa vào Bảo tháp, giữa âm thanh niệm phật tiếp dẫn rền vang khắp vùng trời Bảo tháp. Lớp lớp tăng ni phật tử chen chúc rải hoa tiễn biệt, trong nước mắt.

Nam mô Vô lượng thọ, Vô lượng quang và Vô lượng công đức, đức Tăng Thống thượng Huyền hạ Quang đã vĩnh biệt chúng ta !

Buổi tiễn đưa Kim quan đức Tăng Thống nhập bảo tháp đã kết thúc hết sức tốt đẹp, nghiêm trang. Mọi người từ giã đức Tăng Thống, lẵng lặng ra về trong niềm thương tiếc vô hạn.

Hội đồng Lưỡng Viện, môn đồ pháp quyến đã cùng nhau vận dụng “pháp môn Vô tướng”, trong “tam giải thoát môn” (Không - Vô tướng - Vô tác), để chủ động tiến hành tang lễ đức Tăng Thống thành tựu như dự kiến, trước muôn vàn khó khăn vây bủa.

Trong khi ấy lại có một số thành viên tuy ngỏ ý đến phúng điếu trước kim quan đức Tăng Thống, nhưng lại cố tình mang theo :

- Danh tướng, phô trương lực lượng, thách thức và vọng ngữ.

- Ganh tỵ và đố kỵ.

- Vô cảm, hận thù.

- Tự tung tự tác nhằm chỉ đạo góp ý nhưng kỳ thực là lăm le điều khiển.

- Nại cớ là sợ mất an ninh trât tự xã hội, sợ diễn biến hoà bình, sợ phá hoại tình đoàn kết tôn giáo và nhất là sợ lợi dụng tang lễ để thành lập một Giáo hội bất hợp pháp. Hoặc

- Dò la tin tức, khủng bố tinh thần, hăm doạ đời sống kinh tế gia đình, học hành thi cử của những ai chí thành trung kiên với Đức Tăng thống và giáo hội của ngài, GHPGVNTN.

Thế nhưng các thành viên đến phúng điếu với ý đồ trên đây, sau khi nhận ra tang lễ đức Tăng Thống diễn ra hết sức êm đẹp, trật tự, sâu lắng, chẳng hề gây ra bất ổn, sợ hãi cho ai, không làm mất trật tự an ninh xã hội và cũng không giành giật ai đám tang đức Tăng Thống. Sự thật như sự thật hiển nhiên và tự tại giữa đất trời Quang Trung Nguyễn Huệ.

Từ biến động trên, tôi thiết nghĩ, chúng ta ai nấy cũng nên quán chiếu lại chính mình, để góp phần đáp đền ân sâu mà đức Tăng Thống đã dành trọn đời mình cho đại cuộc dân tộc và đạo pháp ! Giúp chúng ta được sống còn trong vinh dự !


9. Vài sự kiện đáng tiếc.

Trong thời gian tiến hành tang lễ đức Tăng Thống, đã có những sự kiện không bình thường, đáng tiếc xảy ra ngoài ý muốn của Hội Đồng Điều hành Tang lễ :

1. Ngày 07/7/2008, lúc 14h 00 : HT Thích Đổng Quán, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Nhà nước tỉnh Bình Định, đến tu viện. Đứng trước tấm Panô kẽ chương trình tang lễ đức đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN. Panô được tôn trí cao bên cạnh phòng Kim quan đức Tăng Thống, Hoà Thượng chỉ tay vào Pano nói : “Ở đây không có cái tên GHPGVNTN hay đệ tứ Tăng Thống gì cả”. Rồi Hoà Thượng gọi ông Đệ, một nhân viên làm việc tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Nhà nước tỉnh Bình Định, đến hạ tấm Panô xuống. Nhưng đã bị thầy Đồng Thọ, các tăng sinh khóa 2,3 và 4 của trường Trung cấp Phật học Bình Định đang chấp tác ở đó, phản đối kịch liệt, Hoà Thượng lặng lẽ ra đi.

2. Vào chiều ngày này, lúc 15h 00, thầy Minh Tuấn vào trình báo Hoà Thượng rằng : « Chính quyền đăng ký sáng mai (08/7/2008) lúc 08h 00 Pháí đoàn đại diện chính quyền Trung ương và địa phương, Đại diện Hội đồng Trị sự Trung ương và địa phương đến phúng điếu đức Tăng Thống. Con có nghe sẽ trao tặng Huân chương gì đó cho đức Tăng Thống ».

Hoà Thượng Viện trưởng liền dặn thầy Minh Tuấn rằng, « Khi nào họ đến thầy cho tôi biết để tôi ra tiếp. Tôi sẽ nói với họ là Hoà thượng chúng tôi không có công lao gì với Đảng cộng sản cả, nên tôi không chấp nhận huân chương. Các vị đem về đi, hoặc tôi sẽ buộc môn đồ pháp quyến đem huân chương trả lại cho chính quyền. Nếu không, chúng tôi sẽ ngồi lì tuyệt thực ở đây, không cho an táng đức Tăng Thống. Trường hợp chính quyền chịu trao tặng Hoà thượng chúng tôi Huân chương vinh danh “Người ở tù không tội lâu nhất”, thì chúng tôi hoan hỷ và sẽ huy động tăng ni phật tử đón rước huân chương đó”.

3. Ngày 08/7/2008. lúc 07h 30 Thầy Minh Tuấn vào báo cho Hoà Thượng Viện trưởng biết, chính quyền gọi điện thoại báo tin, vì công tác đột xuất, sáng nay không đến phúng điếu nữa.

Cũng vào chiều cùng ngày, lúc 13h 00, hai nhóm nam nữ huynh trưởng GĐPTVN, khoảng 80 đến 100 người. Nhóm ông Nguyễn Sỹ Thiều từ Huế vào và nhóm ông Nguyễn Châu từ Sài Gòn ra. Ông Châu và ông Thiều nguyên là Trưởng và phó Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPTVN. Cả hai đều bị GHPGVNTN không thừa nhận, vì có những sinh hoạt không phù hợp đường hướng, lập trường của Gíao hội ở vào giai đoạn Giáo hội đang yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam trả lại pháp lý sinh hoạt bình thường cho GHPGVNTN.

Nhưng cả hai nhóm này từ gần cả năm qua, vẫn cứ sinh hoạt bất phục tùng, nhận sự yểm trợ tài chánh của ông Bạch Hoa Mai và sự bao che của một số vị Hoà thượng, Thượng tọa và Đại Đức ở Saigon, Huế, Quảng Trị...(xin tạm không nêu tên). Nghe tin đức Tăng Thống viên tịch, hai nhóm cùng đến Tu viện Nguyên Thiều thọ tang và phúng điếu đức Tăng Thống. Chúng tôi thấy các vị đến thọ tang phúng điếu, là điều đáng ghi nhận. Nhưng cũng đáng tiếc, các vị đã đến thọ tang phúng điếu đức Tăng Thống với sự tướng ca hát, đọc điếu văn... với cung cách trình diễn trước Kim quan đức Tăng Thống vào lúc 13h 00 cùng ngày. Sự kiện náo động này làm chúng tôi không bằng lòng, vì vượt ngoài chủ trương “Vô tướng” của Hội đồng Điều hành Tang lễ. Họ đã bị môn đồ, chư tăng và các huynh trưởng có bổn phận quan sát và bảo vệ tang lễ phản kháng gay gắt. Nên cả hai nhóm phải tháo lui, đồng thời đánh mất ý tưởng hiếu thảo ban đầu. Thật đáng tiếc !

4. Đêm đốt nến tưởng niệm của hai nhóm nam nữ huynh trưởng GĐPTVN Nguyễn Sỹ Thiều và Nguyễn Châu, 10/7/2008, vào lúc 21h 00 cũng vậy. Đốt nến ngồi im lặng, thường là hình thức phản kháng bất bạo động. Nhiều trăm ngọn nến được đính trên ba đại tự BI TRÍ DŨNG, kẽ trên ba mét vuông ván ép và trên hai mét vuông ván ép khác, vẽ hình hoa sen trắng, bị vỡ làm đôi. Nến được đốt lên thắp sáng gọi là phúng điếu đức Tăng Thống nhưng mang hậu ý cùng dự trù không mấy thanh tịnh ? ! Nhưng may thay việc làm này đã bị chìm im trong tiếng tụng niệm Nam Mô A Di Đà Phật của chư Tăng hầu quanh Kim quan Đức Tăng thống. Cuối cùng họ đã phải tự động rút lui trước sự hòa nhập tụng niệm trang nghiêm Nam Mô A Di Đà Phật của hàng lớp cư sĩ nam nữ, cũng như chính đoàn sinh Gia Đình Phật tử của họ vốn ngây thơ không biết sự sắp đặt có chủ ý và âm mưu của đàn anh mình.

Kính thưa quí vị,

Đức Tăng Thống GHPGVNTN đã vĩnh biệt chúng ta. Đau thương và mất mát vô cùng lớn đối với Giáo hội, đối với chúng ta. “Sơn Hà bi lệ”.

Suốt thời gian tang lễ, trước vô vàn khó khăn, không sao tránh được những thiếu sót đáng tiếc. Chúng tôi mong được lượng thứ.

Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Huế, ngày 09/8/2008
Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, GHPGVNTN
(đã ấn, ký)
Tỳ Kheo Thích Thiện Hạnh


Nơi nhận :
- Hội Đồng Giáo Phẩm VTT “để trình”.
- BCĐ VHĐ, HT VT VHĐ “để tường trình”.
- Văn phòng II VHĐ tại Hoa kỳ và các châu lục “để biết”.
- TT Tổng thư ký VHĐ “để cho phổ biến trong nước”.
- PTTPGQT “để phổ biến”.
- TT Tổng vụ trưởng Thanh niên và Vụ trưởng GĐPT vụ “để biết”.
- Lưu.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

Tin tức từ Phòng Thông tin PG QT

Gia Đình Phật tử Việt Nam thuộc cánh ông Nguyễn Châu và Bạch Hoa Mai không là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Hai Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Huế viết về Tang lễ Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang tại Tu viện Nguyên Thiều2008-08-11 PTTPGQT
PARIS, ngày 11.8.2008 (PTTPGQT) - Do những tin tức sai lạc loan tải về Gia Đình Phật tử Việt Nam thuộc cánh ông Nguyễn Châu và Bạch Hoa Mai đăng trên một tờ báo Việt ngữ tại California, Hoa Kỳ, nên Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) chỉ thị Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ra thông cáo báo chí xác lập sự thật. Xin xem hai Thông cáo báo chí phát hành ngày 11.725.7 vừa qua, hoặc vào xem trong Trang nhà http://www.queme.netĐại loại các tin sai lạc khẳng quyết rằng « 2 huynh trưởng Bạch Hoa Mai và Sử Thành đã từ Hoa Kỳ về Việt Nam, đã tới Tu Viện Nguyên Thiều thọ tang và vấn an Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ hôm thứ ba » và rằng « Hòa thượng Thích Quảng Độ hôm thứ ba đã mời toàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử do anh Nguyên Tín Nguyễn Châu phụ trách tới chỉ thị, rằng kể từ giờ phút này Ban Hướng Dẫn toàn quyền sắp xếp nhân sự để tổ chức lễ tang, và chuẩn bị 50 vị huynh trưởng cho lễ tiễn kim quan cuối tuần này ».Sự thật, là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không hề gặp bất cứ ai trong Nhóm Gia Đình Phật tử thuộc hệ thống Giáo hội Nhà nước của các ông Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai, thì làm gì có việc huyễn hoặc « giao toàn quyền [cho họ] sắp xếp nhân sự để tổ chức lễ tang » ?!Sự thật, là Gia Đình Phật tử cánh các ông Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai chỉ đến tham dự Tang lễ Đức cố Tăng thống như hàng chục nghìn Phật tử khác. Nhóm người này không có chân trong Ban tổ chức Lễ tang cũng không được giao bất cứ nhiệm vụ gì.Sự thật, là tham gia vào Hội đồng Điều hành Tang lễ của GHPGVNTN, chỉ có Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) tỉnh Bình Định phối hợp với các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPTVN các tỉnh Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đắc Lắc, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Đức, là những đơn vị trực thuộc Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, và dưới sự hướng dẫn của các Thượng tọa Thích Viên Hoa, Thích Viên Diệu, Thích Thanh Quang và Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ. Thượng tọa Thích Thanh Quang là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Viên Hoa là Đặc ủy Thanh niên trong Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Định. Ngoài ra, 40 đoàn sinh thuộc GĐPT Bình Định khiêng Kim quan Đức Tăng thống trên một cây số đường đến nơi nhập Bảo tháp. Thay phiên nhau 20 đoàn sinh khiêng, 20 đoàn sinh nghỉ. GĐPTVN trực thuộc GHPGVNTN còn làm các công tác túc trực bảo vệ Kim quan Đức Tăng thống 24 giờ trên 24 giờ, bảo vệ chư Tôn đức giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo), giữ trật tự trên đường di chuyển Kim quan nhập Bảo tháp. Đặc biệt ngăn chận tất cả những ai không có nhiệm vụ lên nơi kim tỉnh nhập tháp, để ngăn ngừa mọi sự phá hoại hay phá đám từ phía công an hay các thế lực tay sai. Toàn thể GĐPTVN thuộc Viện Hóa Đạo GHPGVNTN còn tham gia trong Hội đồng Điều hành Tang lễ vào 5 ban : Âm thanh và ánh sáng, Vận chuyển, Trật tự, Liên lạc, Cư trú và Vệ sinh.Vì sao Gia Đình Phật tử cánh các ông Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai không được giao phó nhiệm vụ gì trong Tang lễ vừa qua ? Câu hỏi mà Phòng Thông tin nhận được mấy ngày qua. Nay chúng tôi xin trả lời chung rằng : GHPGVNTN hoan nghênh và tán thán công đức của đồng bào các giới và đồng bào Phật tử đông đảo mười nghìn người đến tham dự lễ tang của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang hôm 11.7.Nhưng Gia Đình Phật tử cánh các ông Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai không có vai trò gì trong Hội đồng Điều hành Lễ tang. Lý do là Gia Đình Phật tử cánh các ông Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai không là thành viên của GHPGVNTN. Các ông này chỉ tiếm danh GHPGVNTN hầu đánh lừa các đoàn sinh Áo Lam để giữ chân những người con trung kiên với GHPGVNTN. Thực tế thì hoạt động của nhóm ông Nguyễn Châu – Bạch Hoa Mai trực thuộc Giáo hội Phật giáo Nhà nước do sự tự nguyện đầu hàng của ông Châu cách đây 11 năm.Nhân danh Ban Hướng dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử Việt Nam, vốn là tổ chức trực thuộc GHPGVNTN, ông Nguyễn Châu tự chuyên tự quyền viết bức thư đề ngày 25.5.1997 « đệ trình Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ IV » ở Hà Nội để xin được đặt mình dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Nhà nước. Ông Nguyễn Châu viết :


Thư Nguyễn Châu gửi Giáo hội Phật giáo


Nhà nước ngày 25.5.1997 xin được phụ tùy-



« Không một ai trong chúng con lại có ý nghĩ đặt tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam ra ngoài Giáo hội » (Giáo hội ông Châu nói đây là Giáo hội Nhà nước) ;- « Chúng con kính đạo đạt một thỉnh nguyện lên Đại hội Giáo hội là cho phép chúng con được triệu tập một Đại hội Gia Đình Phật tử toàn quốc, đặt dưới sự chứng minh của Giáo hội để tập họp rộng rãi nguyện vọng trung thực của huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam trong việc tu chỉnh sửa đổi Nội Quy. Đó là điều thỉnh cầu duy nhất mà chúng con thấy cần phải đệ đạt lên Đại hội Giáo hội để tránh những ngộ nhận cho rằng chúng con có ý đồ tách rời Giáo hội, chống báng Giáo hội ».Nhờ bức thư xin xỏ « về với triều đình » Xã hội Chủ nghĩa của ông Nguyễn Châu, nên Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ đạo Hòa thượng Thích Minh Châu triệu tập một buổi họp nhằm thanh toán tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam của GHPGVNTN. Buổi họp này tổ chức hôm 29.10.1997 tại Thiền viện Vạn Hạnh, Saigon, gồm có Hòa thượng Thích Minh Châu chủ tọa và các ông Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Nguyễn Xuân Quyền, Nguyễn Châu. Thành quả cuộc họp là tuyên định lập trường ly khai GHPGVNTN thông qua một Biên bản ký tên 5 người. Biên bản và xác nhận :- « Gia Đình Phật tử luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo được Nhà nước chấp nhận » (hiểu là Giáo hội Phật giáo Nhà nước do Đảng Công sản thiết lập năm 1981 để làm tay sai chính trị cho Cộng sản) ;- « Gia Đình Phật tử cần tranh thủ để được sự quan tâm giúp đỡ cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các sinh hoạt » (hiểu là Giáo hội Nhà nước do Cộng sản lập ra năm 1981 để làm tay sai chính trị cho Cộng sản).

Biên bản cuộc họp giữa HT Minh Châu và Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Nguyễn Xuân Quyền và Nguyễn Châu tại Saigon ngày 29.10.1997Vài năm sau khi hoàn thành cuộc biến tướng một bộ phận trong tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam trong nước, ông Nguyễn Châu bay sang Hoa Kỳ vận động chuyển hướng các tổ chức Gia Đình Phật tử từ miền Tây sang miền Đông Hoa Kỳ theo con đường biến tướng Phật giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy mà toàn ban thuộc cựu Ban Hướng dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử tại Hoa Kỳ của nhóm Bạch Hoa Mai đã nghiêng theo phục vụ ông Châu từ đó. Năm 2004 dưới sự bảo trợ của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ các nhóm này tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Gia Đình Phật tử trong và ngoài nước tại Bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ, và cho ra đời tổ chức mới, ly khai GHPGVNTN, có tên « Gia Đình Phật tử Việt Nam Trên Thế giới », một danh xưng không có trong Hiến chương GHPGVNTN. Vì vậy tổ chức này đã không được Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, chuẩn y.Với những cứ liệu như trên, không còn ai ngạc nhiên trước thứ « nghịch lý Châu Mai » : một mặt miệng lưỡi tuyên bố nhóm Gia đình Phật tử của họ là « đứa con trung thành » của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng trong thực tế hoạt động thì bất khâm tuân các Giáo chỉ, Thông tư, Thông bạch của Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.Tự nhận Gia Đình Phật tử của họ là tổ chức « giáo dục khoa học » như ông Nguyễn Châu viết, nhưng hoạt động của nhóm này từ trong ra ngoài nước hiện nay đã đổi màu và đổi chiều. Họ cổi Áo Lam mặc áo giáp, mang tơi chữa lửa cho chế độ Cộng sản, « giáo dục khoa học » đàn em thơ dại bằng cách ngày đêm ngồi viết những bài nặc danh phun nọc độc vào hàng giáo phẩm và cư sĩ thuộc GHPGVNTN, mà ngôn ngữ chỉ tám lạng nửa cân so với ngôn ngữ vu hãm và đầu đường xó chợ của báo Công an Cộng sản.Để hiểu rõ hơn nội tình Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Tang lễ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ở Bình Định, ai trung ai phản, Phòng Thông Phật giáo Quốc tế xin giới thiệu bài « Sự thật » của Huynh trưởng Nguyên Hằng Nguyễn Đức Thủy, Ban viên Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Thừa Thiên – Huế, và « Bức thư » của Huynh trưởng Nguyên Đại Trần Đình Dũng, Thư ký Ban Đại diện Gia Đình Phật tử huyện Phú Lôc, Thừa Thiên – Huế. Cả hai bài đều tường trình về sự tham gia Tang lễ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang của Gia Đình Phật tử Việt Nam trực thuộc Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, bên cạnh sự gây rối của cánh ông Nguyễn Châu và Bạch Hoa Mai.
SỰ THẬTThưa các Anh Chị Áo lam,Tôi là một Phật tử đang sống trên dãy đất miền Trung khô nóng, mơ ước một cuộc sống tầm thường mà “thiên nhiên” ban tặng qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Chỉ mơ ước một cuộc sống rất tầm thường như vậy mà cũng khó bề như ý.Các anh chị ạ, trong một xã hội xô bồ, mọi người đang tranh nhau sự sống hơn thua, hỏi ai mà chịu mơ ước cho mình cuộc sống tầm thường. Chỉ có những người con Phật. Thực sự người con Phật mới chọn cho mình một ân huệ tầm thường như thế. Tôi không đưa ra giáo pháp của Đức Bổn Sư để bàn cãi, nhưng chắc chắn quý anh chị đã đồng tình với tôi : vì đó là sự thật.Thưa quý anh chị cái tầm thường của Đạo Phật, cái tầm thường không phô trương, không hô hào, không trình diễn… nhưng đã từng làm rạng danh đất nước qua bao triều đại, góp phần tôn vinh dân tộc trong cả chiều dài lịch sử Việt Nam. Đạo Phật đã gắn kết với quyền lợi của Dân Tộc, nên dân tộc còn thì Đạo Phật còn, và Đạo Phật còn thì Dân Tộc còn. Đó là nguyên lí căn bản không ai có thể phủ nhận được vì lịch sử đã kiểm chứng rõ ràng. Đặc biệt từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được hình thành thì vai trò đó càng phát huy cao độ, cả nhân loại tiến bộ đều ca ngợi và tán dương.Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) được minh chứng là con đẻ của GHPGVNTN nên rất đáng tự hào, vì GĐPTVN thật sự đã đóng góp sức lực của mình vào sự thành công của Giáo Hội. Anh chị em chúng ta đã vui mừng khi sống trong một đại gia đình hạnh phúc mang bản chất truyền thống dân tộc “cây có cội, nước có nguồn” lại đượm bản chất “Tù Bi và Hỉ Xả” của một tôn giáo Như Thật. Dù trong chúng ta có lúc mỗi người mỗi ngả nhưng đều hướng về nguồn cội “ly hương bất ly tổ”. Đối với đân tộc Việt Nam mãi cho đến bây giờ thì không ai không chấp nhận điều đó. Chỉ có điều nó thực hay hư thì xin hãy lắng lòng suy tưởng.Với tôi một người con Phật lại là đoàn viên GĐPTVN thì bản chất sự sống tầm thường của Đạo Phật phải thể hiện qua hai yếu tố :Một là quê hương, hai là giáo hội – hoàn toàn tự nguyện, nhiệt tình không vụ lợi để tiếp tục vinh danh cho lý tưởng phụng sự của mình. Thế thì tại sao ta không cho nhau mà lại từ chối nhau, giành giật trù dập nhau, thậm chí thù hằn nhau để rồi tạo ly gián, biến tướng sự thật làm cho Giáo Hội (tức là cha mẹ mình) bối rối lo toan làm nghiêng ngả bản hoài cao thượng, tạo nên bối cảnh giặc ngoài thù trong ? Việc này tôi không có ý trách ai, mặc cả với ai, chỉ có điều rất tham vọng nói lên sư thật những gì mà tôi hiểu được.Thưa quý Anh Chị,Kể ra thời gian qua, tôi cũng có đọc được nhiều bài vở của các anh chị Áo lam. Có bài có tên tuổi hẳn hoi, có bài dùng ẩn dụ cũng có bài dưới dạng nặc danh. Ca ngợi GHPGVNTN có, ca ngợi truyền thống GĐPT có, ca ngợi công lao hay phê bình góp ý, tâm sự đôi điều cho những vị lãnh đạo của tổ chức màu lam… Đại khái là lời qua tiếng lại chung quanh vấn đề GHPGVNTN và GDPTVN. Nội dung nổi cộm là Hiến Chương của GHPTVNTN và Nội quy, Quy chế của GĐPTVN. Mục đích của đấu tranh để giành phần thắng lợi của một bên là phe chống đối, một bên là phe khâm tuân (tôi tạm gọi là phe) sự đấu tranh ngày một gay gắt mà chưa đến hồi kết thúc. Theo tôi vấn đề thắng thua thì khố bề luận thuyết nhưng đúng sai thì thật dễ thấy nhìn. Để sáng tỏ đúng sai ta chỉ cần đưa ra hai luận cứ :Thứ nhất : cây có cội nước có nguồn, con cháu phải có tổ tông, ông bà, cha mẹ đó là đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam.Thứ hai : sự thực của trí tuệ vượt khỏi chấp ngã, thực hành vị tha, niềm tin và lý tưởng phải rõ ràng, hiếu nghĩa thâm ân phải thể hiện đó là tri hành hợp nhất của Đạo Phật vậy.l Yếu tố thứ nhất chính là nói về GHPGVNTNChúng ta đều biết sau năm 1975, GHPGVNTN đã trải qua bao vấn nạn dồn dập. Sự kiện 77-78, rồi 81-95 đến việc thành lập GĐPTVN trên Thế giới. Đặc biệt là vấn nạn thầy Minh Châu triệu tập hội nghị bốn cấp dũng để tìm hướng đi cho GĐPTVN. Những sự kiện trên ai làm ? ai đã thừa hành ? ai là người đắc lực cho sự kiện để rồi làm cho Giáo Hội, làm cho cha mẹ mình phải khổ đau, chao đảo. Con thuyền giáo hội có lúc tưởng chừng không qua được phong ba. Ta tự hỏi ai làm ? Có phải chính anh em Áo lam chúng ta, con cháu của giáo hội đã làm cho tổ tông mình rỉ máu. Thử hỏi huyết nhục ở đâu, dòng họ ở đâu, đạo lý ở đâu, thoả hiệp với giặc để giết cha mẹ mà cũng vỗ ngực xưng mình là con đẻ ? Manh tâm như thế thì chỉ có loại con nôm mà thôi. Thậm chí khi Giáo Hội đã thấy được trắng đen thì những bộ mặt dã tâm, dã bộ kia (làm con, mà chỉ là con nôm) đến khi bất mãn với cha mẹ thì phơi bày bộ mặt bội ơn sinh thành, bội công nuôi dưỡng, thật đáng nguyền rủa cho đạo lý làm người. Tôi gọi con nôm là thế. Vì con nôm đâu phải dòng tộc. Không phải dòng tộc thì đâu có hiếu nghĩa, do vậy phải quyết sinh tử với cha mẹ để thoả mãn lòng tham dù phải đem thân mạng làm tôi mọi cho thế lực vô minh để nhờ thế lực vô minh hỗ trợ. Quý anh chị hãy nhìn rõ Võ Đinh Cường, Tống Hồ Cầm là ai, và ngày nay những kẻ bất khâm tuân Giáo chỉ, Giáo lệnh là ai ? Phải chăng họ cùng một giuộc với nhau cả ?l Yếu tố thứ hai : Sự thật của tinh thần Vô uý.Chúng ta thường daỵ các em năm Điều luật, hiểu biết Tam quy Ngũ giới, đó là giáo lý căn bản của người con Phật. Nhưng sự thật, nói thì có mà làm thì không. Dạy các em thì vậy nhưng có anh chị lại không làm không giữ. Bất kính Tam bảo, nói lời thô thiển khoác lác gian ngoa hàm hồ… Thế thì làm sao mà giữ giới ? Không có giới thì làm gì có luật ? Phật tử không giới không luật thì chỉ là phật tử ảo. Đúng là sân quá hoá si. Các anh chị thử nhìn lại việc Viện Hóa Đạo cử anh Lê Công Cầu làm Vụ trưởng và phản ứng của phía đối lập thì sẽ rõ. Gần đây nhất hãy xem việc thực hiện Giáo chỉ số 9 của đức cố Đệ tứ Tăng Thống thì thấy rõ bản chất của những con người như Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai. Họ là ai ? họ đang làm gì ?Tóm lại : việc lấy hai văn bản pháp lí là Hiến Chương của Giáo Hội và Nội Quy Quy Chế của Gia Đình Phật Tử để đấu tranh, thì đã lộ rõ cái trí tuệ kém cỏi của những ngưòi chủ trương, vì lẽ đương nhiên ai trong chúng ta cũng phải hiểu rằng Nội Quy Quy Chế là văn bản dưới luật. Khi cần thiết thì phải lấy Hiến Chương để áp dụng, tạo bình yên cho mọi tình huống xảy ra, tất nhiên khi đã áp dụng Hiến Chương thì một vài điều của văn bản dưói luật đã bị phủ nhận đó là lẽ đương nhiên. Hơn nữa ở đây là lời cha mẹ dạy con cái. Nếu con cái thuận thảo nghe theo thì gia đình có được hạnh phúc, ngược lại nếu con cái ngỗ nghịch thì gia đình mất hạnh phúc. Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con thì cha mẹ nào lại đi giết con mình để làm đám tang, ngược lại con mà đi rêu rao buộc tội ác cho cha mẹ thì đạo lý đâu mà xưng mình là con Phật. Chúng ta tự hào là những đứa con được un đúc bởi tinh thần Bi-Trí-Dũng chắc chắn chúng ta nhận biết ngay điều đó. Tại sao không nghe mà cứ chống đối, chẳng lẽ từ bỏ cha mẹ mình rồi lại giành một vị trí trên bàn thờ hay sao. Nếu không thì tại sao lại tiếm danh là GHPGVNTN ? Tôi hiểu và rất uất hận với những con người như thế. Cha mẹ có nghèo cực khốn khó, có đui què mẻ sức cũng không bao giờ tôi từ bỏ để chạy theo người giàu sang thế lực mà trở ngược lại ức hiếp cha mẹ mình.Thưa quý Anh ChịBây giờ tôi mạo muội đi vào cụ thể hơn chút xíu nữa để khẳng định thêm một sự thật. Chỉ xin lấy một điểm xuất phát thôi cũng đủ làm sáng tỏ cho tình hình chung hiện nay. Ai cũng biết Huế là cái nôi của Phật giáo, tôi ở Huế nên khá rõ nội tình : sau năm 1981 ở Huế có 2 Giáo hội song song tồn tại. Một là Giáo hội Nhà nước thường gọi là Giáo hội Quốc doanh với mục tiêu là « Đạo pháp dân tộc và Xã hội chủ nghĩa ». Thôi, đã quốc doanh rồi thì lưu tâm làm gì cho mệt. Giáo hội thứ hai là GHPGVNTN, một giáo hội dân lập có bề dày lịch sử. Vì là giáo hội của dân nên không có chữ « Xã hội chủ nghĩa ». Vì phục vụ chính trị nên Cộng sản đã dùng Giáo hội Quốc doanh để vô hiệu hoá Giáo hội truyền thống hòng thực thi sự nghiệp chính trị tam vô của họ (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). Đó là chiêu thứ nhất.Không đạt được mục đích, họ đã dùng đến chiêu thứ hai là chia để trị. Họ đã tìm cách mua chuộc, doạ dẫm, trấn áp những người của Giáo Hội Thống Nhất trở thành « đặc tình » của họ. Từ đó GHPGVNTN chia chẽ thành hai có thể thành ba thành bốn. Sử dụng chiêu bài dùng Sư đánh Sư, dùng GĐPT đánh GĐPT, gây chia rẽ, nghi ngờ, xáo trộn lung tung như một mớ bòng bong chẳng biết đâu mà gỡ…Y chang ở Huế, từ đó trong Giáo Hội Thống Nhất có thầy từ chức khỏi thành phần lãnh đạo kéo theo huynh trưởng GĐPT thân cận dần dần quay lưng, thậm chí hành động coi thường Giáo hội, bất khâm tuân Nhị Vị Lãnh Đạo tối cao và đã tự nhận mình là con không cha. May thay còn một số huynh trưởng vẫn luôn luôn coi mình là con đẻ, chung vai đấu cật với Giáo Hội trong sứ mạng bảo vệ truyền thống, bảo vệ lư hương bát nước của Thầy Tổ mình. Tại Huế hơn một năm nay nề nếp truyền thống bị phá vỡ, GĐPT chia làm hai mảnh, một mảnh trung hiếu với cha mẹ vì là con đẻ do anh Nguyễn Tất Trực lãnh đạo. Một mảnh bất hiếu với cha mẹ vì là con nôm do anh Nguyễn Sỹ Thiều lãnh đạo (con nôm mà vẫn tiếm danh dòng họ, nếu không tiếm danh thì chắc chắn họ từ lỗ nẻ chui lên). Tuy nhiên con nôm (không có khai sinh) lại được mọi sự ưu ái do chính quyền ban tặng. Con ruột (có khai sinh hợp lệ) lại bị pháp luật hất hủi đắng cay. Hãy nghe một huynh trưởng phía anh Thiều nói : « Theo anh Thiều thì mọi sinh hoạt sẽ dễ dàng, đừng theo anh Trực, vì theo anh Trực thì sẽ gặp mọi khó khăn ». Qua câu nói này, tôi liên tưởng rằng nếu sinh hoạt với anh Châu cũng dễ dàng, còn sinh hoạt với anh Cầu thì chắc chắn bế tắc. Quả thật, thực tế hơn năm qua là vậy. Chỉ vì anh Nguyễn Sỹ Thiều, anh Nguyễn Châu là con nôm, anh Nguyễn Tất Trực anh Lê Công Cầu là con ruột của GHPGVNTN. Như vậy đã quá rõ, có gì mà bàn luận. Xin thưa, tôi cũng vì con ruột của GHPGVNTN nên từ bấy lâu nay cũng đã bị chính quyền mời làm việc lên tới vài chục lần. Có lần họ dùng mọi áp lực buộc tôi phải từ bỏ GHPGVNTN tức là bỏ cha mẹ mình. Tôi thiết nghĩ là con người Việt Nam thì trong ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và ai cũng có niềm tin lý tưởng cho riêng mình, chẳng lẽ họ không có những điều ấy sao ? Nên tôi tuyệt đối không nhận lời với họ. Và tôi đã thầm nghĩ : Chết vinh hơn sống nhục.Quí Anh Chị tình lam thân mến !Thực sự với GHPGVNTN và GĐPT truyền thống hiện tại thì mọi sinh hoạt thực sự khó khăn bởi bối cảnh nội ma ngoại chướng. Chỉ có sự can đảm chịu đựng và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội đồng Lưỡng Viện và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo đứng đầu là Hòa thượng Quảng Độ và Hòa thượng Thiện Hạnh, sớm muộn cũng vượt qua. Tôi rất tin điều đó là sự thật và mơ một ngày nào đó hình ảnh của GHPGVNTN và GĐPT truyền thống, cụ thể là hai vị lãnh tụ tinh thần nêu trên và người anh cả Lê Công Cầu sớm xuất hiện phản ánh vị trí của mình trước công chúng. Tôi tin thật sự có hộ pháp long thần dẫn dắt nên cũng không lâu, nguyện vọng ngây thơ của tôi cũng như bao người khác đã thành hiện thực, trong đám tang của cố Đệ Tứ Tăng Thống tại Nguyên Thiều Bình Định, tôi đã hãnh diện vui sướng biết bao. Tiện thể tôi đưa ra vài sự kiện về hình ảnh đó. Hầu mong rằng quý anh chị có thêm vài tư liệu để xác định về GHPGVNTN và GĐPT chúng ta.Hơi dài dòng một chút : Trước khi tôi lên đường vào Bình Định, thì có thấy trên tivi trong chương trình thời sự của nhà nước Việt Nam, phản ánh hình ảnh nhập kim quang của ngài Tăng Thống và họ phản ánh rằng việc tổ chức đám tang cho ngài là do phật tử Bình Định mà trực tiếp là Gíao hội Quốc Doanh Bình Định tổ chức. Sau đó có ghép hình ảnh HT Quảng Độ cứu trợ Dân oan tại thành phố HCM năm ngoái. Tôi xem mà nực cười, khẳng định rằng : hình ảnh này đưa lên đánh lừa số đông quần chúng, hòng tạo ra dư luận giành giật... để thực hiện ý đồ khác. Xin các anh chị hiểu cho, có ai mà lạ đời cha con sống với nhau ngọt bùi cay đắng xẻ chia, nhường nhau nắm rau hạt muối, khi cha chết mà cậy người hàng xóm lo toan ? Cũng chẳng ai để con nôm thay vị trí trưởng nam trong lúc con ruột lại trung nghĩa đề huề. Thưa rằng, mình quá tin mà nói vậy, chứ ma quân mà liều mạng thì tình huống sẽ ra sao, nên tôi rất mong sớm được lên đường.Gần hai ngày sau khi Ngài viên tịch, 5h30 phút sáng 6 – 6 AL, chúng tôi, 20 huynh trưởng đã đến Tu viện Nguyên Thiều. Thực sự lúc này Phật tử chưa đông, lác đác đây đó trên dưới trăm người. Phía phe ta (tôi gọi) thì có anh Trực, anh Sơn, anh Thông, cùng các anh chị QT-TTH-QNĐN, số lượng trong khoảng 30 người do Anh Cầu hướng dẫn vào ngay khi Ngài viên tịch, tiếp thêm anh em chúng tôi vào (đợt 2) nên khá rậm đám một chút. Trên đường đi anh Cầu luôn nhắc nhủ : “Dù có bị khiêu khích, bị hành hung các anh chị em phải nhẫn nhục, không được manh động, mọi việc sẽ có quí Thầy ứng phó”. Vì sợ gặp bất trắc nên Anh Cầu ra lại Huế đưa chúng tôi vào. Vừa tới chỗ, anh Trực truyền đạt công tác ngay nên phần nào cũng được an tâm, nhưng lương tâm ai nấy đều nao nao lo lắng. Với tính hay tò mò lo lắng đi tham quan khắp Tu viện, cơ hội để khảo sát và nắm bắt thêm từ quý thầy trong Viện Hóa Đạo, trong môn đồ... Chỉ một tiếng đồng hồ sau đó thì ai nấy vào vị trí nhiệm vụ.Chúng tôi rất may mắn được Tăng chúng môn đồ trong tu viện yêu mến, được quý thầy trong Viện Hóa Đạo tin tưởng. Kể từ đó chúng tôi có trách nhiệm phục vụ khu vực Kim Quan của ngài và trực tiếp bảo vệ khu phương trượng nơi Hoà Thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo cùng Hội Đồng Lưỡng Viện làm việc và tịnh nghỉ. Số còn lại bảo vệ trật tự chung. Một nhiệm vụ quá nặng nề đòi hỏi phải tỉnh táo, đấu trí trước mọi tình huống có thể xảy ra.Đám tang của ngài ở trong một tình huống vô cùng khó khăn nên chủ trương của Giáo hội là Vô tướng. Bề ngoài mà nói thì thấy môn đồ tu viện đứng lo nhưng bên trong thì tuyệt đối khâm tuân sự chỉ đạo sát sao và thận trọng của Giáo Hội. Do vậy không có bàn tay nào của Giáo hội Quốc Doanh thò vào để lo đám. Cũng chính vậy mà hình ảnh GHPGVNTN, đặc biệt hình ảnh của HT Quảng Độ - HT Thiện Hạnh đã xuất hiện đề huề, trang nghiêm thanh tịnh, tỏ kính hiếu nghĩa với cha ông trong các nghi lễ trọng đại thể hiện niềm tin cho quần chúng. Đánh tan thái độ khoác lác, cố tình xuyên tạc của thế lực vô minh. Chứng tỏ hùng hồn sự tồn tại của GHPGVNTN trên đất nước VN. Bài trừ sự đánh đổ của chính phủ VN cho rằng hiện nay trên đất Việt không có GHPGVNTN.Tôi là người có mặt trong nhiệm vụ tại đó, xin nhắc lại lần nữa. Ngay sáng ngày đưa Giác Linh Ngài nhập tháp thì Thầy nào ? Giáo hội nào đi đầu dẫn đoàn Tăng Ni và quần chúng phật tử hơn 7000 người để tiễn đưa Ngài về nơi an nghỉ cuối cùng ? Chẳng lẽ HT Quảng Độ - HT Thiện Hạnh là người của Gíao hội Quốc Doanh chăng ? Chẳng lẽ đánh tráo lẫn lộn rồi cho đó là thầy Trí Quang - Tuệ Sỹ chăng ? Thưa quý Anh Chị, thực tế như vậy cũng đủ lắm rồi. Nhưng khổ nỗi, chúng ta là Phật tử nhưng cũng chỉ là con người, nên thường quan tâm đến chính mình mà khoác lác cho thoả mãn cái ta nên cố tình bóp méo sự thật, làm cho những người không đến Nguyên Thiều để chứng kiến hoài nghi rồi đồn đãi vô cớ.Vui miệng tôi nói luôn. Quý anh chị biết như nói ở trên, chúng tôi Gia Đình Phật tử (GĐPT) gồm các đơn vị Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đắc Lắc, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Đức… tuy số lượng không đông, ngày cuối cùng có người phải bán một phi lúa, bán chiếc xe đạp để có tiền đi vào tiễn Ngài nhập tháp, cũng chỉ lên đến khoảng 200 Huynh trưởng. Số lượng này so với phía anh Châu huy động về biểu dương lực lượng thì tỉ lệ khoảng 40% thôi. Dù ít nhưng chúng tôi được Hội Đồng Lưỡng Viện và Môn Đồ Hiếu Quyến giao nhiệm vụ khu vực nội chính (tôi gọi) còn GĐPT Bình Định lo phục vụ khu vực vành đai như giữ xe, hướng dẫn lưu trú và hậu cần. Như vậy, lực lượng phía anh Châu đông đảo, cộng sự tăng viện của lão đại ca Bạch Hoa Mai từ nước ngoài nhưng chẳng được ai tin dù cố gắng dàn trận hết sức, hòng thực hiện mưu đồ đen tối của Ma vương. Song tất cả đã bị Hộ pháp dẹp tan (xem bài viết của Huynh trưởng Trần Đình Dũng – Phú Lộc - Huế đăng ngày 23-8-08 là rõ). Chúng tôi yêu cầu Anh Lê Công Cầu phải xuất hiện trong đoàn đám tang sau tăng ni để chứng minh hệ thống tổ chức, anh chỉ mỉm cười : “Mình đến đây để lo cho Ôn chứ đâu để trình diễn”. Chúng tôi nài ép, vì đây là cơ hội cho Huynh trưởng toàn quốc thấy rõ một Lê Công Cầu bị bôi nhọ, bị chửi bới, bị lăng nhục chỉ vì nghe lời cha mẹ. Mười phút trước khi di quan anh mới chấp nhận, khi đó thì anh em chúng tôi đã người nào việc nấy rồi nên chỉ có vài người thân cận theo anh, nhưng hình ảnh ấy thực sự trìu mến dễ thương, dù bị tấn công để giành vị trí, dù bị chửi thề độc địa nhưng anh đã hiên ngang lấy lại vị trí của mình. Nước mắt tôi thực sự rơi giúp cho các anh chị, vì chúng ta thực sự mong điều đó.Các anh chị lưu ý. Tận nơi tiễn ngài vĩnh biệt cũng chỉ có hình ảnh Cầu và các Huynh trưởng tháp tùng. Con nôm dù đông như thế nhưng đều bị các em trật tự chận lại dưới bậc tam cấp. Thật sự chúng tôi (số ít) đâu thể chận nổi. Ôi, Ngài không muốn những đứa con bất hiếu làm ô uế chỗ ngài yên nghỉ hay Long thần Hộ pháp không muốn. Chúng ta đã sống được rồi đó anh chị em à.Trật tự cầm tay nhau khóa chặt dòng người, từ trên cao nhìn xuông thấy đầy đủ đoàn người của anh Châu – Mai im lặng đứng nhìn và lẩm bẩm gì đó nghe không rõ, nhưng tất cả đã bị vô hiệu hoá. Nghĩ mà đáng thương, vì trên đây đều là sự thật.Xa quê hương Bình Định trong lòng lâng lâng những sự kiện đáng ghi. Tất cả những gì nó tới nó sẽ tới, sự thật đâu dễ phôi pha. Tuy vậy nóng lòng từng chi tiết nhỏ đáng nhớ để rồi tôi cũng như quý anh chị tiếp tục suy gẫm cho mình hướng đi. Biết đâu nhiều cái nhỏ hợp thành sự kiện lớn thì sao. Thời gian phục vụ đám tang, chúng tôi với anh chị em Huynh trưởng Bình Định có dịp ngồi hàn thuyên tâm sự, câu chuyện qua lại khá vui vẻ xung quanh chủ đề GĐPT.Trước hết tạm nói về Nguyễn Thắng Nhu thì quá rõ : Khoác áo tràng dự lễ tang ngài, lại là đại diện cho Phân ban [Nam Nữ Phật tử của Giáo hội Nhà nước] thì loại ngay. Trần Tư Tín thì đã từ chối Văn Phòng II Viện Hóa Đạo để thong dong ngoài vòng đạo lý cũng nên vất bỏ. Tiếp Nguyễn Châu - Bạch Hoa Mai thì sự thực đã chứng minh họ tiếm danh con đẻ (tức họ là con nôm) của GHPGVNTN. Hai người này đang hợp đồng tác chiến trên khu vực ngã ba đường, họ đang phòng thủ trong một lô cốt bằng xốp, ở đó họ đã gài sẵn hoả lực từ lỗ “CHÂU MAI ” chỉa ra, chắc chắn sớm muộn họ cũng xả vào anh em ta đó.
Huế, ngày 2- 8 - 08Nguyên Hằng Nguyễn Đức ThủyBan viên Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên